Lãnh đạo Tổng cục đường Bộ VN, Tổng cục 7 Bộ Công An, UBND tỉnh Hà Tĩnh chứng kiến các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn Hà Tĩnh ký cam kết không bốc xếp hàng vượt quá tải trọng phương tiện |
Tham dự Lễ ký có lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Tổng cục 7 Bộ công an, UBND tỉnh Hà Tĩnh, Cục QLĐB II, các Sở, ban, ngành địa phương cùng đại diên 4 doanh nghiệp vận tải đầu mối hàng hoá lớn và cùng đại diện cho hơn 80 đơn vị khai thác gần 100 mỏ vật liệu trên địa bàn.
Tại đây, ông Nguyễn Văn Huyện cho biết, theo Nghị định 171/2013-NĐCP sửa đổi mà Bộ GTVT đang trình Chính phủ, dự kiến có hiệu lực từ năm 2015 tới, trong trường hợp lái xe chở quá tải trọng cho phép vượt quá 100% thì chủ xe hoặc chủ doanh nghiệp sẽ bị phạt 40 triệu đồng.
Các trường hợp xe chở quá tải bị phát hiện tại các trạm cân xe, lực lượng kiểm tra sẽ thu hồi giấy tờ, lập biên bản xử lý và yêu cầu lái xe tự quay lại hạ tải và chỉ cho phép đi qua trạm cân khi đã chở đúng tải trọng.
Theo nghị định 171 sửa đổi đang trình Chính phủ phê duyệt, xe chở quá tải từ 100% có thể bị phạt lên đến 40 triệu đồng |
Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cũng nhấn mạnh, thời gian qua tại một số tỉnh tỉnh phía Nam, việc kiểm soát tải trọng đã được triển khai khá nghiêm túc như Trà Vinh, Bạc Liêu. Kết quả là tình trạng xe chở quá tải tại hai địa phương này đã cơ bản được giải quyết. Tuy nhiên, hiện khu vực các tỉnh miền Trung, miền Bắc là nơi có nhiều mỏ vật liệu và nhà máy sản xuất xi măng nên còn tồn tại nhiều xe quá tải.
Đối với Hà Tĩnh, ông Huyện đánh giá sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng khá tích cực, hiệu quả xử lý xe quá tải đạt mức trung bình khá. Số lượng xe vi phạm bị phát hiện vẫn cao hơn mức trung bình của toàn quốc.
Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ VN kiểm tra việc bốc xếp hàng hoá của một số doanh nghiệp lớn tại Hà Tĩnh |
Ông Huyện cũng cho biết, tới đây sau Hội nghị trực tuyến về công tác kiểm soát tải trọng xe được tổ chức trực tuyến trên toàn quốc, Bộ GTVT sẽ tham mưu cho Chính phủ để xây dựng các mô hình điểm về kiểm soát tải trọng xe. Việc ký cam kết không xếp hàng lên phương tiện vượt quá tải trọng cho phép cũng sẽ được triển khai trên tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Cùng đó, Bộ GTVT sẽ triển khai việc lắp đặt hệ thống cân cố định tại các trạm thu phí, hoàn thành vào cuối năm 2015.
Phát biểu tại đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, các địa phương ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân. Sở GTVT, Công an tỉnh tiếp tục chỉ đạo các Lực lượng liên ngành hết sức sát sao, tập trung, không bỏ sót, bỏ lọt vi phạm.
Ngay sau Lễ ký cam kết, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cùng tỉnh Hà Tĩnh đã đi kiểm tra về việc bốc xếp hàng hoá của một số doanh nghiệp lớn trên địa bàn.
Từ ngày 3/3/2014, Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động của Hà Tĩnh với sự tham gia của 4 lực lượng CSGT, CSTT, TTGT, KSQS đã duy trì hoạt động kiểm tra tải trọng 24/24h. Đến nay đã yêu cầu 5273 lượt phương tiện vào cân, trong đó phát hiện 795 trường hợp quá tải, phạt tiền hơn 7,5 tỷ đồng. Tổ kiểm tra liên ngành phối hợp 3 bên CSGT, TTGT, Đăng kiểm đã tiến hành 2 đợt kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn kỹ thuật phương tiện, xử lý lỗi cơi nới thùng xe, chở quá tải tại khu vực nóng về xe quá tải như QL12C Kỳ Anh, QL 1 đoạn qua khu kinh tế Vũng Áng. Kết quả đã phát hiện 335 phương tiện vi phạm, buộc cắt thùng tại chỗ 32 trường hợp. Ngoài ra, thông qua công tác tuần tra kiểm soát, lực lượng CSGT Phòng CSGT Hà Tĩnh đã lập biên bản xử lý 349 xe quá tải, 588 xe cơi nới thành thùng, TTGT Sở GTVT lập biên bản xử lý 612 phương tiện vi phạm lỗi chở hàng quá tải, quá khổ. |
Anh Đức- Văn Thanh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận