Khám phá

Dừng khai thác khoáng sản sau khi phát hiện hang động tại núi Đụn

30/10/2024, 16:48

Ngày 30/10, UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, đã có văn bản yêu cầu dừng hoạt động khai thác khoáng sản tại núi Đụn.

Ông Đỗ Minh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các đơn vị liên quan và yêu cầu doanh nghiệp dừng hoàn toàn hoạt động khai thác khoáng sản tại khu vực núi Đụn, xã Hà Long, huyện Hà Trung.

Dừng khai thác khoáng sản sau khi phát hiện hang động tại núi Đụn- Ảnh 1.

Núi Đụn ở xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa- nơi phát hiện ra hang động.

Việc tỉnh Thanh Hóa quyết định dừng hoạt động nhằm mục đích để cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện thủ tục khoanh vùng bảo vệ di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và khoanh định khu vực cấm hoạt động khai thác khoáng sản tại núi Đụn.

Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa cũng giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện hồ sơ, thủ tục khoanh định khu vực núi Đụn là khu vực tạm thời cấm hoạt động khai thác khoáng sản; báo cáo UBND tỉnh xin ý kiến các bộ, ngành liên quan, làm cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Dừng khai thác khoáng sản sau khi phát hiện hang động tại núi Đụn- Ảnh 2.
Dừng khai thác khoáng sản sau khi phát hiện hang động tại núi Đụn- Ảnh 3.
Dừng khai thác khoáng sản sau khi phát hiện hang động tại núi Đụn- Ảnh 4.
Dừng khai thác khoáng sản sau khi phát hiện hang động tại núi Đụn- Ảnh 5.
Dừng khai thác khoáng sản sau khi phát hiện hang động tại núi Đụn- Ảnh 6.
Dừng khai thác khoáng sản sau khi phát hiện hang động tại núi Đụn- Ảnh 7.

Qua kiểm tra, trong hang núi Đụn có nhiều nhũ đá đẹp.

Sau khi có quyết định phê duyệt bổ sung khu vực núi Đụn là khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường có nhiệm vụ tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hóa thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản đối với doanh nghiệp và thực hiện các công việc theo quy định của luật khoáng sản.

Trước đó, như Báo Giao thông phản ánh, người dân các thôn: Gia Miêu, Khắc Dũng, Nghĩa Đụng (thuộc xã Hà Long, huyện Hà Trung) cho biết, phía sau khu vực Miếu Triệu Tường thuộc khu di tích Lăng Miếu Triệu Tường (đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia) có núi Đụn.

Dừng khai thác khoáng sản sau khi phát hiện hang động tại núi Đụn- Ảnh 8.

Tại khu vực nền hang động có một số di vật đồ gia dụng bằng gốm, có niên đại lịch sử (dấu vết khảo cổ). (Ảnh: Bùi Văn Hùng).

Trên núi Đụn có 4 cửa vào động, trong động có nhiều nhũ đá đẹp, có nhiều tiềm năng phát triển chuỗi du lịch tâm linh, sinh thái: Lăng Miếu Triệu Tường, Đình Gia Miêu, Đền Quan Hoàng Triệu Tường, Hồ bến Quan, Lăng Trường Nguyên Thiên Tôn, Núi Đụn, Đền rồng, Đền Nước...

Tuy nhiên, đầu năm 2024, Công ty Tiến Thịnh vào khai thác và chế biến đá làm ảnh hưởng trực tiếp đến cửa vào Động (cửa chính vào Động nằm ở phía Đông núi Đụn), quần thể di tích xung quanh.

Sau thông tin phản ánh, ngày 25/3/2024, đoàn công tác liên ngành của tỉnh Thanh Hóa đã kiểm tra thực tế và xác nhận Báo Giao thông phản ánh đúng thực tế.

Kết quả cho thấy, hang Đụn (hay còn gọi là hang Núi Đụn) thuộc địa phận xã Hà Long, huyện Hà Trung có quy mô rộng, gồm 4 cửa thông nhau. Hang động này có nhiều nhũ đá tự nhiên với tạo hình kỳ thú, có mạch nước ngầm chảy ra di tích cấp tỉnh Hồ Bến Quân, nhiều tiềm năng phát triển du lịch.

Ngoài ra, tại khu vực nền hang động có một số di vật đồ gia dụng bằng gốm, có niên đại lịch sử (dấu vết khảo cổ) cần được tiếp tục nghiên cứu.

Vào tháng 9/2024, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cũng đã phối hợp với huyện Hà Trung tổ chức hội thảo khoa học "Đánh giá vị trí, giá trị lịch sử, văn hóa, mối liên hệ vùng của núi Đụn trong không gian lịch sử, văn hóa của di tích quốc gia Lăng miếu Triệu Tường và các di tích nhà Nguyễn trong khu vực".

Theo đánh giá của các nhà khoa học, hang Đụn chứa đựng những giá trị "kép" về di sản thiên nhiên và văn hóa. Núi Đụn có mối liên hệ mật thiết, nằm trong không gian của khu vực núi Triệu Tường - nơi có di tích quốc gia Lăng miếu Triệu Tường.

Nơi đây chứa các di tích, di vật khảo cổ của cả thời tiền sử và lịch sử, minh chứng cho nhiều thời kỳ con người đã sử dụng hang này cư trú tạm thời để tránh thiên tai, địch họa hay là nơi đóng quân trong các cuộc chiến tranh thời lịch sử.

Ngoài ra, sự phong phú, đa dạng, đẹp đẽ và độc đáo của hệ thống thạch nhũ trong hang sẽ là điểm đến hấp dẫn cho du khách nếu được bảo tồn.

Núi Đụn có quy mô, diện tích khoảng 6,48ha, nằm trong Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản đá làm vật liệu xây dựng thông thường ở Thanh Hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Năm 2014, UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép khai thác khoáng sản cho Công ty Tiến Thịnh. Đến năm 2018, tỉnh Thanh Hóa điều chỉnh giấy phép với diện tích mỏ 25.391m2 (trong đó: Khu vực khai thác là 17.871m2, khu vực khai trường là 7.520m2), thời hạn khai thác 17 năm 9 tháng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.