Ông Nguyễn Hoàng Huyến - Phó trưởng ban Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn (PCLB- TKCN) cho biết, năm 2013 có tổng cộng 12 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Tính riêng thiệt hại đối với ngành GTVT lên đến 1.828 tỷ đồng. “Chúng ta đã chủ động phòng, tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, nhưng do diễn biến phức tạp của thời tiết cũng như sự biến đổi của khí hậu, mức thiệt hại vẫn rất nặng nề và khó lường trước” - ông Huyến nói.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Đinh La Thăng giao Thứ trưởng Trương Tấn Viên trong tuần tới phải đi kiểm tra ngay các kho dự trữ vật tư dự phòng cho công tác phòng chống lụt bão của Tổng cục Đường bộ VN để có đánh giá xác thực, cái nào còn dùng được cái nào cần thay thế bổ sung cũng như duy tu bảo dưỡng để sẵn sàng cho mùa mưa bão 2014. |
Còn ông Nguyễn Xuân Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN cho rằng, ngay sau khi vụ sạt lở gây đứt đường trên QL8 qua cửa khẩu Cầu Treo địa phận Hà Tĩnh, lãnh đạo Tổng Cục đã có mặt tại hiện trường cùng với công nhân thực hiện đảm bảo giao thông, khắc phục hậu quả, nhưng đường vẫn đứt 5 ngày. Nếu chậm có thế đứt đường nhiều ngày hơn. Năm qua, mưa lũ kéo dài dẫn đến sạt lở ta luy dương trên: QL 279 địa phận Điện Biên, QL1, QL7, QL48, Đường Hồ chí Minh khu vực miền Trung bị ngập lụt làm ách tắc giao thông nhiều ngày. Theo tính toán của Tổng cục Đường bộ VN, mưa lũ gây thiệt hại cho hạ tầng đường bộ trên 576 tỷ đồng.
Không riêng gì đường bộ, đường thuỷ nội địa cũng thiệt hại toàn bộ hệ thống phao tiêu, biển báo của khu vực miền Trung bị nước lũ cuốn trôi. Ông Trần Văn Cừu, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa xót xa: “13 tỷ đồng đối với ngành khác thì rất nhỏ, nhưng đối với đường thủy nội đia lại quá lớn”.
Theo ông Huyến, với công tác tìm kiếm cứu nạn, tầm hoạt động của đội tàu SAR còn hạn chế, không hoạt động xa bờ. Bên cạnh đó, nhận thức về pháp luật hàng hải trong công tác tìm kiếm cứu nạn của xã hội nói chung và người tham gia hoạt động trên biển còn hạn chế và nhiều bất cập nên đã gây khó khăn trong công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển.
Ghi nhận nỗ lực khắc phục thiệt hại do thiên tai của các đơn vị ngành GTVT nhưng Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng lưu ý, công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng trong công tác chỉ đạo điều hành của các cấp. Bộ trưởng yêu cầu Tổng Cục Đường bộ VN chủ động ủy thác các tuyến quốc lộ cho địa phương quản lý, bởi không đâu bằng lực lượng tại chỗ, phát huy “4 tại chỗ” để địa phương chủ động kịp thời, khắc phục ngay khi có sự cố. Quan điểm của Bộ là ưu tiên tối đa cho địa phương thực hiện. “Thời gian qua vẫn còn sự lơ là, thiếu quan tâm của lãnh đạo các đơn vị trong công tác báo cáo, cập nhật thông tin. Văn phòng Quỹ bảo trì đường bộ TƯ cần bố trí kinh phí chi trả cho các địa phương kịp thời, vì càng chủ động bao nhiêu chúng ta sẽ hạn chế được thiệt hại, đặc biệt là về người bấy nhiêu” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Khánh Hà
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận