Cống Mương Chuối (ảnh chụp tháng 3/2021)
Tại cuộc họp trực tuyến Chính phủ thường kỳ tháng 3/2021 (diễn ra chiều 31/3), Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: Thực hiện Chỉ đạo của Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ đã làm việc với Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để làm rõ hơn cơ sở pháp lý và hai bộ thống nhất việc Chính phủ ban hành Nghị quyết để tháo gỡ vướng mắc cho Dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, dự án được hình thành trong bối cảnh nhu cầu về giải quyết triều cường, ngập úng tại TP.HCM là rất cấp thiết. Nhu cầu về vốn đầu tiên quá lớn, gần 10.000 tỷ đồng, nguồn vốn nhà nước không đủ đáp ứng nên dự án được áp dụng hợp đồng BT.
Tại thông báo số 285 ngày 20/8/2015, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý áp dụng hình thức BT thanh toán bằng quỹ đất. Trường hợp giá trị thanh toán bằng quỹ đất nhỏ hơn giá trị hợp đồng BT, TP.HCM được thanh toán bằng ngân sách của thành phố cho phần chênh lệch.
Vướng mắc chính của dự án liên quan đến phương án thanh toán cho nhà đầu tư. Cụ thể, tại Nghị định 15/2015 và Quyết định 23/2015 quy định thực hiện thanh toán dự án BT bằng quỹ đất theo nguyên tắc ngang giá, bù trừ chênh lệch giữa giá trị dự án BT và quỹ đất thanh toán.
Mặc dù Nghị định 15 và Quyết định 23, Thông báo 285 không quy định cụ thể tỷ lệ thanh toán bằng quỹ đất và bằng tiền nhưng việc UBND TP.HCM ký hợp đồng BT với nhà đầu tư với tỷ lệ giá trị quỹ đất chỉ bằng 16% giá trị dự án BT là chưa phù hợp.
Nghị định 15 quy định phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đầu tư công để quyết định chủ trương sử dụng vốn nhà nước trước khi phê duyệt đề xuất dự án PPP. Tại thời điểm đó, UBND thành phố có báo cáo và được HĐND TP.HCM chấp thuận nhưng chưa được Thủ tướng đồng ý.
Ông Mai Tiến Dũng cho biết, để tháo gỡ vướng mắc dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết của Chính phủ để cho phép tiếp tục triển khai thực hiện dự án theo kiến nghị của UBND TP.HCM.
Về sự việc này, ông Mai Tiến Dũng cho rằng, TP.HCM là đô thị lớn nhất cả nước, do tác động của biến đổi khí hậu nên mỗi khi mưa lớn, triều cường, tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường… đã nghiêm trọng lại càng nghiêm trọng hơn. Do vậy, việc triển khai các dự án chống ngập là yêu cầu cấp thiết đối với TP.HCM.
Ngày 30/3/2021, Văn phòng Chính phủ đã làm việc với Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để làm rõ hơn cơ sở pháp lý và hai bộ thống nhất việc Chính phủ ban hành Nghị quyết của Chính phủ để tháo gỡ vướng mắc cho dự án là có cơ sở và thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
“Đây là dự án cấp thiết của TP.HCM, đã thực hiện trên 96% nên nếu để chậm có thể ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế-xã hội, nhất là môi trường, lãng phí nguồn lực đã đầu tư. Vì vậy, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết để tháo gỡ vướng mắc tiếp tục triển khai thực hiện, sớm hoàn thành để phát huy hiệu quả đầu tư là cần thiết”, ông Mai Tiến Dũng nói.
Kết luận tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, với dự án chống ngập cho TP.HCM, Chính phủ đã đề cập rất nhiều lần. Sau cuộc họp giữa Chính phủ với các cấp, các ngành, Bộ Tư pháp sẽ có văn bản trước khi Chính phủ ban hành Nghị quyết.
Theo người đứng đầu Chính phủ, tinh thần lớn nhất của dự án là làm đúng quy định pháp luật, chống thất thoát lãng phí; đặc biệt là, phải phát huy hiệu quả công trình. Vì vậy chủ đầu tư, đơn vị thi công, đơn vị thiết kế, giám sát… chịu trách nhiệm hiệu quả an toàn của dự án này.
“Đừng bao giờ đổ rằng, công trình không hiệu quả là do Chính phủ vì các đồng chí là người duyệt dự án này. Yêu cầu TP.HCM kiểm toán, quyết toán đúng quy định, loại bỏ những bất hợp lý, chống thất thoát. Chính phủ tháo gỡ nhưng thanh quyết toán, kiểm toán phải thực hiện đúng quy định pháp luật", Thủ tướng chỉ đạo.
Thủ tướng cũng yêu cầu xem xét xử lý trách nhiệm các cá nhân tổ chức liên quan dự án.
Dự án Giải quyết ngập do triều cường khu vực TP.HCM, có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu, giai đoạn 1 là dự án trọng điểm của thành phố, được triển khai với các mục tiêu ngăn triều cường và ứng phó tác động của biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TPHCM.
Đồng thời, điều tiết mực nước trong kênh rạch với khả năng tiêu thoát nước đô thị ra các sông lớn thông qua hệ thống máy bơm được lắp đặt ở các cống thuộc dự án. Đặc biệt, khi xảy ra hiện tượng triều cao kết hợp mưa lớn (hệ thống cống ngăn triều khép kín); hỗ trợ trữ nước mưa trong vùng bảo vệ của dự án khi triều cường xuống thấp, kết hợp chống sạt lở bờ sông và cải tạo cảnh quan, môi trường thành phố.
Báo Giao thông cập nhật một số hình của dự án đang thi công:
Cống Bến Nghé
Cống Phú Xuân
Cống Tân Thuận
Đê ngăn triều
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận