Hoài Đức: Môi giới chào bán lướt cọc 250-600 triệu/lô đất vừa đấu giá
Sau khi kết thúc đấu giá, khách hàng tham gia đấu giá quyền sử dụng đất xã Tiền Yên, Hoài Đức đã chào bán chênh, lướt cọc tới 600 triệu đồng/lô. Đơn cử như lô đất LK4-* có giá trúng đấu giá 121,3 triệu/m2 được chào bán chênh 600 triệu đồng. Một lô cùng dãy, giá trúng đấu giá 97,3 triệu/m2 chào bán chênh 300 triệu đồng.
Có mặt tại khu đất đấu giá thuộc thôn Lòng Khúc, xã Tiền Yên sáng 20/8, PV Báo Giao thông ghi nhận nhiều sàn môi giới bủa vây khu đất đấu giá. Nhiều "cò đất" dựng ô, kê bàn ghế tư vấn, mời chào khách.
Trong vai nhà đầu tư, PV được một môi giới cho biết, sau khi kết thúc phiên đấu giá (4h30, sáng 20/8), nhiều nhà đầu tư đã gửi bán chênh. Hiện giá chênh các lô đất tại đây dao động từ 250-600 triệu đồng/lô, tùy vị trí. Đơn cử, lô 04,05 thuộc LK03 khách đang gửi bán chênh 600 triệu đồng/lô. Lô LK03-03 nhà đầu tư bán chênh 250 triệu đồng, lô này có giá trúng đấu giá 97,3 triệu đồng/m2.
"Nếu anh có nhu cầu mua thì sẽ tiến hành ký hợp đồng cọc với chủ đất. Tại thời điểm ký hợp đồng anh đóng tiền cọc cộng tiền chênh. Bên bán sẽ ký ủy quyền định đoạt, sau đó anh nộp tiền trúng đấu giá theo quy định...", nhân viên môi giới tư vấn.
Trong khi những khách hàng trúng đấu giá hứng khởi chào bán lướt cọc kiếm vài trăm triệu đồng, thì không ít ý kiến lo ngại với mức thu nhập trung bình của người dân rất khó để mua nhà đất. Bên cạnh đó là vấp phải khó khăn khi giải phóng mặt bằng.
Một chuyên gia cho biết, thu nhập một hộ gia đình vào khoảng 20 triệu đồng/tháng, dù có tiết kiệm 40-50% thu nhập thì cũng mất vài chục năm mới đủ tiền mua nhà nếu không có sự hỗ trợ từ người thân hay sử dụng đòn bẩy tài chính.
Dùng đòn bẩy cũng chưa chắc có thể an toàn, bởi vay 1 tỉ đồng, lãi suất duy trì ở mức 9%/năm như hiện tại và thời gian vay là 20 năm thì mỗi tháng phải trả cả gốc và lãi cho ngân hàng khoảng 12 triệu đồng. Số tiền này chiếm hơn một nửa tổng thu nhập của gia đình và sẽ càng khó khăn khi kinh tế suy thoái. Đó là chưa nói, giá đất qua một đêm đã tăng mấy chục lần, lên tới 7-8 tỷ đồng/lô.
Cần tăng tiền cọc, áp dụng sớm quy định xử lý vi phạm đấu giá đất
TS. Trần Xuân Lượng, Viện phó Viện Nghiên cứu và Đánh giá thị trường Bất động sản Việt Nam, cho rằng các phiên đấu giá gần đây, xuất hiện nhóm nhà đầu tư từ Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang.... tham giá đấu giá, trả giá cao. Đây là yếu tố đẩy giá nhà đất và bất động sản lên cao trong thời gian tới, khiến những người có nhu cầu thực khó tiếp cận.
Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Property Guru Việt Nam, bày tỏ rằng kết quả đấu giá đất cao như trường hợp đấu giá ở huyện Hoài Đức, Thanh Oai và các huyện ngoại thành Hà Nội mới đây có thể sẽ khiến chi phí giải phóng mặt bằng cho các dự án mới trở nên đắt đỏ hơn.
Theo ông Tuấn, mức giá đất cao đột biến cũng có thể tạo ra xu hướng đầu cơ đất đai, khi nhiều người đổ xô mua đất với hy vọng kiếm lợi nhuận từ việc giá đất tiếp tục tăng. "Việc đẩy giá trên cũng có thể gây ra tình trạng dòng tiền bị ứ đọng vào đất, thay vì được lưu thông trong các hoạt động kinh tế khác," ông Tuấn nói.
Để hạn chế tình trạng thổi giá, TS Trần Xuân Lượng đề xuất, tăng mức đặt cọc lên 50% giá trị ban đầu, có kết quả trúng đấu giá phải từ 1-2 năm mới được mua bán, công chứng. Hoặc nếu chuyển nhượng lại trong khoảng thời gian trên thì tính thuế cao... Đồng thời, áp dụng sớm quy định của Luật Đấu giá tài sản về việc cấm tham gia đấu giá đối với loại tài sản đó từ 6 tháng đến 5 năm nếu người trúng đấu giá quyền sử dụng đất vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá dẫn đến quyết định công nhận kết quả đấu giá bị hủy.
Trước đó Báo Giao thông đã đưa tin, sau hơn 19 tiếng đồng hồ, đến 4h30 sáng nay (20/8) phiên đấu giá quyền sử dụng đất xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức mới ngã ngũ.
Giá trúng đấu giá cao nhất lên đến 133,3 triệu đồng/m2 đối với LK03-12 là thửa ở góc, có 3 mặt tiền, rộng hơn 113 m2; tổng giá trị lên đến hơn 15 tỉ đồng. So với giá khởi điểm là 7,3 triệu đồng, lô đất này được nhà đầu tư trả gấp hơn 18 lần.
Ông Nguyễn Chí Hiệu, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức, cho biết tại thời điểm đấu giá có hơn 500 khách hàng tham gia với hơn 1000 hồ sơ đăng ký. Nhận thấy sức nóng từ các phiên đấu giá đất huyện Thanh Oai, Đan Phượng thời gian qua, huyện đã chuẩn bị các phương án để cuộc đấu giá diễn ra dân chủ, công khai, minh bạch và đảm bảo không có tiêu cực xảy ra.
"Các lô đất trung đấu giá cao phần nào sẽ tác động tới thị trường bất động sản chung của huyện. Đối với các đơn vị thực hiện như chúng tôi thì phải thực hiện theo nhiệm vụ được giao và đảm bảo nguồn thu để các nhiệm vụ chính trị của huyện", ông Hiệu chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận