Tiến bộ lớn của xã hội Việt Nam chính là sự an toàn
Chiều 24/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ và dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).
Phát biểu thảo luận, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh, điều tiến bộ lớn của xã hội Việt Nam chính là sự an toàn, không cho phép sử dụng súng, vũ khí, những công cụ đe dọa, mất an toàn, an ninh cho bất kỳ người dân nào.
"Nhiều lãnh đạo các nước sang thăm cũng nhận thấy xã hội Việt Nam an toàn, lãnh đạo nước ngoài có thể đi bất kỳ đâu, khách du lịch đi đêm/ngày không bị đe dọa, không lo khủng bố", Chủ tịch nước nói.
Song trong các báo cáo vừa qua đều nói rất rõ số vụ đâm chém nhau chiếm tỉ lệ lớn và chủ yếu dùng dao nhưng hiện nay chúng ta chưa đưa dao vào thiết chế quản lý theo luật nên quá trình xử lý rất khó khăn.
Theo Chủ tịch nước, không thể phủ nhận dao là công cụ phục vụ dân sinh, sản xuất nhưng có những trường hợp đi hàng chục người, có mã tấu, dao cất trong cốp, hàn những loại có cán thì không thể nói đây là để phục vụ sản xuất.
Dao có thể gây sát thương lớn, cũng có thể làm chết người nên chúng ta cần phải có ranh giới và cách thức quản lý cho nề nếp, tránh lợi dụng, sử dụng dao không đúng mục tiêu, mục đích.
Nhắc lại mục tiêu xây dựng xã hội lành mạnh, Chủ tịch nước Tô Lâm nói phải quy định rõ trong luật pháp và công khai để mọi người cùng đồng tình.
"Chúng ta xây dựng một xã hội an toàn, tất cả người dân không thể bị đe dọa bởi bất kể một áp lực, sức mạnh gì", Chủ tịch nước nói.
Ông cho biết, dự luật sẽ được hoàn thiện, lấy ý kiến đóng góp của các đại biểu, các cơ quan của Quốc hội sẽ tiếp thu, hoàn chỉnh từng bước, đưa luật pháp sát dần thực tiễn.
"Quá trình làm chúng ta tiếp tục tổng kết. Cái gì còn sơ hở, chưa đáp ứng được tiếp tục hoàn thiện", Chủ tịch nước nói.
Chỉ cần cầm dao đe dọa cũng có thể coi là vũ khí
Tại cuộc họp tổ, nhiều đại biểu ủng hộ việc bổ sung "dao có tính sát thương cao" vào nhóm vũ khí thô sơ.
Đại biểu Nguyễn Văn Thuận, Trưởng đoàn đại biểu Cần Thơ cho biết ông đồng tình với điểm này vì hiện nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh các loại dao bầu, dao mèo, dao phay... có tính sát thương cao, nguy hiểm như vũ khí quân dụng. Các loại dao này được sản xuất, kinh doanh, mua bán như hàng hóa thông thường, chưa được cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ.
Bên cạnh đó, một người có thể dễ dàng mua hoặc tự chế tạo ra các loại dao có tính sát thương cao để sử dụng, gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của con người, gây mất an ninh, trật tự.
Ông Thuận cho biết, trong 5 năm qua, trên toàn quốc đã phát hiện 16.000 vụ việc, bắt giữ trên 26.000 đối tượng có sử dụng các loại dao và công cụ, phương tiện tương tự dao để thực hiện hành vi giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng...
"Quá trình giải quyết vụ án, đối tượng có sử dụng dao, công cụ, phương tiện tương tự dao chỉ bị xử lý hình sự được khi có đủ căn cứ kết luận đối tượng phạm các tội danh khác. Luật hiện hành chưa quy định dao, phương tiện tương tự dao là vũ khí", đại biểu Thuận nói.
Góp ý thêm tại cuộc họp, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) cho rằng, không nên chỉ coi dao là vũ khí thô sơ sau khi con dao đó được sử dụng để gây án, mà phải quy định chỉ cần cầm lên, đe dọa cũng có thể coi là vũ khí.
Ông chỉ ra thực tế cho thấy, khi xảy ra bức xúc, cãi vã, đâm chém, nhiều người tiện đâu lấy đó và dao là vật dụng phổ biến hơn các loại vũ khí như súng, do đó, sẽ nhiều người vớ dao để gây án.
"Trong trường hợp tức giận, ẩu đả, chuẩn bị tấn công hoặc bất đồng mà cầm dao thì tự động chuyển sang là vũ khí dù con dao dài hay ngắn, trên 20cm hay không, là dao dọc giấy hay dao nhỏ", đại biểu Cảnh đề xuất.
Ông khẳng định cách làm này sẽ rất hữu ích, khiến người dân buộc phải ghi nhớ, hình thành thói quen rằng nếu cầm dao trong lúc nóng giận là có thể trở thành vũ khí và chịu tăng nặng hình phạt.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận