Xã hội

Chủ tịch Kiên Giang: Mỗi nơi tự ban hành "cát cứ" là đang tự làm khó

19/10/2021, 15:11

"Thủ tướng đã chỉ đạo rồi, chúng ta không nên “cát cứ” nữa. Mỗi nơi, mỗi chỗ tự ban hành là chúng ta đang tự làm khó", Chủ tịch Kiên Giang nói.

Sáng 19/10, UBND TP Cần Thơ tổ chức hội nghị trực tuyến để trao đổi, thống nhất nội dung liên kết, phối hợp giữa 7 tỉnh, thành Nam sông Hậu trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế, xã hội phù hợp với tình hình thực tế.

img

Quang cảnh hội nghị.

Cần tiếng nói chung

Khai mạc hội nghị, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ nhận định, ảnh hưởng dịch Covid-19, các hoạt động sản xuất kinh doanh bị gián đoạn, đáng quan tâm là vấn đề vấn đề tiêu thụ hàng hóa, nông sản bị đứt gãy.

Đến nay, các địa phương Nam sông Hậu trong đó có TP Cần Thơ đã từng bước kiểm soát dịch bệnh nhưng để triển khai có hiệu quả Nghị quyết 128 của Chính phủ, các bộ ngành Trung ương, thực hiện mục tiêu kép, các địa phương cần nhận diện đầy đủ những hạn chế, bất cập cần khắc phục được.

Ông Trường cho rằng, một trong những khâu yếu cần khắc phục đó là tăng cường sự hợp tác giữa các tỉnh Nam sông Hậu để tìm ra tiếng nói chung. Ông đề xuất, hội nghị tập trung nghiên cứu vào 6 vấn đề gồm Y tế, Nông nghiệp, Thương mại - Dịch vụ, Thông tin - Truyền thông, GTVT và Lao động - Việc làm.

Tại hội nghị, các địa phương thống nhất với dự thảo liên kết do TP Cần Thơ đề xuất. Bên cạnh đó, các tỉnh cho rằng hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128, quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19”, Bộ GTVT và các bộ ngành cũng đã có hướng dẫn cụ thể về khôi phục lại các hoạt động sản xuất trong tình hình mới.

Tuy nhiên, hiện nay, một số nơi vẫn chưa ban hành quyết định áp dụng cấp độ dịch, GTVT cũng chưa có sự thống nhất. Ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho rằng: “Chúng ta thảo luận làm sao các giải pháp liên kết trong phòng chống dịch mà đặc biệt là thực hiện nghiêm Nghị quyết 128 của Thủ tướng Chính phủ. Bởi lẽ, nghị quyết đã lấy ý kiến rất nhiều lần các Bộ ngành, địa phương. Thậm chí là cuộc họp gần nhất thủ tướng cũng đã lấy ý kiến của chúng ta.

Chúng ta không có ý kiến thì chúng ta phải chấp hành, Thủ tướng đã chỉ đạo rồi, chúng ta không nên “cát cứ” nữa. Mỗi nơi, mỗi chỗ tự ban hành ra thì chắc chắn là chúng ta đang tự làm khó chúng ta, gây nên cái khó chung”, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang nói.

img

Các địa phuong cần tiếng nói chung trong việc áp dụng cấp độ phòng chống dịch, hoạt động GTVT.

Người đứng đầu tỉnh Kiên Giang đề nghị trên cơ sở chia sẻ thông tin về cấp độ dịch, các tỉnh, thành phố chỉ đạo các ngành, địa phương, nhất là GTVT hướng dẫn doanh nghiệp, HTX vận tải hoạt động theo quy định hướng dẫn tạm thời của Bộ GTVT.

Đối với các tỉnh còn duy trì chốt kiểm soát, đề nghị chỉ kiểm soát về phòng chống dịch, thống nhất các điều kiện chung, tạo thuận lợi cho nhân dân trong khu vực qua lại mua bán, trao đổi giao thương hàng hóa, nhất là các mặt hàng nông, thủy sản.

Xúc tiến thành lập trung tâm đầu mối phân phối, trung tâm logistics cấp vùng, và từ trung tâm này kết nối với các chợ đầu mối, kênh tiêu thụ tại TP. HCM và các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước về tiêu thụ.

Đồng thời, nâng cao hiệu quả khai thác Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, tạo điều kiện thu hút khách du lịch nội địa, trước mắt là giữa các địa phương trong khu vực.

Còn ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho hay, địa phương hiện đang áp dụng mức độ phòng chống dịch theo cấp độ 2, tình hình dịch trên địa bàn đã được kiểm soát. Thực hiện theo Nghị quyết 128, địa phương vẫn tại điều kiện trong việc khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, thực hiện mở cửa theo tình hình mới nhưng vẫn sẽ duy trì các chốt kiểm soát, kiểm soát chặt địa bàn, không để dịch lây trong cộng đồng.

“Bạc Liêu vẫn giữ nguyên chốt chặn, không thể dỡ ra được. Tỉnh vẫn tạo điều kiện trong việc khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh tuy nhiên tuyệt đối không lơ là trong công tác phòng chống dịch”, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh.

Còn theo ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, vấn đề cấp bách đặt ra hiện nay nó là các địa phương thống nhất về cấp độ phòng chống dịch để cùng nhau mở cửa nhưng cần phải ở mức độ vừa phải, không nên cao quá.

Đại diện lãnh đạo tỉnh Hậu Giang thống nhất mở lại các hoạt động vận tải hành khách đường bộ tuyến cố định. Tuy nhiên, tùy vào cấp độ của mỗi địa phương mà áp dụng cho phù hợp.

Tháo gỡ rào cản

Kết luận tại hội nghị, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, trong khuôn khổ của buổi làm việc, các địa phương thống nhất, trước mắt các tỉnh cần có cơ chế phối hợp chia sẽ nền tảng bản đồ phòng chống dịch Covid-19 và thống nhất phương án quản lý di chuyển giữa các địa phương, đặc biệt là các địa phương ở cấp 1 và cấp 2, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân lưu thông.

img

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ phát biểu tại hội nghị.

Đối với lĩnh vực giao thông, thống nhất thực hiện theo hướng dẫn tạm thời của Bộ GTVT về tổ chức hoạt động vận tải.

Đối với địa bàn có dịch ở cấp 1, 2, hoạt động vận tải hành khách đường bộ, đường thủy được hoạt động với tần suất 100% kể cả nội tỉnh và liên tỉnh; bến cảng, bến thủy nội địa hoạt động trong trạng thái bình thường.

Đối với địa bàn có dịch ở cấp 3, 4, giao Sở GTVT các tỉnh, thành phố tham mưu UBND cấp tỉnh quyết định cho phép hoạt động đảm bảo theo nguyên tắc phòng chống dịch.

Riêng đường hàng không, Cần Thơ đang đề xuất Bộ GTVT mở lại 7 đường bay.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, các tỉnh chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản, ứng dụng công nghệ thông tin kết nối thương mại điện tử, sàn giao dịch điện tử kịp thời cung cấp nguyên vật liệu đầu vào, tiêu thụ nông sản đầu ra;

Phối hợp chặt chẽ với Tổ công tác 970 - Bộ NN&PTNT hỗ trợ, kết nối người dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ, lẻ với các nhà phân phối, nhà mua trong và ngoài nước.

Về thương mại, các tỉnh thống nhất, tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm của tỉnh, tăng cường hoạt động thương mại điện tử.

Các tỉnh triển khai thực hiện Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 quảng bá cho nhau, triển khai các chương trình kích cầu du lịch, liên kết phát triển du lịch giữa 7 địa phương. Bên cạnh đó, thí điểm việc mở cửa đối với các khách sạn của 7 tỉnh, trong đó, tạo điều kiện cho du khách thuê phòng khi có tiêm 1 mũi hoặc 2 mũi vaccine.

Trong lĩnh vực thông tin truyền thông, thống nhất liên kết giữa các địa phương, nhằm quảng cáo, quảng bá các sản phẩm, du lịch của các tỉnh, kịp thời phát hiện thông tin không chính xác, thông tin không có cơ sở hoặc các thông tin xấu, độc không có lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội, cũng như về công tác phòng, chống dịch…

“Theo Cục việc làm, Bộ LĐ-TB&XH thống kê, nhu cầu tuyển dụng lao động của 7 tỉnh, từ nay đến cuối năm có đến 45.000 lao động. Các tỉnh cần ung cấp thông tin nhu cầu việc làm cho 7 địa phương, thông qua các sàn giao dịch việc làm, trong đó có sàn giao dịch. Tới đây ngày 29/10, sàn giao dịch ở Cần Thơ sẽ tổ chức chương trình xúc tiến giới thiệu các nhu cầu để tuyển dụng lao động trên địa bàn TP Cần Thơ và các địa bàn lân cận.

Hiện nay, các doanh nghiệp ngành may công nghiệp và may mặc cần ngày 10.000 lao động, đây cũng là cơ hội cho các tỉnh Nam sông Hậu cập nhật hàng ngày để các tỉnh tìm hiểu và giới thiệu lao động,”, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ thông tin thêm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.