Các nhà hoạt động từ Mạng lưới Biên giới vì Nhân quyền phản đối chính sách nhập cư của Mỹ tại El Paso, Texas |
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc (LHQ) Nikki Haley đã công bố quyết định trên tại một cuộc họp báo chiều 19/6 (theo giờ Mỹ).
“Mỹ chính thức rút khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ”, bà Haley nói và lập luận: “Cơ quan này đã đánh mất sự tín nhiệm cuối cùng. Đó là lý do tại sao chúng tôi phải rời đi”.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Pompeo cho rằng, Hội đồng Nhân quyền LHQ là cơ quan bảo vệ nhân quyền kém khi đưa ra các nghị quyết chống lại Israel.
Quyết định này của Mỹ cũng được đưa ra sau khi Cao ủy Liên hợp quốc về Nhân quyền Zeid Ra"ad al-Hussein đã chỉ trích Washington về chính sách “không thể chấp nhận” của việc tách con cái của những người di cư vượt biên giới bất hợp pháp và giam giữ họ trong các trại giam.
Chính sách nhập cư của Mỹ thời gian gần đây cũng vấp phải phản đối của nhiều nhà hoạt động về nhân quyền.
Ngoại trưởng Mike Pompeo và đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley trong buổi họp báo |
Hội đồng Nhân quyền, được thành lập năm 2006, có chương trình nghị sự thường trực về những vi phạm của Israel ở các vùng lãnh thổ chiếm đóng của Palestine, mà Washington muốn xóa bỏ.
Washington cho rằng, Hội đồng Nhân quyền bị chi phối bởi những tiếng nói chống Israel và tẩy chay tổ chức này trong 3 năm dưới thời Tổng thống Geoge W.Bush, trước khi tái gia nhập năm 2009 dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama.
Tháng trước, Hội đồng gồm 47 thành viên đã bỏ phiếu tiến hành cuộc điều tra vụ giết người ở Gaza và cáo buộc Israel sử dụng vũ lực quá mức.
Mỹ và Australia bỏ phiếu chống. Đại sứ Israel tại Geneva, Aiva Raz Shechter, lên án Hội đồng “tuyên truyền những lời dối trá chống Israel”.
Ngay sau quyết định rút khỏi Hội đồng Nhân quyền của Mỹ, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cảm ơn Washington vì “quyết định dũng cảm” khi rời khỏi tổ chức “thiên vị, thù địch, chống Israel”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận