Tại buổi gặp mặt giữa lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu với doanh nghiệp nhân dịp Xuân Nhâm Dần 2022, chia sẻ với các doanh nghiệp, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho rằng, khoảng 2/3 thời gian của năm 2021 là lo phòng, chống dịch, mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền của. Đến thời điểm này, tỉnh đã chi hơn 900 tỷ đồng để phòng, chống dịch.
"Do đó, có lúc giãn cách xã hội, tôi nghĩ nhiều anh chị em doanh nghiệp khá là khó chịu với các biện pháp của chính quyền. Nhưng chúng ta không còn cách nào khác vì sức khỏe của nhân dân là trên hết", ông Thiều nói.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - Phạm Văn Thiều nhận định năm 2022 sẽ còn khó khăn, tỉnh nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, nhưng đề nghị người dân, doanh nghiệp không được chủ quan, lơ là.
Ông Thiều nhận định rằng, năm 2022 sẽ còn khó khăn, mặc dù tỉnh nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, nhưng đề nghị người dân, doanh nghiệp không được chủ quan, lơ là.
Ông Lê Chí Tôn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bạc Liêu cho biết, năm qua tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh khi sản xuất bị đình trệ, doanh thu sụt giảm. Gần như các doanh nghiệp hoạt động cầm chừng trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Trong thời điểm hết sức khó khăn và căng thẳng vì dịch bệnh, doanh nghiệp phải chấp nhận tăng chi phí, huề vốn, thậm chí chấp nhận lỗ để duy trì sản xuất.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bạc Liêu, các doanh nghiệp phản ánh, việc cấp đổi sổ đất theo quy định hiện nay thời gian dài, như: cấp đổi giấy chứng nhận là 7 ngày làm việc; chuyển nhượng, tặng, cho, thừa kế 10 ngày làm việc; còn cấp lần đầu là 30 ngày làm việc...
Do đó, doanh nghiệp đề xuất tỉnh xem xét rút ngắn thời gian cấp đổi sổ đất so với quy định hiện nay và các thủ tục hành chính khác có liên quan đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để phục hồi sau dịch.
Về đề xuất trên, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - Phạm Văn Thiều cho rằng, việc tiếp cận các thủ tục đất đai, đặc biệt là cấp sổ còn rất nhiêu khê. Người dân, doanh nghiệp khó chịu nhất là "tham nhũng vặt", phải hẹn tới hẹn lui, rồi bồi dưỡng thì mới làm được.
"Do đó, phải kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh lại cán bộ, công chức liên quan đến thủ tục hành chính đất đai, còn vòi vĩnh là còn khó khăn cho doanh nghiệp. Nếu đạo đức công vụ không có thì đổi người ngay để làm tốt hơn", ông Thiều nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận