Đây là một trong những nội dung được Ủy ban TVQH đưa ra trong báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi).
Quy định chặt để tránh lợi dụng
Chiều 27/5, thay mặt Ủy ban TVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi).
Theo đó, Ủy ban TVQH cũng quyết định giữ nguyên quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo (từ Điều 94 đến Điều 100 dự thảo luật). Ủy ban TVQH nêu quan điểm, việc bổ sung quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo có ý nghĩa nhân văn, phúc đáp nhu cầu thực tiễn từ một số cặp vợ chồng không có khả năng sinh con mong muốn được thực hiện quyền làm cha mẹ, hiện nay ở nước ta đã có một số cơ sở y tế thực hiện được các kỹ thuật này. Nếu pháp luật không quy định, nhu cầu một số cặp vợ chồng vẫn thực hiện việc này, dẫn đến quyền lợi, sức khỏe và kể cả tính mạng của phụ nữ, trẻ em không được bảo đảm, tranh chấp có thể phát sinh, đồng thời không tránh khỏi phát sinh việc mang thai hộ vì mục đích thương mại, trái thuần phong mỹ tục.
Nhiều quy định được bổ sung, chỉnh sửa để tránh lợi dụng việc mang thai hộ vì mục đích thương mại (Ảnh minh họa) |
Vì vậy, Ủy ban TVQH đề nghị bổ sung quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo trong Luật. Đồng thời, để quy định chặt chẽ tránh việc lợi dụng thương mại hóa, bảo đảm quyền lợi của các bên, quyền lợi trẻ em, quyền lợi, sức khỏe của người mang thai hộ và điều chỉnh các vấn đề có thể xảy ra như đa thai, con khuyết tật, tai biến sản khoa... nhiều quy định của dự thảo Luật đã được chỉnh sửa.
Liên quan đến ý kiến đề nghị quy định trường hợp người chồng bị mất năng lực hành vi dân sự thì người vợ có quyền nhận mang thai hộ; quy định cụ thể những người thân thích được mang thai hộ vì theo khái niệm tại khoản 17, Điều 3 người thân thích sẽ bao gồm cả những người có quan hệ huyết thống, có cùng dòng máu về trực hệ; đề nghị bổ sung quy định việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (nơi người mang thai hộ cư trú) và giao Chính phủ quy định chi tiết về trình tự, thủ tục đăng ký mang thai hộ.
Ủy ban TVQH cho rằng, dự thảo Luật (Điều 97) đã quy định bên mang thai hộ “có quyền và nghĩa vụ như cha mẹ trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản và chăm sóc, nuôi dưỡng con cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ”, vì vậy, trường hợp người chồng bị mất năng lực hành vi dân sự thì người vợ không có quyền nhận mang thai hộ. Quy định người mang thai hộ phải là người thân thích của bên nhờ mang thai hộ sẽ không vi phạm điều cấm vì theo khái niệm được giải thích tại khoản 22, Điều 3 của dự thảo Luật, đứa trẻ thực chất mang gien của vợ chồng nhờ mang thai hộ. Văn bản thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo về hình thức là một hợp đồng dân sự, phải được công chứng, khi có tranh chấp sẽ giải quyết theo pháp luật dân sự.
Giữ tuổi kết hôn, bỏ chế định ly thân
Liên quan về độ tuổi kết hôn, Ủy ban TVQH cho rằng, quy định về độ tuổi kết hôn đã được áp dụng ổn định hơn 50 năm (từ khi có Luật hôn nhân và gia đình năm 1959), phù hợp với truyền thống văn hóa của Việt Nam cũng như điều kiện để tạo dựng cuộc sống gia đình, không ảnh hưởng đến xu hướng phát triển của xã hội Việt Nam (hiện nay, tuổi kết hôn trung bình của nam, nữ đều cao hơn khá nhiều so với tuổi kết hôn được quy định trong Luật và có xu hướng ngày càng tăng). Quá trình tổng kết thực thi Luật cho thấy, không có khó khăn, trở ngại đối với vấn đề tuổi kết hôn trong thực tiễn cuộc sống. Vì vậy, Ủy ban TVQH tán thành với việc giữ quy định về độ tuổi kết hôn như Luật hiện hành.
Trước đó, theo Báo cáo Tổng điều tra dân số năm 2009 cho thấy, nam kết hôn lần đầu ở độ tuổi 26,2 trong khi nữ kết hôn ở tuổi 22,8, thấp hơn nam giới 3,4 tuổi. So với kết quả Tổng điều tra năm 1999 thì tuổi kết hôn trung bình lần đầu của nam tăng một tuổi trong khi tuổi này của nữ không thay đổi.
Trong khi đó, về chế định ly thân, một trong những vấn đề được các ĐBQH quan tâm đóng góp nhiều ý kiến, sau khi xem xét, Ủy ban TVQH cho rằng, việc xem xét chế định ly thân cần phải quan tâm đến nhiều yếu tố như sự phù hợp với truyền thống, văn hóa Việt Nam, khả năng lợi dụng vấn đề ly thân để tẩu tán tài sản, làm trầm trọng thêm mâu thuẫn gia đình, có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của phụ nữ và trẻ em...
Thực tế cuộc sống cho thấy, vấn đề này chưa phải là vấn đề gây bức xúc trong xã hội cần phải giải quyết vì những hậu quả có thể xảy ra nếu không quy định trong dự thảo Luật. Vì vậy, Ủy ban TVQH tán thành với việc không bổ sung chế định ly thân trong dự thảo Luật.
Bình Minh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận