Phát biểu tại Hội thảo An toàn của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế tại Dubai ngày 25/10, ông Tim Clark chỉ ra thực trạng đầu tư của ngành hàng không thế giới vào hệ thống điều hướng, công nghệ, nhân sự chuyên môn cao, cơ sở hạ tầng là chưa phù hợp.
Đặt ra câu hỏi liệu ngành hàng không thế giới đã sẵn sàng đối mặt với thách thức trong 20-30 năm tới hay chưa, Chủ tịch Emirates cho rằng có quá nhiều dấu hiệu cho thấy ngành hàng không thế giới chưa chuẩn bị sẵn sàng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai.
Ông Clark đưa ra dẫn chứng các nhà sản xuất máy bay thường xuyên hoãn bàn giao sản phẩm trong khi các hãng bay đang tìm cách đẩy mạnh hoạt động để đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao sau dịch Covid-19.
Chủ tịch hãng bay Emirates - ông Tim Clark.
Ông Clark nêu ra câu hỏi: “Làm sao chúng ta có thể đảm bảo an toàn khi những nhà sản xuất máy bay thương mại lớn nhất không đáp ứng yêu cầu bàn giao máy bay đúng tiêu chuẩn và thời gian để các hãng bay thay thế phi đội máy bay già cỗi?”.
Trước đó, hãng hàng không Emirates từng chỉ trích nhà sản xuất máy bay Boeing vì chương trình 777X bị chậm trễ suốt nhiều năm, gây ảnh hưởng tới kế hoạch phát triển phi đội máy bay của Emirates.
Về những vấn đề liên quan tới công nghệ, cơ sở hạ tầng, ông Clark cho rằng các quốc gia cần mở rộng cơ sở hạ tầng sân bay, hiện đại hóa hệ thống điều hướng. Chủ tịch Emirates cho rằng đầu tư chưa phù hợp vào cơ sở hạ tầng dẫn tới tình trạng hỗn loạn tại nhiều sân bay mùa hè qua. Ông Clark cho rằng nhiều sân bay chưa thể đáp ứng nhu cầu đi lại hiện tại chứ chưa nói tới nhu cầu phát triển trong tương lai.
Chủ tịch Emirates cũng chỉ trích nhiều sân bay không dự kiến trước nhu cầu đi lại phục hồi sau đại dịch trong bối cảnh du lịch, kinh tế toàn cầu mở cửa trở lại.
Ngành hàng không châu Âu đối mặt với tình trạng hỗn loạn ở nhiều sân bay trong mùa hè qua. Nhiều trung tâm hàng không như sân bay Heathrow ở London hay sân bay Schiphol, Amsterdam buộc phải giới hạn số lượng hành khách phục vụ trong bối cảnh thiếu hụt nhân sự trầm trọng dẫn tới tình trạng hành khách xếp hàng dài chờ đợi tại sân bay, hoãn hủy chuyến, thất lạc hành lý.
Tại sự kiện ngày 25/10, ông Clark cũng cho rằng việc triển khai mạng viễn thông 5G tại Mỹ dẫn tới tình trạng hỗn loạn ở một số sân bay.
Đầu năm nay, nhiều hãng bay quốc tế buộc phải thay đổi lịch trình bay, thậm chí hủy chuyến do quan ngại an toàn sau khi nhiều sân bay tại Mỹ lắp đặt mạng viễn thông 5G. Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cảnh báo mạng 5G có thể làm nhiễu các thiết bị nhạy cảm trên máy bay.
Về vấn đề nhân sự, Chủ tịch Emirates chỉ ra thực trạng vẫn phát hiện phi công sử dụng bằng lái giả và được phép vận hành chuyến bay chở hàng trăm sinh mạng. Ông Clark cho rằng ngành hàng không thế giới chưa đầu tư đúng mức cho công tác xây dựng đội ngũ nhân sự có tay nghề cao.
Để giải quyết những vấn đề trên, ông Clark cho rằng Chính phủ các nước, cơ quan quản lý hàng không, các hãng bay, sân bay, nhà vận hành trên mặt đất, dịch vụ điều hướng hàng không, nhà sản xuất và công ty cung ứng đều phải làm tròn trách nhiệm trong hệ thống hàng không quốc tế.
Tại hội thảo, các diễn giả cũng nêu ra một số thách thức khác về vận hành an toàn của ngành hàng không bao gồm hỗ trợ sức khỏe tâm thần cho nhân viên hàng không, giải quyết tình trạng thiếu nhân sự có chuyên môn, nguy cơ an ninh mạng…
Đồng quan điểm trên, phát biểu tại hội thảo, ông Billy Nolen, quyền quản trị viên FAA, cho rằng ngành hàng không thế giới cần phát triển đội ngũ nhân viên chuyên môn cao nhằm bù đắp lượng nhân sự đã nghỉ việc trong đại dịch.
“Ngành công nghiệp hàng không cần nhân sự mới với những kỹ năng, năng lực mới. Chính phủ và ngành hàng không thế giới cần hợp tác để tìm những biện pháp sáng tạo nhằm xây dựng lực lượng lao động tương lai nhằm giúp họ phát triển kỹ năng cần thiết để đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành”, ông Nolen nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận