Chuyện dọc đường

Chống lệnh rời tàu, trả giá bằng tính mạng

30/09/2022, 06:26

Trong giờ phút chạy đua với bão, nhiều người ngoan cố chống lệnh rời tàu. Chủ tịch tỉnh trực tiếp xuống tàu vận động cũng không ăn thua…

Bài học còn người còn của

Ngày 1/10/2006, Đà Nẵng trở thành tâm bão Xangsane. Cơn bão có sức gió trên cấp 12, nhanh chóng gây ra thảm cảnh.

Ngày đó, ngư dân Nguyễn Mỹ (trú tổ 40, phường An Hải Tây, quận Sơn Trà) lo ngay ngáy cặp tàu hơn tỷ bạc vốn là kế sinh nhai của gia đình sẽ bị ngập nước, nhấn chìm nên cả ba cha con quyết định “cố thủ” trên tàu nghênh bão. Ba ngư dân lực điền bỗng chốc trở nên quá nhỏ nhoi trước các trận cuồng phong.

img

Lực lượng chức năng phường Thọ Quang (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) đến từng nhà dân thiếu kiên cố yêu cầu sơ tán tránh bão Noru

“Hôm đó bão vào ban đêm chắc cả ba cha con và nhiều ngư dân khác mất xác. Gió quá lớn, giật đứt phăng cả 2 neo tàu, đẩy vào bờ kè. Hoảng quá tôi cùng 2 con nhảy vào phía bờ, chui xuống cống gần đó núp nên giữ được mạng”, lời ông Mỹ kể vẫn còn nhiều báo đăng tải.

Đôi tàu nặng vài chục tấn bị sóng đánh dạt lên bờ, hư hại. Ba cha con ông Mỹ may mắn thoát nạn. Nhưng nhiều ngư dân ngày đó mất chưa tìm thấy xác, do bão đánh tan tàu, chìm ngay trên sông Hàn, âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà).

Thống kê trong bão Xangsane có hơn 560 chiếc bị chìm, hư hại. Trong đó Đà Nẵng có đến 320 tàu. Đáng nói, nhiều tàu thuyền đã vào nơi trú tránh vốn an toàn trong các trận bão lũ trước tại âu thuyền Thọ Quang, sông Hàn… nhưng lần này vẫn bị hư hại. Đau lòng hơn, không ít nạn nhân tử vong trong cơn bão là những ngư dân cố bám lại tàu với mong muốn đem sức người chống chọi với thiên tai.

Không phải ngẫu nhiên, trong bài học kinh nghiệm từ bão Xangsane, ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, lúc đó đang là Trưởng ban Phòng chống lụt bão Trung ương (NV) phải nhấn mạnh: “Một bài học rút ra từ cơn bão này là sự chỉ đạo có gắn đến trách nhiệm. Những lần sơ tán dân trước đây chúng ta chỉ ra mệnh lệnh mà không nói trách nhiệm”.

Bởi theo ông Ngọ, trước bão Xangsane, các đơn vị đã làm tốt công tác kêu gọi tàu thuyền vào bờ “nhưng khi vào đến bờ chúng ta lại bị thiệt hại nặng nề. Tàu thuyền thì bị bão đánh tan tành, nhiều người vì tiếc của mà chết đến nay chưa tìm thấy xác ngay trên sông Hàn”.

16 năm qua đi, bài học “còn người còn của” một lần nữa lại được nhắc đến khi bão Noru ập tới.

Cơn bão được dự báo nguy hiểm hơn cả Xangsane khiến Đà Nẵng sơ tán hơn 80.000 dân, chiếm đến hơn 10% dân số. Một con số chưa từng có, đòi hỏi công sức, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân.

Chưa đầy 24 giờ, ngành chức năng “gõ từng nhà, rà từng người” và nhanh chóng hoàn thành công tác sơ tán. Nhưng trở ngại gặp phải lại ở điểm nóng - 120 ngư dân, chủ tàu đang “cố thủ” trên tàu thuyền neo đậu ở âu thuyền Thọ Quang, Đồng Nò.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh trực tiếp kiểm tra, thậm chí gặp các ngư dân để vận động lên bờ.

Trong giờ phút chạy đua với bão, cuộc đối chất rất căng thẳng. Nhiều người khẳng định họ phải ở lại tàu để bơm nước ra không cho chìm, để “bảo vệ tài sản của mình”, và nếu “tàu chìm thì ai chịu trách nhiệm?”.

Lãnh đạo thành phố buộc phải ra lệnh cưỡng chế, yêu cầu khởi tố hình sự chủ tàu nếu để xảy ra tai nạn, chết người khi bão đổ bộ.

Chống lệnh sơ tán là vi phạm pháp luật

“May mắn” vì bão Noru giảm cấp, lần này không gây thiệt hại nhiều, không có người chết. Nhưng không vì thế mà câu chuyện chống lệnh sơ tán, cố thủ bám tàu có thể được bỏ qua. Mọi sự chủ quan, lơ là sẽ dễ trả giá đắt.

Ngư dân, chủ tàu nếu chống lệnh, không rời tàu có thể phải trả giá bằng tính mạng, làm cản trở lực lượng công vụ đang dốc sức bảo vệ tài sản và sinh mạng nhân dân.

Hành động này là vi phạm pháp luật, luật sư Nguyễn Công Tín - Công ty Luật FDVN, Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng khẳng định.

Theo quy định tại Nghị định 03/2020/NĐ-CP (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; thủy lợi; đê điều), hành vi không không chấp hành sự chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai của cơ quan hoặc người có thẩm quyền bị xử phạt đến 30 triệu đồng.

Với quy định hiện hành, thiệt hại xảy ra do thiên tai thì Nhà nước không chịu trách nhiệm bồi thường nhưng ở khía cạnh trách nhiệm xã hội, Nhà nước luôn có những chính sách nhằm hỗ trợ người dân bị thiệt hại sau bão.

Chấp hành lệnh sơ tán là nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân. Nếu ai cũng sợ mất tài sản, bám nhà, bám tàu thì thiệt hại về người trong thiên tai sẽ vô cùng lớn.

Xuân Huy

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.