Đầu tư 120 triệu, mỗi tháng thu 1,3 triệu đồng tiền bán điện
Ông Vũ Văn Hồng, nhà ở quận Tân Bình, TP.HCM cho hay, khoảng giữa năm 2019, thay vì phải làm khung sắt gắn mái tôn để che mưa nắng cho ngôi nhà mái bằng, ông đã quyết định đầu tư lắp pin năng lượng mặt trời với giá 120 triệu đồng cho 34m2 với 17 tấm pin.
“Việc lắp điện mặt trời trên mái khá đơn giản. Sau khi liên lạc với công ty bán pin năng lượng mặt trời để khảo giá, tôi liên lạc với Điện lực Tân Bình để kiểm tra đường dây diện, độ an toàn. Toàn bộ quá trình diễn ra khoảng gần 1 tuần là xong”, ông Hồng nói.
Theo ông Hồng, khi lắp điện mặt trời trên mái, điện lực sẽ lắp một công tơ hai chiều cho gia đình. Buổi sáng cả gia đình đi làm nên lượng điện chỉ tiêu thụ hết khoảng 0,3Kw, trong khi điện mặt trời nạp về là 1Kw. Như vậy, công tơ hai chiều tự động chuyển 0,7kw điện dư bán cho điện lực. Số điện này sẽ cộng dồn lại thành giá và cuối tháng sẽ được lấy tiền.
Tuy nhiên, có những ngày cuối tuần cả gia đình ở nhà, lượng tiêu thụ điện lên tới 2 Kw/ngày, mà lượng điện mặt trời nạp về chỉ có 1 Kw, đường truyền tự động chuyển về cung cấp đủ điện cho gia đình. Nghĩa là ngày hôm đó thay vì phải đóng 10 đồng tiền điện, gia đình ông Hồng chỉ phải đóng 5 đồng. “Hiện nay, mỗi tháng tôi đang bán cho điện lực Tân Bình từ 1- 1,3 triệu đồng/tháng”, ông Hồng cho hay.
Tổng công ty Điện lực miền Nam thông tin, chỉ riêng trong tháng 3 đã ký biên bản lắp đặt công tơ 2 chiều cho gần 600 khách hàng. Tổng số khách hàng lắp đặt điện mặt trời trên địa bàn thành phố đã lên đến 1.615 hộ. Lũy kế đến tháng 3, tổng công ty đã thanh toán tiền mua điện mặt trời áp mái cho hơn 4.000 khách hàng số tiền gần 145 tỷ đồng.
Khảo sát tại một đơn vị lắp điện năng lượng mặt trời áp mái, ông Vũ Đình Khánh, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển năng lượng HIGG tiết lộ, nhu cầu lắp đặt điện mặt trời của người dân rất cao. Tính từ khoảng giữa năm 2019 đến nay, HIGG đã lắp đặt hơn 100 công trình điện trên mái nhà, tổng công suất lắp đặt khoảng 1,5 MW.
Theo Điện lực TP HCM tính đến hết năm 2019, TP HCM có 5.686 công trình với tổng công suất lắp đặt là 69,53 MWp, chiếm tỉ lệ 17,92% so với tổng công suất lắp đặt điện mặt trời trên mái của cả nước. Tính đến ngày 11/5/2020, toàn TP có 6.835 công trình với tổng công suất lắp đặt là 88,78 MWp. Lượng điện năng phát lên lưới đến nay là 30,49 triệu KW, chưa bao gồm sản lượng điện được chính khách hàng sử dụng.
Chi 50 triệu lắp điện mặt trời áp mái nhà, 6 năm thu hồi vốn?
Ông Diệp Bảo Cánh, Tổng giám đốc Công ty CP Năng lượng Mặt trời đỏ (Red Sun) cho biết, tuỳ vào nhu cầu sử dụng nhiều hay ít, mỗi gia đình có thể chọn lựa những gói đầu tư năng lượng mặt trời khác nhau.
Ông Cánh dẫn thí dụ, một gia đình dùng khoảng dưới 1 triệu đồng/ tháng thì chỉ cần đầu tư gói 3 kw tương đương với 40 - 50 triệu đồng tiền đầu tư, mỗi tháng sẽ sản sinh ra khoảng 300 kw điện. Như vậy, chỉ cần 4 - 5 năm sau sẽ thu hồi được vốn đã đầu tư, sau đó có thể dùng điện miễn phí. Tương tự như vậy, nếu một gia đình đầu tư gói 5 kw tương đương khoảng 75-80 triệu đồng sẽ sản sinh ra khoảng 600 kw điện/tháng. Số điện này tính toán ra sẽ thu về khoảng 1,2-1,5 triệu đồng. Như vậy, chỉ cần khoảng 6 năm sẽ thu hồi vốn. Với những gia đình dùng mỗi tháng lên tới 2-3 triệu đồng tiền điện thì có thể đầu tư gói 10 kw tương đương đương 150 triệu đồng để thu về 1.200 kw điện, với số tiền điện khoảng hơn 3 triệu đồng.
“Tuy nhiên, không phải nhà nào có nhiều chỗ trống để lắp pin năng lượng mặt trời với số lượng để đủ xài, để không cần phải dùng điện của EVN. Nhưng việc sử dụng điện là được tính giá theo bậc thang. Từ 0-400 kw thì giá tính sẽ khác, từ 400 kw trở lên tính giá cao hơn. Vì thế việc lắp thêm pin năng lượng mặt trời sẽ không chỉ giúp tiết kiệm tiền điện mà tránh việc phải trả tiền điện ở giá cao”, ông Cánh phân tích.
Cần kéo dài thời gian hỗ trợ giá mua
Theo chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Ngọc Huy, đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời sẽ giúp khách hàng tiết kiệm chi phí tiền điện phải trả do việc giảm bớt sử dụng từ nguồn điện. Nếu những gia đình nào có điều kiện để lắp đặt hệ thống quy mô, có thể dư điện để bán lại cho ngành Điện lực. Hiện nay, giá một miếng năng lượng mặt trời áp mái dao động hơn 3 triệu đồng, chi phí một gia đình có thể lắp từ 50-100 triệu đồng tuỳ vào nhu cầu và điều kiện.
Tuy nhiên, ông Huy cho biết, theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, giá mua được áp dụng đối với những dự án đầu tư điện từ 1/7/2019 đến hết 31/12/2020 (1.943 đồng/kWh; Được áp dụng 20 năm kể từ ngày hợp đồng mua bán điện giữa chủ đầu tư và ngành điện có hiệu lực). Như vậy, từ nay đến cuối năm chỉ còn hơn 6 tháng.
Theo ông Huy, cùng với dân số tăng, nhu cầu về điện ngày càng lớn. Trong khi đó, năng lượng mặt trời là nguồn năng lượng xanh, sạch và chính là nguồn năng lượng của tương lai gần, có thể dần thay thế các nguồn điện truyền thống. “Vì thế, cần khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng bằng nhiều chính sách khác nhau. Chẳng hạn như gia hạn, kéo dài thời gian hỗ trợ chính sách khuyến khích về giá mua đối với điện năng lượng mặt trời áp mái. Một số công trình nên khuyến khích lắp đặt cả pin năng lượng mặt trời”, ông Huy nói.
Ngày 25/4, Công ty Điện lực Sài Gòn (quản lý cung cấp điện cho địa bàn quận 1, 3 - TP HCM), thuộc Tổng công ty Điện lực TP HCM (EVNHCMC) ký hợp đồng mua điện với 49 khách hàng đầu tiên là hộ dân, gia đình đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái với tổng công suất hơn 456 kWp. Đây là lần đầu tiên, một đơn vị thuộc EVNHCMC chính thức ký hợp đồng mua điện của các hộ dân, đơn vị lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái.
Ông Phan Vân Phong Vũ, Phó giám đốc Công ty Điện lực Sài Gòn cho biết, hiện trên địa bàn quận 1, 3 đã có 70 hộ dân, đơn vị lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái với tổng công suất 869 kWp, trong đó có 50 hộ dân, đơn vị đã lắp đồng hồ điện hai chiều để bán lại điện không dùng hết cho ngành điện.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận