Không có tiêu chuẩn khí thải thì khó loại bỏ xe cũ nát
Tiếp tục phiên họp thứ 32 vào sáng 23/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo báo cáo kết quả bước đầu giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023".
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, chuyên đề giám sát này đã được cân nhắc kỹ lưỡng, cũng đồng thời để tổng kết các pháp luật giao thông và trật tự an toàn giao thông (ATGT).
"Chúng ta đang trình 2 dự thảo luật liên quan nội dung này (Luật Giao thông đường bộ và Luật Trật tự ATGT đường bộ - PV). Hiện chúng ta kiến nghị theo hướng độc lập của đoàn giám sát đối với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật. Chuyên đề này rất có ý nghĩa. Hôm nay mới là báo cáo bước đầu nhưng chất lượng của báo cáo tốt", Chủ tịch Quốc hội đánh giá.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trong báo cáo, với vị trí là đoàn giám sát có tính độc lập và có thời gian kỹ lưỡng thì qua giám sát cần kiểm nghiệm, đánh giá quá trình tổng kết xây dựng pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ thêm vấn đề sản xuất, nhập khẩu, quản lý, đăng ký lưu hành, đăng kiểm các phương tiện giao thông. Vấn đề về đăng kiểm cần gắn với tiêu chuẩn, tiêu chí về khí phát thải.
Ông lý giải nếu sử dụng phương tiện quá cũ sẽ tác động rất lớn đến vấn đề trật tự ATGT đường bộ. Nếu không có tiêu chuẩn tiêu chí về khí phát thải, sẽ khó có lộ trình để thu đổi, loại bỏ dần những phương tiện đã quá cũ và lạc hậu, vừa gây ô nhiễm môi trường vừa gây nguy cơ cao về ATGT, tác động đến kết cấu hạ tầng nói chung và đường bộ nói riêng.
Xe quá khổ, quá tải phá đường
Về hệ thống pháp luật liên quan đến tiêu chuẩn, tiêu chí về kết cấu hạ tầng giao thông và vấn đề phân kỳ đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, Chủ tịch Quốc hội cho biết, hiện nay nguồn lực đầu tư một lần không đủ cho nên phải phân kỳ đầu tư.
"Nhưng phân kỳ gì thì vẫn phải đảm bảo tiêu chuẩn tối thiểu về vận hành, khai thác, đảm bảo an toàn, đây là vấn đề chúng ta phải kiến nghị trong báo cáo này", ông Huệ nói.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, cần phải đầu tư đồng bộ hệ thống liên quan đến hành lang giao thông đường bộ, đường thủy,…
"Vấn đề trạm dừng nghỉ cũng phải quan tâm để đồng bộ. Lái xe cứ chạy suốt, không dừng nghỉ thì cũng dễ gây ra tai nạn. Cần có trạm dừng nghỉ hợp lý để hồi phục về thể chất và tinh thần cho lái xe. Đây là vấn đề thực tiễn chúng ta đang phải quan tâm", Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, xe quá khổ, quá tải thì phá đường "kinh khủng lắm". Do đó, cần có quy định rõ về vấn đề đầu tư trang thiết bị và quản lý cân tải trọng xe trong 2 luật (Luật Giao thông đường bộ và Luật Trật tự ATGT đường bộ) sắp tới.
Về vấn đề đào tạo, quản lý, cấp giấy phép lái xe và vấn đề quản lý sau cấp phép, Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi: "Phân định trách nhiệm như thế nào? Nhất là quản lý sau cấp phép, ai quản lý là chính?" và đề nghị cần tập trung kiến nghị, đề xuất cụ thể nội dung này để hoàn thiện các dự án luật đang trình.
Về vấn đề tổ chức giao thông thông minh, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là vấn đề mới, cần tiếp tục củng cố căn cứ khoa học thực tiễn để có kiến nghị, đề xuất hợp lý trong quản lý, vận hành giao thông thông minh.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới cho biết, qua giám sát cho thấy công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự ATGT đường bộ của lực lượng chức năng đạt kết quả cao. Các lực lượng đã tập trung ra quân xử lý kiên quyết các vi phạm, trọng tâm là vi phạm nồng độ cồn, xe quá tải trọng, xe cơi nới…
Đoàn giám sát cũng chỉ ra việc đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông ở một số địa bàn chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe còn hạn chế. Tình trạng lái xe vi phạm, lái xe sử dụng các chất ma túy vẫn diễn ra.
Theo đoàn giám sát, cần tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; ưu tiên bố trí nguồn lực để bảo trì quốc lộ và xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn về tai nạn giao thông; khắc phục cơ bản ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, trọng điểm là Hà Nội, TP.HCM...
Phân kỳ đầu tư hạ tầng phải đảm bảo an toàn giao thông
Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Duy Lâm cho biết, thực hiện yêu cầu của đoàn giám sát và nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ GTVT đã nghiêm túc tổng hợp, xây dựng báo cáo theo đúng đề cương hướng dẫn.
"Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ để thống nhất báo cáo đoàn giám sát theo đúng thời hạn. Trong quá trình giám sát, Bộ GTVT nghiêm túc tiếp thu, nghiên cứu các ý kiến và trả lời cho các địa phương biết. Cùng với đó, tiếp thu để đưa vào báo cáo gửi đoàn giám sát", ông Lâm nói.
Về những vấn đề Chủ tịch Quốc hội nêu, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cho biết, Bộ GTVT xin tiếp thu để tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh báo cáo, đảm bảo sâu sắc, toàn diện hơn.
Cụ thể, ông Lâm cho biết, vấn đề liên quan đến phân kỳ đầu tư cao tốc, việc quản lý đảm bảo trật tự ATGT của đường bộ nói chung và đường cao tốc là khác nhau.
"Với tuyến cao tốc không thể quản lý như các đường bộ khác. Phải đảm bảo tất cả hạng mục, quản lý, khai thác tuyến cao tốc phải đồng bộ, đúng như ý kiến của Chủ tịch Quốc hội đã nêu", ông Lâm nói.
Ông Nguyễn Duy Lâm cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GTVT đang chỉ đạo thực hiện đầu tư đồng bộ các hạng mục công trình liên quan đường cao tốc, như trạm dừng nghỉ, trạm kiểm tra tải trọng xe, hệ thống thu phí, trung tâm điều hành giao thông thông minh.
"Đến năm 2025, phải cơ bản hoàn thành tất cả các hạng mục này, khi đưa cao tốc vào khai thác thì phải đảm bảo đầy đủ các công cụ để chúng ta quản lý, điều hành hoạt động giao thông", ông Lâm nói.
Vấn đề phân kỳ đầu tư, ông Nguyễn Duy Lâm cho biết, Bộ GTVT đã khẩn trương ban hành quy chuẩn kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam.
"Trong đó chúng tôi xác định căn cứ vào nguồn lực, chúng ta vẫn phải phân kỳ đầu tư. Tuy nhiên phân kỳ đầu tư thế nào phải đảm bảo, trong giai đoạn phân kỳ thì phải đảm bảo an toàn giao thông.
Chúng tôi đã đưa ra quy định, phân kỳ thì tối thiểu phải là 4 làn, làn dừng khẩn cấp phải liên tục và tất cả những hạng mục phục vụ cho cao tốc phải đồng bộ. Đây là yêu cầu tối thiểu để phân kỳ đầu tư", ông Lâm cho hay.
Đội mũ bảo hiểm phải đảm bảo chất lượng
Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị đoàn giám sát đánh giá rõ 2 nội dung.
Đầu tiên là ý thức của người tham gia giao thông. Theo bà Nga, một bộ phận người tham gia giao thông có ý thức rất kém, sẵn sàng vi phạm, vượt đèn đỏ, nhưng điều đáng nói là vẫn con người đó, nếu ra nước ngoài lại chấp hành rất tốt quy định trật tự an toàn giao thông, còn trong nước thì cứ vi phạm.
"Điều đó chứng tỏ hệ thống xử lý của chúng ta không nghiêm", bà Nga nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị đưa giảng dạy về trật tự ATGT vào trường học từ sớm, để rèn luyện ý thức của người tham gia giao thông cho học sinh ngay từ nhỏ.
Nội dung thứ hai, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị đoàn giám sát đánh giá tiêu cực trong lĩnh vực trật tự ATGT đường bộ.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng cho rằng, hiện nay ý thức của người tham gia giao thông chưa tốt, còn tình trạng người tham gia giao thông ngồi lên ô tô không thắt dây an toàn, đi xe máy đội mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng.
Do đó, ông đề nghị báo cáo giám sát có kiến nghị cụ thể như yêu cầu ngồi trên ô tô phải thắt dây an toàn, đội mũ bảo hiểm phải đảm bảo chất lượng.
Qua hoạt động giám sát cho thấy, nguyên nhân chủ yếu của tai nạn giao thông đường bộ hầu hết do nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật và kỹ năng điều khiển phương tiện của người lái xe.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận