Thầy giáo - Nhà báo Huỳnh Văn Thông, Trưởng khoa Báo chí - Truyền thông Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM. Ảnh Đỗ Loan |
Đó là chia sẻ của Thầy giáo – Nhà báo Huỳnh Văn Thông, Trưởng khoa Báo Chí - Truyền thông Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân Văn, ĐHQG TP.HCM về vấn đề nhiều sinh viên hiện rất mù mờ về ngành học, chọn nghề báo theo cảm hứng…
Thưa thầy, tại sao có rất nhiều sinh viên đang rất mơ hồ về ngành báo chí, thầy có lời khuyên gì đối với những thí sinh đang chuẩn bị đăng ký tuyển sinh vào khoa Báo chí – Truyền thông của trường?
Theo tôi có 3 tác động, thứ nhất là do phương tiện truyền thông nhìn qua có vẻ hào nhoáng, dễ dàng. Nhiều sinh viên đánh đồng nghề báo với một số công việc hào nhoáng như MC – nghề dẫn chương trình. Thứ hai chất lượng hướng nghiệp ở các cấp phổ thông hiện nay là rất yếu, hình thức. Các hoạt động tư vấn chủ yếu là hoạt động marketing các trường để tìm học trò, chứ không có người đứng ra để tư vấn nghề thực thụ. Nên dẫn đến việc các em bước vào lựa chọn nghề nghiệp rất cảm hứng, cộng với cuộc chơi tuyển sinh của ta hiện nay đang bóp méo con đường lựa chọn nghề nghiệp của các bạn trẻ.
Tại khoa của tôi đã từng có một em thủ khoa Báo chí, sau khi vào học một tuần đã xin chuyển ngành vì ảo giác nghề báo rất hào nhoáng. Theo tôi bản thân nghề báo rất cá tính, “xìu xìu, ển ển” không làm được, đặc biệt những em kiểu “gấu bông”, con ngoan trò giỏi rất khó trụ được với nghề. Chúng tôi đã từng khuyên các em, nếu không thấy phù hợp với nghề báo thì nên hướng sang truyền thông hay đổi ngành khác học, xác định rõ cho các em tư tưởng ngay từ đầu khi định hướng làm báo.
Nhiều cử nhân báo chí khi vào làm các cơ quan báo chí phải đào tạo lại để phù hợp với tình hình thực tế. Quan điểm của thầy như thế nào trong vấn đề thực hành việc cho sinh viên báo chí, khi còn ngồi trên ghế nhà trường?
Chúng tôi có trao đổi với nhiều nhà tuyển dụng, cần phải chia mức và xác định điểm dừng. Đào tạo các em mới ra trường thì bắt đầu ở điểm nào và phải phân tầm mức độ để đáp ứng. Về mặt lý thuyết, chúng tôi đều dạy các em thế nào là điều tra, phỏng vấn, các thể loại tin. Nhưng khi vào làm thực tế ở mỗi tờ báo đều có một fomat về mặt điều tra. Sẽ là phi thực tế nếu nếu yêu cầu sinh viên mới ra trường làm một bài điều tra tốt, hay có thể phỏng vấn được một chính khách. Nói về sự phù hợp sư phạm chúng tôi cho rằng không hợp lý, vì các em mới ra trường còn rất non mà làm điều tra phải giàu kinh nghiệm. Hơn nữa chưa có kiến thức thực tế, khi làm điều tra chẳng may có gặp chuyện gì, các em là người phải chịu hậu quả. Trong ngành báo chí có những kỹ năng không dạy được mà đòi hỏi phải có sự thâm nhập và trải nghiệm, ở trường chỉ cho phép sinh viên thâm nhập và trải nghiệm ở mức độ giả định.
Thưa thầy, sinh viên báo chí ra trường làm một số công việc khác như truyền thông, tổ chức sự kiện… có được coi là không đúng nghề hay không?
Đúng nghề! Vì bằng tốt nghiệp của khoa báo chí là Báo chí-Truyền thông, các em ra trường làm theo 2 nhánh là báo chí và truyền thông. Thực ra báo chí là một mảng của truyền thông, tuy nhiên không thể coi công việc truyền thông là một phóng viên hay nhà báo.
Hiện nay sinh viên nói chung và sinh viên báo chí nói riêng ra trường khó tìm được việc làm đúng nghề, thậm chí là thất nghiệp, thầy nghĩ gì về vấn đề này?
Tình trạng việc làm của sinh viên ra trường bị chi phối bởi nhiều yếu tố, nên xem đó là thị trường kinh tế xã hội. Nhưng có liên quan đến mức độ phù hợp giữa cung với cầu trong thị trường lao động. Các nước cũng thế, vênh là bình thường, quan trọng hai bên gặp nhau như thế nào. Nỗ lực của nhà trường, các khoa đào tạo xem các nhà tuyển dụng cần gì để thích ứng và đáp ứng. Đối với Khoa Báo chí - Truyền thông của trường có sự gắn kết với nhà tuyển dụng rất chặt chẽ. Tỉ lệ sinh viên có việc làm trước thời hạn sớm hơn chứ không phải đợi lúc ra trường, bởi các em sinh viên ra trường phần lớn đều làm cộng tác viên, sau thời gian thử thách nếu em nào có bản lĩnh nghề nghiệp sẽ tiếp tục trụ lại với nghề.
Vậy theo thầy, tại sao nhiều cử nhân báo chí ra trường dù có điều kiện thuận lợi lại không làm báo?
Có nhiều lý do, thứ nhất bản thân thị trường lao động nghề báo đang sụt giảm do bối cảnh chung hiện nay. Ngay cả thế giới cũng vậy, báo chí đang bị cạnh tranh, nhiều tờ báo sống không nổi. Thứ hai, các nhà tuyển dụng cũng… “ác” quá, chả có ngành nào mà tuyển dụng thử việc lâu như thế. Nếu nói luật lao động thì không đúng vì thử việc lâu quá, các sinh viên mới thực tập chủ yếu sống bằng nhuận bút, còn số phận về mặt lao động không rõ ràng. Thứ ba, bản thân nghề báo nguy hiểm về nhiều phương diện như tính ổn định, đối mặt với nhiều cạm bẫy… các em rất đam mê nhưng cũng thấy nản. Thứ tư, môi trường nghề báo bị chia làm 2 phân khúc, một số tờ báo theo đúng nghĩa là báo, còn lại một số phân khúc khá lớn là tờ báo báo địa phương. Hiểu đúng nghĩa đây không phải tờ báo mà là cơ quan truyền thông nhà nước, cho nên nhiều em sinh viên thực tập cũng thất vọng. Trong khi lĩnh vực truyền thông lương bổng ổn định, số phận rõ ràng mà các sinh viên cũng áp dụng các kỹ năng đã học như phỏng vấn, viết tin, viết thông cáo báo chí…
Thầy có thể chia sẻ với sinh viên báo chí kinh nghiệm để trở thành một nhà báo lớn ?
Tôi hay chia sẻ với sinh viên của mình về việc để trở thành một nhà báo lớn trước hết phải là một nhà báo chính trực, đàng hoàng. Nghề báo càng ngày tính chuyên nghiệp càng cao, đừng làm báo theo kiểu bắt chước mà phải học nghiêm túc, học kiến thức, học kỹ năng đừng làm báo theo kiểu “chém gió”. Nghề báo muôn đời nay vẫn đòi hỏi phải lăn lộn với cuộc sống nếu không đừng mơ trở thành một nhà báo giỏi, và được biết đến chứ đừng nói gì đến nhà báo tên tuổi. Tất cả những nhà báo có tên tuổi đều là những nhà báo rất giỏi đời. Có nhiều nghề không cần giỏi đời vẫn giỏi nghề. Nhưng nghề báo, giỏi đời thì mới giỏi nghề, không giỏi đời thì không giỏi nghề. Càng ngày giá trị đạo đức mọi người kỳ vọng đối với giới báo chí càng cao, cho nên để trở thành một nhà báo chính trực được tin cậy thì những gì là giá trị thật của nghề và cách hành xử đạo đức phải rất cẩn trọng.
Xin cảm ơn thầy !
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận