Quản lý

Chính phủ yêu cầu mở thủ tục phá sản SBIC trong quý I/2024

24/12/2023, 06:49

Chính phủ yêu cầu TCT Công nghiệp tàu thủy (SBIC) nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Công ty mẹ và 7 công ty con trong quý I/2024.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 220 về Kế hoạch tổ chức thực hiện Thông báo số 23 của Văn phòng Trung ương Đảng thông báo Kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương xử lý Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ.

Theo Nghị quyết của Chính phủ, Công ty mẹ - SBIC và 7 thành viên gồm các công ty TNHH MTV đóng tàu Hạ Long, Phà Rừng, Bạch Đằng, Thịnh Long, Cam Ranh; Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn và Công ty TNHH MTV Đóng tàu và công nghiệp hàng hải Sài Gòn sẽ phải khẩn trương rà soát, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo quy định pháp luật để nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản trong quý I/2024.

Cùng đó, sẽ thu hồi phần vốn góp của Công ty mẹ - SBIC tại Công ty CP Đóng tàu Sông Cấm; Tiếp tục xử lý đối với các doanh nghiệp thuộc SBIC, thu hồi tài sản và quyền tài sản của Công ty mẹ - SBIC và 7 công ty con tại các doanh nghiệp này.

TCT Công nghiệp tàu thủy: Mở thủ tục phá sản trong quý I/2024 - Ảnh 1.

Công ty mẹ và 7 công ty con thuộc SBIC sẽ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản trong quý I/2024.

Yêu cầu đặt ra là thu hồi tối đa vốn và tài sản, hạn chế tối đa việc sử dụng ngân sách Nhà nước, trường hợp phải sử dụng ngân sách nhà nước thì thực hiện đúng quy định pháp luật; giảm thiểu tổn thất tiền, tài sản của Nhà nước, tổ chức và cá nhân liên quan cũng như đối với ngành đóng tàu, sửa chữa tàu.

Về nhiệm vụ, giải pháp, Nghị quyết nêu rõ: Phần vốn góp của công ty mẹ - SBIC và Công ty TNHN MTV Đóng tàu Bạch Đằng tại Công ty cổ phần Đóng tàu Sông Cấm sẽ được thu hồi theo trình tự, thủ tục Luật Phá sản và quy định về chuyển nhượng vốn Nhà nước. Công việc này thực hiện song song quá trình làm thủ tục phá sản Công ty mẹ và Công ty Đóng tàu Bạch Đằng. Dự kiến thực hiện trong quý II/2024.

Với các doanh nghiệp thuộc cơ cấu Vinashin trước đây không giữ lại trong cơ cấu SBIC nhưng chưa hoàn tất quá trình tái cơ cấu, Chính phủ yêu cầu các bên tiếp tục xử lý để thu hồi tài sản. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý II/2024.

Chính phủ yêu cầu trong quá trình làm thủ tục phá sản, cần quan tâm, đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động, tránh để xảy ra những ảnh hưởng tiêu cực về tư tưởng, gây khiếu kiện làm mất ổn định về chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Chính phủ giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các Bộ Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính làm việc với Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao và các tòa án liên quan đẩy nhanh tiến độ xử lý SBIC.

Cùng đó, chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, các Bộ, ngành có liên quan, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao năng lực các doanh nghiệp đóng tàu trong nước trong quý I/2025.

SBIC được thành lập và hoạt động từ 1/1/2014 với vốn điều lệ 9.520 tỷ đồng, sau quá trình cơ cấu, xóa mô hình tập đoàn tại Vinashin do loạt sai phạm, thua lỗ.

Ngoài hoạt động nhằm bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước tại công ty mẹ và các đơn vị thành viên, SBIC còn phải sắp xếp lại 234 doanh nghiệp thuộc cơ cấu Vinashin trước đây. Trong đó, doanh nghiệp này cổ phần hóa, bán chuyển nhượng vốn, chuyển giao, sáp nhập 69 doanh nghiệp và bán, giải thể, phá sản 165 doanh nghiệp.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.