Những ngày này, dù việc mua bán khá đìu hiu do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng các chợ hoa Tết ở miền Tây vẫn mang đến một không khí rộn rã cho người dân, khi xuất hiện hàng loạt các loại kiểng "độc, lạ" khiến nhiều người dân vô cùng thích thú.
Hàng năm, khu vực đường Ngô Gia Tự (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) là nơi được bố trí chuyên biệt dành cho các lô sạp kinh doanh mai kiểng. Năm nay, do ảnh hưởng dịch bệnh, tuy số lượng mai xuống phố không nhiều, nhưng vẫn có những cây mai khủng.
Để chăm được đến ngày "trưng trổ" như hôm nay là một quá trình dày công và tỉ mỉ, mất rất nhiều công sức để cây luôn ở tình trạng tốt nhất. Nhất là thời điểm gần Tết, người trồng cây mất ăn mất ngủ chỉ để “quấn quýt”, chăm sóc cho cây quý.
Cây mai của anh Nguyễn Duy Hiếu (quận Ninh Kiều) được định giá 1,2 tỷ đồng.
Anh Hiếu chia sẻ: Cây mai này có tuổi đời hàng chục năm. Để chăm được như hôm nay là một quá trình dày công và tỉ mỉ, mất rất nhiều công sức để cây luôn ở tình trạng tốt nhất. Nhất là thời điểm gần Tết, người trồng luôn phải mất ăn mất ngủ chỉ để “quấn quýt”, chăm sóc cây mai quý.
Quan sát của PV, cây mai tính từ gốc đến ngọn phải cao hơn 3m, thân cây to khỏe, có nhiều nhánh tủa ra, nhìn rất hoành tráng, và mạnh mẽ. Những người đam mê kiểng "độc" thường là các đại gia nhiều tiền. Năm nay, anh Hiếu kỳ vọng sẽ có người đến mua.
Ngoài các chợ hoa, những ngày này, dọc theo các con đường đi qua xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, rất dễ thấy những con hổ làm từ tắc kiểng được trưng bày, trông rất ngộ nghĩnh và lạ mắt.
Anh Huỳnh Văn Thanh ở xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre cho biết, từ tháng 5 âm lịch, anh đã chuẩn bị nhiều vật liệu để tạo hình hổ. Thông thường để tạo hình thành một con hổ phải tốn rất nhiều nhánh tắc, tùy vào độ lớn nhỏ của nhánh.
Trước khi tạo hình thành linh vật hổ, anh phải tạo ra khung sắt trước. Sau đó, mới dồn từ 13 đến 14 giỏ tắc kiểng vào chậu và tạo hình dần dần thành hình con hổ.
"Năm nào tôi cũng làm con linh vật từ tắc kiểng. Năm nay, tôi làm khoảng 16 cặp, bán với giá 5 triệu đồng/cặp cho khách ở Quảng Bình. So với các linh vật khác, linh vật hổ rất khó tạo hình nên mỗi nghệ nhân sẽ tạo ra các con hổ có hình dáng, cảm xúc khuôn mặt không giống nhau", anh Thanh chia sẻ.
Cũng ở Bến Tre, có ông Sáu Quí đã dùng tắc kiểng làm thành hình rồng, nai và cọp. Ngoài trái tắc, ông Sáu Quí còn dùng trái dư để làm kiểng thú. Loại trái này có màu vàng rực, khi tạo hình sẽ cho một sắc rực rỡ, trông khá ấn tượng.
“Trái dư trong suy nghĩ của mọi người nghĩa là dư dả, ý nói về việc làm ăn phát đạt, làm gì cũng có dư, nên mang đến điềm tốt. Loại trái này thường được bà con tìm mua để cúng kiếng hoặc chưng bày trong mấy ngày tết. Chính vì vậy, tui lấy trái dư làm kiểng thú, hy vọng sẽ đắt hàng”, ông Sáu Quí nói.
Tại cơ sở hoa kiểng Út Dị (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) hiện đang tất bật thuê người tạo hình từ tắc kiểng. Bà Lê Thị Phượng - chủ cơ sở hoa kiểng Út Dị cho hay, năm nay tạo hơn 10 cặp hổ từ tắc kiểng. Ngoài ra, cơ sở còn sản xuất hàng chục sản phẩm khác làm từ tắc kiểng và mai chiếu thủy…
Theo bà Phượng, tắc kiểng tạo hình linh vật thường có giá cao gấp 5-10 lần so với việc bán cây tắc bình thường. Do đó nhiều nhà dân, cơ sở tranh thủ làm thêm, đáp ứng nhu cầu thị trường vào dịp Tết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận