Giá thép trong tháng 4 đã tăng hơn 45% so với cùng thời điểm 2020
Trước thông tin giá thép tăng, diễn biến phức tạp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa yêu cầu Bộ Công thương phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính nghiên cứu, có các biện pháp thúc đẩy tăng năng lực sản xuất thép thành phẩm trong nước, hướng tới đáp ứng được nhu cầu trong nước.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu điều chỉnh sự mất cân đối cung ứng sản phẩm thép trên thị trường để ưu tiên thị trường trong nước thông qua việc điều chỉnh, cân đối khối lượng xuất khẩu thép thành phẩm.
Giải pháp tăng sản lượng sản xuất thép cũng được Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) khuyến nghị đến các doanh nghiệp.
VSA cho rằng, thị trường thép sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, giá cả nguyên vật liệu và thép thành phẩm trên thế giới sẽ có nhiều biến động, có thể sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới trên thị trường toàn cầu và nội địa.
Do đó, ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm thép, cũng cần tăng cường hợp tác phối hợp, ưu tiên nguồn nguyên liệu và thép thô cho thị trường trong nước; Tiết giảm chi phí sản xuất.
Trước đó, đưa ra nguyên nhân giá thép tăng tới 45%, Bộ Công thương cho hay, ngành thép Việt Nam phụ thuộc phần lớn từ nguồn nhập khẩu với nguyên liệu sản xuất đầu vào như quặng sắt, thép phế liệu, than mỡ luyện cốc, điện cực graphite...
Trong khi, giá thép thế giới đang tăng cao. Cùng với tác động tiêu cực từ hoạt động logistics và diễn biến Covid-19 khiến giá thép trong nước tăng đột biến.
Dự kiến, năm 2021, Việt Nam sẽ tiếp tục phải nhập khẩu nhiệu loại nguyên liệu để sản xuất thép quặng sắt cho các lò cao hơn 18 triệu tấn, thép phế liệu 6-6,5 triệu tấn cho các lò điện, than mỡ luyện cốc khoảng 6,5 triệu tấn và điện cực graphite khoảng 10.000 tấn...
Tháng 4 vừa qua, giá thép nhiều lần tăng với biên độ ngày càng lớn. Mức giá thép hiện tại đã đạt từ 16 đến hơn 18 triệu đồng/tấn tùy loại, cao hơn thời điểm đầu năm khoảng 27% và 45% so cuối năm 2020.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận