Sông Thương, một trong những luồng đường thủy được công bố cấp kỹ thuật mức III, nhưng phương tiện lớn hơn cấp luồng vẫn lưu thông bình thường |
Phân cấp luồng lạc hậu
Luồng đường thủy trên sông Hồng đoạn từ cảng Hà Nội đến ngã ba Việt Trì cũ hiện được phân cấp kỹ thuật mức II, được xác định loại phương tiện thủy khai thác vận tải hiệu quả nhất là tàu trọng tải đến 600 tấn, đoàn sà lan 4x400 tấn và 2x600 tấn. Còn đoạn từ cảng Việt Trì đến Yên Bái đạt cấp III, phù hợp nhất với tàu trọng tải đến 300 tấn, đoàn sà lan 2x400 tấn. Quy định như vậy, nhưng trên thực tế phần lớn tàu vận tải hoạt động trên tuyến đường thủy này có trọng tải trên 1.000 tấn, thậm chí lớn hơn.
Theo ông Trần Xuân Hải, chủ hộ kinh doanh vận tải thủy Hải Mai (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, chuyên vận tải vật liệu xây dựng), việc cạnh tranh về giá cước vận tải ngày càng gay gắt nên xu hướng gần đây là đóng tàu trọng tải lớn, từ khoảng 1.000 tấn trở lên để chở được nhiều hơn, tiết kiệm nhiên liệu. “Không rõ luồng sông Hồng, sông Đuống được phân là cấp mấy, dành cho tàu bao nhiêu tấn, nhưng tàu cỡ trung bình chạy trên các tuyến này trên dưới 1.000 tấn, có tàu 3.000 - 4.000 tấn, tàu pha sông biển”, ông Hải nói.
"Cục ĐTNĐ Việt Nam đã có kế hoạch và cố gắng hoàn thành đề xuất sửa đổi bổ sung Tiêu chuẩn Quốc gia về phân cấp kỹ thuật đường thủy trong năm 2017. Trong đó, cấp kỹ thuật sẽ được tính toán theo dạng mở, không áp kích thước, trọng tải phương tiện như hiện nay. Cục cũng tiến tới công bố luồng trực tuyến trên mạng internet để người điều khiển phương tiện tự lựa chọn, quyết định việc cho phương tiện lưu thông”. Ông Nguyễn Văn Loan |
Thuyền viên Trần Văn Thận, tàu HD-0745 chuyên chở đạm, hàng khô cho biết, sông Thương được công bố là luồng cấp III, phù hợp với tàu trọng tải đến 300 tấn, nhưng thực tế nhiều tàu trên dưới 1.000 tấn vẫn hoạt động. “Đường thủy chỉ bị phạt quá tải nếu không nhìn thấy vạch dấu mớn nước ở mạn tàu, còn không bị phạt nếu tàu có trọng tải lớn hơn cấp luồng cho phép. Các sông giờ đều sâu hơn ngày xưa, tàu cũng có khi nay hoạt động tuyến này, mai hoạt động tuyến khác nên các chủ tàu đều phải đóng tàu to, ít khi đóng tàu nhỏ theo cấp luồng”, ông Thận nói.
Khảo sát của PV Báo Giao thông, nhiều tuyến đường thủy phía Bắc khác cũng có thực tế là phương tiện thủy lớn hơn nhưng vẫn lưu thông bình thường trên luồng được công bố ở cấp kỹ thuật (tương ứng với trọng tải phương tiện) thấp hơn. Một trong những lý do dẫn đến thực tế trên, theo ông Nguyễn Hồng Minh, Giám đốc Công ty CP Quản lý bảo trì đường thủy nội địa (ĐTNĐ) số 4, do trước kia hầu hết các tuyến đường thủy được khai thác dựa vào điều kiện tự nhiên. Theo thời gian, nhiều tuyến sông đã có chiều sâu hơn, luồng chạy tàu rộng hơn. Điều này cũng cho thấy, những người làm vận tải thủy đã bắt kịp thực tế luồng tuyến, trong khi việc “áp cấp” đối với không ít luồng đường thủy đã bất cập.
Cần sửa đổi tiêu chuẩn luồng
Theo Cục ĐTNĐ Việt Nam, theo Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 5664:2009 phân cấp kỹ thuật đường thủy, luồng đường thủy được phân chia thành 7 cấp kỹ thuật, cao nhất là cấp đặc biệt và thấp nhất là cấp VI. Tiêu chuẩn được xây dựng nhằm áp dụng cho công tác quản lý, quy hoạch, xây dựng, cải tạo, nâng cấp và khai thác ĐTNĐ.
Liên quan đến thực tế “tàu to đi vừa luồng nhỏ”, dẫn đến việc hiểu khác nhau giữa các cơ quan quản lý nhà nước, thậm chí có nơi cho rằng tàu to đi vào luồng nhỏ sẽ bị phạt. Các chủ tàu BG- 017..., BG-014... kể, mùa nước cạn cuối năm 2016, thấy một số điểm luồng tàu trên sông Cầu bị cạn, phương tiện đi lại khó khăn nên các chủ tàu làm đơn đề nghị cho nạo vét, thông luồng. Tuy nhiên, có cơ quan chức năng cho rằng, tàu bị mắc cạn là do luồng chỉ có cấp kỹ thuật là cấp III, phù hợp cho tàu 300 tấn, trong khi phương tiện có trọng tải lớn hơn 300 tấn. Sau đó, có đơn vị thông báo có thể xử phạt phương tiện vì hành vi “đưa phương tiện hoạt động không đúng vùng hoạt động của phương tiện”, khiến chủ tàu lo lắng.
Theo ông Đào Văn Chiến, giám đốc một doanh nghiệp đường thủy ở Hải Dương, việc quy định “cứng” trọng tải phương tiện thủy theo cấp luồng kéo theo bất cập về đầu tư, xây dựng cảng thủy. “Tiêu chí để phân cấp cảng căn cứ vào cấp luồng nơi có cảng. Điều này dẫn đến việc dù tàu lớn hơn cấp luồng vẫn đi lại được, cảng đón được phương tiện lớn hơn, nhưng khi công bố cảng lại phụ thuộc vào cấp kỹ thuật của luồng đã được công bố”, ông Chiến nêu.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Loan, phụ trách Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng (Cục ĐTNĐ Việt Nam) cho biết, Tiêu chuẩn Quốc gia về phân cấp đường thủy được xây dựng từ năm 2009 và việc tính toán trọng tải phương tiện trước kia trên cơ sở hệ số an toàn cao nhất, nhưng thực tế đã nảy sinh các bất cập như trên.
Ông Loan cũng khẳng định, tại Thông tư 46 của Bộ GTVT quy định cấp kỹ thuật đường thủy (có hiệu lực từ ngày 1/2/2017) đã bổ sung quy định người khai thác vận tải căn cứ cấp kỹ thuật luồng và thông báo luồng để “quyết định đưa phương tiện vào hoạt động”, để “phương tiện to đi vào luồng nhỏ” khỏi bị phạt oan. Tuy vậy, ông Loan cũng cho rằng, cần sửa đổi, bổ sung Tiêu chuẩn Quốc gia về phân cấp kỹ thuật luồng để phục vụ tốt hơn vận tải, đầu tư xây dựng hạ tầng đường thủy. “Các quy định về cấp kỹ thuật luồng mới chủ yếu phục vụ thiết kế, xây dựng, quản lý luồng đường thủy, còn chưa đáp ứng mục tiêu khai thác vận tải thủy nên cần được sửa đổi, bổ sung”, ông Loan nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận