Ông Đinh Việt Thắng |
Không hề bị áp lực
Đã 9 tháng kể từ ngày ông nhậm chức Tổng giám đốc, sau đó là Chủ tịch HĐTV VATM, một vị trí được xem là “ghế nóng” trong lĩnh vực hàng không. Đang làm việc ở một cơ quan quản lý Nhà nước, chuyển sang làm doanh nghiệp, ông có cảm thấy áp lực?
Tôi có thể nói luôn là không hề cảm thấy chút áp lực nào khi chuyển sang làm việc tại đây. Tất nhiên, mỗi vị trí công việc đều có những thách thức riêng. Công tác quản lý Nhà nước (QLNN) có cái khó của QLNN. Làm doanh nghiệp (DN) cũng có cái khó riêng của DN.
Thực tế QLNN thường tiếp cận công việc ở góc độ tổng thể, cân đối các mối quan hệ tổng thể, trong khi đó ở đơn vị thì hẹp hơn nhưng lại sâu hơn. Ở đơn vị, anh bắt buộc phải bắt nhịp và xử lý việc thực tế, phải tư duy giải quyết công việc trong một thời gian ngắn, không có độ trễ như trong công tác QLNN. Hay nói cụ thể hơn, làm QLNN, anh làm công tác quy hoạch có tính dài hạn, phải cân đối, nghe ngóng còn ở đơn vị thì luôn phải xử lý công việc tức thời, phải nhanh.
Cũng cần nói rằng, về làm việc tại Quản lý bay, tôi có thuận lợi là được đào tạo đúng chuyên ngành không lưu. Khi làm Phó Cục trưởng Cục Hàng không VN, tôi cũng phụ trách mảng này. Do đó, tôi có cơ hội nắm bắt tình hình của đơn vị, nhìn nhận, hiểu rõ điểm mạnh cũng như hạn chế. Hơn nữa, trước đây khi làm QLNN thì làm vĩ mô. Điều này tạo thuận lợi rất nhiều khi chỉ đạo điều hành, lên chương trình, chiến lược của đơn vị, đảm bảo sự thống nhất với định hướng của Bộ, của Cục.
Từ thực tiễn ngồi “ghế nóng”, ông còn có điều gì muốn nói ngoài công việc cụ thể hàng ngày?
Tôi thấy rằng trong công tác cán bộ cũng nên mạnh dạn luân chuyển cán bộ ở đơn vị lên các vị trí ở cơ quan QLNN và ngược lại. Khi nhìn ở góc độ đơn vị sẽ thấy có những điểm sát thực tế hơn. Về mặt phương pháp luận, có thể khi làm QLNN đúng nhưng để hợp lý trong thực tiễn thì lại phải trải qua mới hiểu được. Cũng thế, nếu ở dưới đơn vị lâu quá, mình sẽ tư duy trong phạm vi hẹp, sẽ không giúp ích cho tư duy phát triển lớn, cho một DN lớn.
TCT Quản lý bay VN xác định luôn đổi mới để phát triển, đảm bảo an toàn cho những chuyến bay |
Làm QLNN và DN không có khác biệt lớn
Trong cảm nhận của ông, Quản lý bay có gì khác biệt trước và sau khi ông về nhận nhiệm vụ. Hay nói cách khác, ở Cục Hàng không VN ông thấy Quản lý bay như thế nào, có khác khi về đây?
Thực tế không có khác biệt lớn vì khi ở Cục, tôi hiểu rất rõ Quản lý bay do được giao theo dõi mảng này. Tôi hiểu những điểm mạnh, những điểm còn tồn tại về quản lý hoạt động bay nói chung và Tổng công ty Quản lý bay VN nói riêng. Thực tế, lĩnh vực quản lý bay đã và đang làm tốt việc của mình. Tất cả việc quản lý điều hành, cung ứng dịch vụ của quản lý bay đều theo tiêu chuẩn quốc tế.
Có một sự khác biệt mà tôi cảm thấy rất rõ ràng trong thời gian làm việc tại đây là anh em đã và đang nhận thức rõ đổi mới là vấn đề sống còn, không đổi mới sẽ tụt hậu. Anh em rất nhiệt huyết, sẵn sàng tham gia vào các chương trình, dự án để đổi mới.
Tới đây, Đại hội Đảng bộ của Tổng công ty lần thứ 7, chúng tôi cũng lấy đổi mới là tinh thần chủ đạo của Đại hội. Từ tinh thần đó sẽ đề ra biện pháp, giải pháp đồng bộ theo hướng đổi mới căn bản, tạo diện mạo mới, bước phát triển mới cho Quản lý bay.
Kiềng ba chân của ngành Hàng không
Ông từng nói bề dày truyền thống của Tổng công ty Quản lý bay VN chính là một trong những thách thức với ông khi về công tác tại đây. Cụ thể điều này như thế nào, thưa ông?
Tôi muốn nhấn mạnh, VATM là một trong những đơn vị có truyền thống bậc nhất ngành Hàng không VN. Trong quá trình phát triển, VATM là một trong ba lĩnh vực then chốt của ngành, cùng với vận tải và quản lý sân bay. Đây là kiềng ba chân của ngành Hàng không. Muốn có một ngành Hàng không phát triển ổn định bền vững thì phải xây dựng và phát triển ba chân kiềng này thật chắc.
"Vấn đề đầu tiên mà tôi đặc biệt quan tâm là con người, nguồn nhân lực. Con người sẽ quyết định trong mọi trường hợp. Hiện nay, VATM có ba lực lượng cần tăng cường mạnh mẽ gồm kiểm soát viên không lưu, lực lượng kỹ thuật và cuối cùng là các chuyên gia về hệ thống. Kế đó là ưu tiên đổi mới công nghệ. Hiện có khá nhiều thiết bị của quản lý bay đã vào giai đoạn cuối của tuổi đời khai thác như thiết bị hệ thống radar, Trung tâm xử lý số liệu… đến giai đoạn thay thế. Đây là vấn đề hết sức khó khăn trong điều kiện nguồn vốn eo hẹp". Ông Đinh Việt Thắng |
Đặc biệt hơn, với quản lý bay, những năm 90 của thế kỷ XX đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước, là ngành dẫn đầu trong ba lĩnh vực về đổi mới công nghệ. Thậm chí ngay cả khi vận tải hàng không chưa chuyển sang sử dụng những máy bay theo thế hệ tư bản thì quản lý bay đã đầu tư những trang thiết bị phục vụ đường bay theo hệ thống mới nhất của tư bản. Hệ thống radar của ta mua của Pháp ngay trong khi Mỹ vẫn đang thực thi chính sách cấm vận. Ngoài ra, quản lý bay đi đầu trong đổi mới công nghệ, đi đầu làm cuộc cách mạng trong chuyển đổi công tác quản lý.
VATM là đơn vị đầu tiên trong ngành Hàng không được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Bản thân đồng chí Tổng giám đốc Trần Xuân Mùi cũng được Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý này. Năm 2009, VATM được Hiệp hội Vận tải hàng không thế giới IATA công nhận là một trong những nhà cung cấp dịch vụ quản lý bay có nhiều tiến bộ nhất trên thế giới.
Tiếp nhận một đơn vị như thế này rất thách thức với cá nhân tôi. Làm sao mình kế thừa và phát huy được truyền thống này.
Hạn chế tối đa lỗi chủ quan
Sau khi ông tiếp nhận công việc chưa lâu đã xảy ra sự cố sập nguồn điện tại Tân Sơn Nhất. Cảm giác của ông khi đó thế nào, vụ việc đã được xử lý ra sao?
Vụ việc xảy ra rất đáng tiếc. Khi biết tin, phản ứng ngay lập tức của tôi là phải xuống Trung tâm Ứng phó không lưu Hà Nội chỉ đạo anh em thực hiện phương án ứng phó. Trên Cục tôi phụ trách mảng an toàn, tìm kiếm cứu nạn nên đã làm quen với những tình huống như thế này.
Tôi thực sự đánh giá rất cao lực lượng không lưu trong ứng phó với sự cố này. Anh em đã xử lý hết sức bài bản. Thực tế không có bất kỳ một tàu bay nào bị uy hiếp an toàn bay.
Bài học kinh nghiệm rút ra từ sự cố này là gì?
Qua sự cố này, tôi thấy công tác chuẩn bị ứng phó là công tác hết sức quan trọng để không bị bất ngờ trong mọi tình huống.Thứ hai, phải tăng cường mức độ dự phòng giữa các hệ thống, đảm bảo trong mọi sự cố chúng ta không bất ngờ và đều có phương tiện để tổ chức điều hành được.
Bản chất vụ việc là do nhân viên tác nghiệp sai. Do đó, vấn đề đặt ra là làm thế nào để hạn chế tối đa ảnh hưởng từ thao tác sai của con người. Chúng tôi đã xây dựng lại quy trình, hoàn thiện thủ tục thao tác phối hợp hiệp đồng, thực hiện kiểm tra chéo bắt buộc trong mọi thao tác dù đơn giản hay phức tạp. Không để bất cứ một nhân viên nào có thể độc lập thực hiện thao tác.
Cuối cùng, qua vụ việc mới thấy việc hỗ trợ ứng phó ở góc độ quốc tế rất quan trọng. Tới đây, Singapore cũng đang đề nghị Việt Nam phối hợp ứng phó xử lý sự cố. Kế đó sẽ là hợp tác với Phillipines, Trung Quốc, Lào, Campuchia…
Xin hỏi ông một câu hỏi cuối: Quản lý bay của ta đang ở mức nào so với khu vực và thế giới?
Phải nhìn nhận rằng dịch vụ của chúng ta cả về quy trình, chất lượng đang đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Còn trong khu vực chúng ta nằm trong top dẫn đầu cùng với Singapore, Malaysia, Thái Lan. Thậm chí chúng ta còn có những công nghệ hiện đại, áp dụng sớm hơn.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận