Luật Đất đai là ví dụ sinh động nhất để đánh giá năng lực xây dựng pháp luật
Sáng 22/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định việc xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là nhiệm vụ trọng tâm của công tác pháp luật trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Theo Chủ tịch Quốc hội, kết quả cuối cùng của quá trình xây dựng, thông qua Luật Đất đai là ví dụ sinh động nhất để đánh giá năng lực xây dựng pháp luật của Chính phủ, Quốc hội, các tổ chức, cơ quan hữu quan, đánh giá năng lực thể chế hóa chủ trương của Đảng vào chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Đồng thời, đánh giá năng lực kiến tạo phát triển; năng lực tháo gỡ vướng mắc khó khăn trước đây và không phát sinh khó khăn, vướng mắc mới; năng lực thể hiện tính công khai, minh bạch trong xây dựng pháp luật.
Từ điều này, Chủ tịch Quốc hội lưu ý trách nhiệm của các cơ quan trong quá trình xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi).
"Như Tổng Bí thư từng nói, giàu lên vì đất, nghèo đi cũng vì đất. Tranh chấp khiếu kiện, khiếu nại chiếm 60-70% là vì đất đai. Cạn tàu ráo máng với nhau cũng vì đất đai, mất tình làng nghĩa xóm, tình anh em trong nhà cũng vì đất đai. Thậm chí tham nhũng, đi tù cũng vì đất đai…", Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Theo Chủ tịch Quốc hội, việc sửa đổi Luật Đất đai phải có sự cố gắng gấp bội mới đáp ứng yêu cầu. Đây là lần đầu thảo luận nhưng đã được cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra chuẩn bị công phu, đây là luật khó nhưng không có nghĩa không hoàn thành.
"Sửa đổi nhưng đảm bảo tính thực tiễn. Tuyệt đối tránh hợp thức hóa những vi phạm hiện nay; những vấn đề mang tính hiện tượng, sự vụ, nhỏ lẻ. Không phải bất cứ đơn vị cá nhân A, B, C nào đề xuất thì đưa vào đây", Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.
Khó nhất là giá đất và cơ chế tài chính về đất đai
Lần sửa đổi này, giá đất và cơ chế tài chính về đất đai, theo Chủ tịch Quốc hội là khó nhất. Vì thế cần quy định để vận hành được trong thực tế, khi bỏ khung giá đất rồi thì bảng giá đất ra sao, vai trò của HĐND thế nào, của các cơ quan tham mưu ra sao...
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nhất trí về phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự án Luật. Tuy nhiên, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cần đảm bảo tách bạch, phân định rõ các quan hệ đất đai mang tính chất công và quan hệ mang tính chất tư.
Ngoài ra, việc xây dựng dự án Luật cần đảm bảo nguyên tắc nhất quán trên cơ sở kế thừa các quy định mang tính ổn định của pháp luật đất qua các thời kỳ, sửa đổi các quy định chỉ để nhằm khắc phục những bất cập trong thực tiễn, bảo đảm tính tổng thể, chiến lược lâu dài...
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, điều kiện đấu giá quyền sử dụng đất trong trường hợp đất chưa bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chưa được quy định chặt chẽ, còn thiếu tính khả thi.
Cụ thể, điểm đ khoản 1 quy định, một trong các điều kiện đặt ra là: Có tối thiểu 80% người bị thu hồi đất đồng ý với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Ông Cường cho rằng, chưa có bồi thường, hỗ trợ tái định cư thì chưa có quyết định thu hồi đất, chưa đo đạc để xác định rõ diện tích, giá đền bù, nên việc đặt ra con số 80% là không thực tế, đề nghị nghiên cứu sửa đổi để đảm bảo quy định của Luật được khả thi, dễ dàng áp dụng trong thực tế.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị lưu ý về đấu giá đất sạch bởi theo khoản 3 Điều 66 dự thảo Luật quy định theo Luật Đấu giá tài sản, tuy nhiên Luật Đấu giá tài sản cũng chưa quy định cụ thể. Do đó, cần quy định rõ ở trong luật này để bảo đảm việc đấu giá tường minh hơn.
Bên cạnh đó, Tổng Thư ký Quốc hội cũng cho rằng không nên quy định bắt buộc mà quy định theo hướng khuyến khích việc giao dịch quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thông qua sàn giao dịch bất động sản.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận