Diễn tập tìm kiếm cứu nạn trên biển - Ảnh: MRCC |
Phối hợp bài bản
Hoạt động này được thực hiện thường xuyên, theo sự chỉ đạo của Bộ GTVT. Theo kịch bản giả định, tàu hàng Sông Chanh, quốc tịch Việt Nam, trọng tải 3.500 tấn, chiều dài 74m, trên tàu có 1 Hoa tiêu và 12 thuyền viên, đang hành trình chở 2.500 tấn xi măng rời cảng Nhà máy Xi măng Thăng Long đi Quảng Bình. Tàu Sông Ba mang cấp VR-SB, quốc tịch Việt Nam, trọng tải 2.000 tấn, chiều dài 50m, có 8 thuyền viên trên tàu, đang hành trình từ khu neo Hòn Gai vào trả hàng tại cầu 1 Bến cảng Cái Lân.
"Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, hoạt động của tàu thuyền trên biển và trong vùng nước cảng biển ngày càng trở nên nhộn nhịp, tấp nập; kết hợp với sự biến đổi khí hậu toàn cầu, tình hình thời tiết, khí tượng ngày càng diễn biến bất thường, cực đoan, khó lường, dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn về tai nạn, rủi ro trong hoạt động hàng hải ngày càng cao. Điều này đòi hỏi các chủ phương tiện, những người tham gia giao thông trên biển phải tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật về an toàn giao thông, quy tắc tránh va trên biên, quy định về trang bị các trang thiết bị an toàn, cứu sinh, cứu hỏa... trên tàu; nguyên tắc là phòng bệnh, hơn chữa bệnh”. Cục trưởng Cục Hàng hải VN |
Khi tàu Sông Chanh hành trình qua phao xanh số 27 (ngang cầu cảng số 4, bến cảng Cái Lân) phát hiện một tàu đang vào luồng, vừa qua khúc cua Cửa Lục, cách khoảng 1.000m. Trên VHF, thuyền trưởng tàu Sông Chanh và tàu Sông Ba đã cùng thống nhất phương án tránh va trái qua trái. Khi ngang qua cầu cảng số 7, bến cảng Cái Lân, lúc này 2 tàu cách nhau khoảng 300 m, tàu Sông Ba bị sự cố máy lái, mũi tàu đột ngột chuyển hướng sang trái. Dù tàu Sông Chanh đã cố tránh va nhưng do khoảng cách quá gần nên mũi tàu Sông Ba đã đâm vào mạn trái phía lái tàu Sông Chanh. Hậu quả vụ tai nạn đâm va làm cho tàu hàng Sông Chanh bị thủng một vết (kích thước 30cm x 60cm) phía trên mạn khô bên mạn trái, cuối hầm hàng số 2, gần két chứa nhiên liệu DO. 3 thuyền viên làm việc trên mũi của tàu Sông Ba do hoảng loạn đã nhảy xuống biển, mũi tàu Sông Ba bị thủng phần dưới nước bên mạn phải, nước tràn vào qua vết thủng.
Sau khi xảy ra đâm va, thuyền trưởng 2 tàu đã phát tín hiệu báo động chung toàn tàu, yêu cầu thuyền viên nhanh chóng tiến hành kiểm tra thuyền viên, kiểm tra tình trạng an toàn của tàu và triển khai công tác tự ứng cứu. Thuyền trưởng tàu Sông Chanh báo nạn trên hệ thống cấp cứu DSC và thông báo nhanh sự việc tới Cảng vụ hàng hải Quảng Ninh. Sau khi nhận được thông tin báo nạn, trước tình huống khẩn cấp, Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh nhanh chóng cử lực lượng ra hiện trường nắm bắt tình hình đồng thời thông báo các cơ quan liên quan để tổ chức ứng cứu theo Quy chế phối hợp đã được ký kết. Theo đó, các đơn vị phối hợp nhịp nhàng, bài bản từ khâu tiếp nhận và xử lý thông tin đến tìm kiếm cứu nạn tại hiện trường như cứu vớt người rơi xuống nước, sơ tán người trên tàu, chữa cháy tàu, thu gom dầu tràn. Công tác phối hợp tìm kiếm cứu nạn được thực hiện khẩn trương, nhanh chóng, đạt hiệu quả cao.
Xác định rõ vai trò chủ đạo trong tìm kiếm cứu nạn
Cục trưởng Cục Hàng hải VN Nguyễn Xuân Sang cho biết, buổi diễn tập để các cơ quan, lực lượng liên quan đến công tác tìm kiếm cứu nạn trong khu vực vùng nước cảng biển Quảng Ninh kiểm tra, đánh giá các quy chế, cơ chế phối hợp tìm kiếm cứu nạn đã được ban hành; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trong các tình huống khẩn cấp như cứu người dưới nước, phòng cháy chữa cháy, xử lý ô nhiễm dầu tràn, nhất là vai trò chủ trì phối hợp của Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh theo đúng quy định tại Quyết định số 06/2014/QĐ-TTg ngày 20/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Qua đó, các lực lượng rút kinh nghiệm, chỉnh sửa bổ sung cơ chế phối hợp để đạt được yêu cầu: Chỉ huy thống nhất, phối hợp hiệp đồng chặt chẽ, phát huy triệt để “phương châm 4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ); nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại khi có tai nạn sự cố xảy ra.
Các lực lượng tham gia phải bám sát, hoàn thành đầy đủ nội dung kịch bản đã được Bộ GTVT, Cục Hàng hải VN phê duyệt; đáp ứng được yêu cầu, mục đích đã đề ra. Buổi diễn tập cũng cho thấy sự quan tâm của UBND tỉnh Quảng Ninh, các ban, ngành của tỉnh đối với công tác tìm kiếm cứu nạn. Các phương tiện chuyên dụng như tàu cứu hộ, cứu hỏa, xử lý ô nhiễm dầu tràn… đã được đầu tư, trang bị khá hiện đại.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận