Gian nan vượt 4km đồi cát nắng nóng |
Đến đây, ngoài trải nghiệm vượt đồi cát, rừng núi, ngắm biển trời bao la, phần thưởng sau cùng là đón bình minh đầu tiên trên dải đất hình chữ S bên cột mốc.
Có nhiều nhầm lẫn cho rằng, cực Đông của Việt Nam nằm ở Mũi Điện (Phú Yên), nhưng theo sách giáo khoa địa lý cũng như xét về tọa độ bản đồ, Mũi Đôi của Khánh Hòa mới đích thực là cực Đông. Nơi đây nằm trên bán đảo Hòn Gốm, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.
Mũi Đôi có hai doi đá cùng nhô ra biển Đông và có tên gọi là mũi Bà Dầu. Quang cảnh nơi đây rất đẹp được tạo hóa ban tặng với các kết cấu ghềnh đá đủ hình thù kích cỡ kéo dài hàng trăm mét, phía trong là rừng bao quanh, bên kia núi là Eo Gió yên bình.
Di chuyển
Sau bao tháng ngày ấp ủ và lên kế hoạch chinh phục Mũi Đôi, đoàn chúng tôi cũng xuất phát với 23 thành viên. Chúng tôi bắt xe khách từ TP.HCM lúc 19h thứ sáu đến bến xe Tuy Hòa (Phú Yên) lúc 6h thứ bảy. Sau khi phân chia hành lý, nước uống và ăn sáng, chúng tôi chạy xe máy (đã thuê trước đó) vượt đèo Cả khám phá cung đường ven biển vùng đất này.
Trên hành trình xuôi về Cực Đông, chúng tôi tự đãi mình vô vàn cảnh đẹp trên đường đi qua địa phận giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa: từ Bãi Môn, Mũi Điện, Vũng Rô (Phú Yên) cho đến các bãi tắm Hòn Ngang, Xuân Đừng (Khánh Hòa). Cứ phóng xe máy theo đường ĐT651 hướng về Vạn Ninh đến nhà nghỉ Hải Hà gửi xe máy và bắt đầu trekking vượt đồi cát. Nếu bạn không biết đường vượt đồi cát đoạn đầu tiên, có thể nhờ chú Hai (người dẫn đường ở cực Đông) cho người ra hướng dẫn.
Trekking vượt 4km đồi cát nóng gắt
Dải đất miền Trung không thiếu gì ngoài nắng, gió và cát, những thứ này tạo nơi đây không khí nắng nóng vô cùng, đã vậy hanh khô, đi dưới trời nắng nếu không quen sức dễ bị đuối và bỏ cuộc. Chúng tôi cũng chứng kiến một anh bạn trẻ bỏ cuộc trong khi đoàn khác gồm 10 người ra về khi chỉ vừa đi được 2km.
10h sáng, chúng tôi bắt đầu trekking vượt 4km đường đồi cát, trên vai mang vác khoảng 12-15kg hành lý và thức ăn, nước uống. Quãng đường tuy ngắn nhưng do cát lún cộng với thời tiết nắng nóng đi như kiểu “hành xác” nơi sa mạc. Cả đoàn đi từng bước một, cứ đi một đoạn ngắn lại phải dừng nghỉ và uống ngụm nước. Cứ thế, chúng tôi mất gần 2,5 tiếng để hoàn thành quãng đường này.
Chúng tôi nghỉ ngơi nhà chú Hai, dùng bữa trưa, tiếp thêm nước và bắt đầu xuất phát đến cực Đông lúc 14h.
Bình minh tuyệt đẹp ở cực Đông Mũi Đôi |
Vượt rừng núi 7km để đến Mũi Đôi
Từ nhà chú Hai, theo người dẫn đường, đoàn chúng tôi nhập với một đoàn khác cũng từ TP.HCM ra, vượt 7km đường đồi, rừng núi mới có thể đến được cực Đông. Đoạn này, vất vả nhất là vượt dốc hai quả núi cao nhất, còn lại đi cũng dễ dàng. Hai đoạn đồi núi có dốc khá cao và dựng đứng nên để vượt hết dốc buộc bạn phải nghỉ khá nhiều chặng và tiêu rất nhiều nước.
Băng qua những cánh rừng khô hạn, có lúc rừng mưa nhiệt đới ẩm ướt, trên đầu những tán cây phủ mát, nhiều nơi đụng đầu phải cúi người đi qua. Đi trong rừng như một cực hình, thời tiết nóng lại không có gió mát, khiến bạn đổ nhiều mồ hôi, kiệt sức nhanh nếu không biết cách điều hòa di chuyển.
Trên đường đi, lúc đi sâu trong rừng núi, lúc men dọc sát bãi biển, gió nồm thổi lồng lộng. Hết đoạn rừng, nơi đây sẽ chào mời bạn bằng những phong cảnh thanh bình và thơ mộng: Bãi Rạng sóng vỗ êm đềm, hòn Ghềnh điểm xuyến những khối đá tảng to đùng lưng tựa núi trông thật hùng vĩ. Nhìn cảnh tượng này, ai cũng hào hứng phấn chấn như xua tan hết mệt nhọc.
Bãi Rạng - Hòn Ghềnh trải dài khoảng 500m. Nơi đây có bãi tắm dài khoảng 200m, thích hợp tắm biển hạ trại. Tại đây có một hộ dân sinh sống, bạn có thể xin nước ngọt để dùng sinh hoạt cá nhân. Đoàn chúng tôi tiếp tục di chuyển đến Eo Gió để hạ trại khi trời đã nhá nhem tối, xa xa ngoài khơi biển Đầm Môn lên đèn sáng rực, những chiếc thuyền đánh cá cũng mở đèn lúc xanh, lúc đỏ.
Đêm tiệc BBQ khó quên
Khung cảnh đêm trên Eo Gió vốn thanh bình, yên tĩnh nhưng chúng tôi đã mang một không khí mới sinh động, vui tươi cho vùng đất này. Nồi cháo gà thơm phức ai cũng tranh thủ húp 1-2 bát; thịt, hải sản nướng,... tự dưng rồi cũng hết. Một hồi no nê, chúng tôi quây quần hát cho nhau nghe những bản nhạc, lúc thì đơn ca, song ca, lúc thì tốp ca vang vọng cả một vùng.
Đêm xuống, gió càng mạnh hơn, bầu trời thoáng đãng lộ rõ những vì sao lấp lánh sáng rực. Tôi đứng trên tảng đá cố gắng chụp vài bức ảnh phơi sáng để lưu lại những khung cảnh đẹp nơi đây. Hướng lều, cả đoàn cũng thấm mệt, mạnh ai nấy tìm chỗ nghỉ, chỉ có ngoài kia, những con thuyền vẫn bao ngày ra khơi trên biển, những vì sao vẫn sáng rõ hơn ở phía Đầm Môn.
Vượt ghềnh đá ngắm bình minh
4h sáng chủ nhật, chúng tôi í ới gọi nhau tranh thủ mang đồ dùng cá nhân, đèn pin rọi đường theo anh dẫn đoàn vượt ghềnh đá khoảng 200m ra Mũi Đôi đón ánh bình minh đầu tiên trên dải đất chữ S. Trời tối mịt, chúng tôi nhờ đèn pin rọi đường mà đi, chẳng biết xung quanh mình có gì, chỉ thấy hai bên toàn đá, xa xa tiếng sóng vỗ du dương.
Vượt hết ghềnh đá, bạn phải đu dây lên tảng đá khổng lồ, nơi chóp Inox ghi tên cực Đông - Mũi Đôi, cũng là lúc bình minh rực hồng trên nền trời, thấp thoáng phía sau Hòn Đôi. Đúng là nơi ngắm bình minh đầu tiên ở Việt Nam. Hôm chúng tôi đi, bình minh lên thật đẹp, trời xanh mây trắng bao quanh. Ánh mặt trời mỗi lúc một đỏ rực, điểm xuyến những đám mây ráng hồng phản chiếu xuống mặt biển loang loáng một màu hồng nhạt, khiến khung cảnh thêm thơ mộng, đẹp đến nao lòng.
Tại đây, bạn chụp hình check-in cùng với cột mốc, ảnh lưu niệm với đoàn, ảnh cá nhân với phong cảnh đá núi trùng điệp, trước khi rời cực Đông về điểm hạ trại dùng bữa sáng, xếp lều và hành lý để ra về.
Bạn có thể về lại đường cũ nếu đoàn đủ sức, hoặc thuê thuyền để về. Đến nhà chú Hai, bạn có thể dùng bữa trưa, tắm biển bãi Cỏ Ống và uống cạn những ly đá chanh mát lạnh, bù nước sau hành trình trekking cực nhọc.
13h xuất phát về Tuy Hòa, trên đường bạn có thể ghé nhiều điểm tham quan, ngắm cảnh và ăn tối. 18h, xuất phát về lại TP.HCM và kết thúc chuyến khám phá Mũi Đôi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận