Đường sắt Trung Quốc nối dài tới Nga |
Thời gian gần đây, dư luận quốc tế thường xuyên nhắc đến khái niệm “Một vành đai, một con đường” - điều vẫn được chính quyền Trung Quốc (TQ) coi là sáng kiến chiến lược của Chủ tịch TQ Tập Cận Bình nhằm mục tiêu thúc đẩy phát triển hợp tác kinh tế - thương mại ở nhiều khu vực trên toàn cầu, trong đó lấy TQ là trung tâm lan tỏa.
Tham vọng mở rộng ảnh hưởng toàn cầu
Sáng kiến của TQ ban đầu dấy lên hy vọng cho nhiều nước, nhưng rất nhanh sau đó đã nảy sinh hoài nghi về những gì TQ đang quyết tâm thực hiện. Mục tiêu của chiến lược “Một vành đai, một con đường” có trùng khớp với các mục tiêu đối ngoại của TQ như: Đa cực, không cường quyền, vì an ninh - hợp tác chung, cùng thắng... hay nhằm lấn át các nước nhỏ, thách thức và viết lại các quy tắc của cấu trúc địa chính trị và kinh tế toàn cầu hay không vẫn con đang còn nhiều dấu hỏi.
Để phục vụ cho thực hiện chiến lược “Một vành đai, một con đường”, TQ chủ trương để ngành GTVT của nước này “đi trước một bước”, từ đó thúc đẩy thực hiện chiến lược trên các lĩnh vực khác. Từ cuối tháng 5/2015, Bộ GTVT TQ xem xét thông qua “Phương án thực hiện quy hoạch chiến lược Một vành đai, một con đường”.
Cuối năm 2016, nhiều bộ, ngành TQ đã phối hợp công bố văn bản “Ý kiến về quán triệt, thực hiện sáng kiến “Một vành đai, một con đường”, đẩy nhanh tiện lợi hóa vận tải các tuyến đường quốc tế”. Văn bản này xác định mục tiêu đến năm 2020 sơ bộ xây dựng xong hệ thống vận tải quốc tế mở như đã đề ra trong kế hoạch.
Gần đây, trong các chuyến công du nước ngoài của các nhà lãnh đạo TQ, Bắc Kinh thường xuyên nhắc đến việc hợp tác, thực thi chiến lược “Một vành đai, một con đường”, đặc biệt, TQ cũng chủ động thúc giục các nước triển khai những thỏa thuận mà nước này đã thống nhất được với các quốc gia nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án Bắc Kinh đã xác lập.
Láng giềng, thế giới, khu vực cảnh giác, thận trọng
Dù TQ hứa hẹn rất nhiều khi đưa ra các lời mời chào hợp tác nhưng trong dư luận quốc tế vẫn còn nhiều lo ngại đối với chiến lược “Một vành đai, một con đường”.
Giới chuyên gia Nga cho rằng, dù là hàng xóm của Bắc Kinh, Moscow cần phải cảnh giác với sáng kiến “Một vành đai, một con đường”. Phó viện trưởng Viện Kinh tế, Viện Hàn lâm Nga, bà Svetlana Glinkina cho rằng, hiện nay Nga đã bắt đầu phụ thuộc vào TQ nhiều gấp 4,5 lần.
Theo bà Glinkina, nền kinh tế Nga không được đa dạng hóa, gần 70% kim ngạch xuất khẩu của nước này là nguyên, nhiên liệu khoáng sản, trong khi 62% kim ngạch xuất khẩu của TQ là máy móc, thiết bị và sản phẩm hoàn chỉnh.
Theo chuyên gia Nga, có thể thấy Nga đang dần lệ thuộc vào TQ và trong bối cảnh hiện nay nước này không có lựa chọn khác, sẽ tham gia vào đại dự án của Bắc Kinh nhưng Moscow đã chuẩn bị tâm thế thận trọng bởi nước này đã phải trả giá rất đắt cho một số chương trình hợp tác với TQ.
Trong khi đó, ở phía Nam bán cầu, tháng 3 vừa qua, chính quyền Australia đã từ chối tham gia dự án ”Một vành đai, một con đường” của TQ. Canberra cho rằng, dù luôn đề xướng mục tiêu “hợp tác cùng thắng”, nhưng Bắc Kinh chủ yếu thúc đẩy nó để phục vụ cho lợi ích của riêng TQ nhất là về kinh tế - chính trị chứ không hẳn là vì sự phát triển chung. Australia không chấp nhận để TQ xuất khẩu các “tiêu chuẩn, kỹ thuật, quản lý…” đến nước này thông qua dự án “Một vành đai, một con đường”.
Đối với khu vực ASEAN, theo các nhà quan sát chính trị, với việc ráo riết triển khai chiến lược “Một vành đai, một con đường”, TQ đã để lộ ý đồ biến khối ASEAN thành sân sau của mình trong 3 năm gần đây. Mục tiêu lâu dài của Bắc Kinh là tạo được ảnh hưởng sâu rộng về kinh tế và chính trị ở khu vực.
Chiến lược biến ASEAN thành sân sau của Bắc Kinh đã vấp phải nhiều trở ngại từ chính các thành viên ASEAN, đặc biệt là khi TQ tiến hành các hành động có tính chất bành trướng và quân sự hóa phi pháp ở khu vực biển Đông.
Đối với tranh chấp ở biển Đông, sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của TQ nếu thành công nhiều khả năng sẽ củng cố sự chiếm đóng phi pháp của TQ với các đảo, đá trên biển Đông cũng như tạo điều kiện để Bắc Kinh mở rộng sự hiện diện hải quân và hàng hải trong khu vực.
Trong bối cảnh niềm tin chiến lược giữa ASEAN và TQ bị xói mòn bởi những hành động gây bất an của nước này trên biển Đông, các nhà phân tích chính trị cho rằng, “Một vành đai, một con đường” trở thành trụ cột để nước này cố gắng bám giữ nhằm thiết lập lại ảnh hưởng trên lĩnh vực kinh tế - thương mại - chính trị ở khu vực.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận