Ngày 28/12, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị báo cáo tiến độ và lấy ý kiến góp ý đồ án quy hoạch chung thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Buổi làm việc cũng nhằm hoàn thiện mô hình đô thị đa trung tâm cũng như các điều kiện để kết nối, phát huy không gian phát triển.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhận định đây cũng là điểm cần khắc phục. Trong thời gian qua dù có ý tưởng, có quy hoạch nhưng không thực hành được mà vẫn là “vết dầu loang”.
Ngoài ra, người đứng đầu chính quyền thành phố cho hay, hội nghị lần này sẽ làm rõ tính hệ thống, đồng bộ giữa các quy hoạch, tính động, mở trong liên kết vùng. Ông đề nghị các chuyên gia xem xét, góp ý hoàn chỉnh đồ án, tạo động lực phát triển thành phố, đồng thời đáp ứng tính khả thi trong quy hoạch.
"Nếu không làm rõ tính động, mở này sẽ lúng túng khi triển khai quy hoạch", ông Phan Văn Mãi nói.
Chủ tịch Phan Văn Mãi nhìn nhận việc trình hồ sơ quy hoạch chung TP Thủ Đức là điển hình thực tế. Đến nay, quy hoạch chung của thành phố phía đông vẫn chưa được phê duyệt.
“Do đó, thành phố mong được lắng nghe hướng dẫn để hoàn thiện hồ sơ quy hoạch lần này nhằm rút ngắn được thời gian giải trình. Thành phố cũng sẽ cố gắng hoàn thiện để trình hồ sơ điều chỉnh quy hoạch chung thành phố trong quý I/2024”, ông Phan Văn Mãi nói.
Ông Trần Ngọc Chính, Tổ trưởng Tổ công tác của Bộ Xây dựng, thống nhất với Chủ tịch UBND TP.HCM về việc qua hội nghị lần này và đề xuất xem xét thêm một vài buổi lắng nghe báo cáo ở kỳ cuối.
Ông Chính cũng đề nghị đơn vị tư vấn, chuyên gia nói rõ hơn về vị thế của TP.HCM trong bối cảnh xây dựng nơi đây trở thành thành phố toàn cầu, vấn đề kinh tế biển.
Ngoài ra, TP cần làm rõ vấn đề dân số, tính toán dân số cho đại đô thị trong tương lai. "Hiện thành phố có gần 10 triệu dân, tương lai quy mô như thế nào để phù hợp phát triển, phù hợp nguồn lực đất đai…", ông Chính nói.
Ngoài ra, ông Trần Ngọc Chính cũng gợi ý đơn vị tư vấn cần nhấn mạnh thêm về quy hoạch, tổ chức đô thị gắn với sông Sài Gòn. "Nhiều người yêu mến thành phố mong sông Sài Gòn trở thành biểu tượng của thành phố, vì vậy tổ chức không gian phải đặc biệt, tạo vị thế", ông Trần Ngọc Chính nói thêm.
Theo Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, kiều bào nước ngoài khi nhìn về TP.HCM rất tâm đắc con sông Sài Gòn. Còn TP.HCM đang hưởng thụ tài nguyên nhưng chưa khai thác hiệu quả.
Tại dự thảo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung, đơn vị tư vấn cũng xác định sông Sài Gòn trở thành trung tâm bản sắc văn hóa, giao lưu công cộng và là không gian kinh tế chủ đạo cho TP.HCM. Không gian dọc sông Sài Gòn là trọng tâm phát triển mang tính đột phá, còn không gian ven sông Sài Gòn làm mặt tiền cho đô thị, phát triển dải đô thị hai bên sông.
Đơn vị tư vấn đã đề ra 7 chiến lược phát triển không gian dọc sông Sài Gòn. Trong đó có chiến lược kết nối sông Sài Gòn với các vùng trọng điểm; kết hợp các tuyến buýt đường thủy, kết nối giao thông công cộng đường bộ, tuyến đi xe đạp, đường dạo dọc theo sông Sài Gòn và các tuyến rạch chính.
Bên cạnh đó, thành phố có thể tổ chức các hoạt động vận tải trên sông nước; các hoạt động văn hóa nghệ thuật trên mặt nước để thu hút du khách. Tổ chức hoạt động cộng đồng, lễ hội văn hóa… trong các khu vực xanh, sinh thái lớn dọc sông.
Đơn vị tư vấn cũng đưa ra chiến lược bố trí trung tâm tài chính, trung tâm công nghệ thông tin, trung tâm sáng tạo nghệ thuật, các dịch vụ xã hội tầm cỡ quốc tế, trung tâm công nghệ cao, những nhà hàng khách sạn và hệ thống dịch vụ du lịch cao cấp nhất… dọc sông.
Trước đó, ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, cho hay sau hội nghị báo cáo kỳ 2, cơ quan chức năng đã lấy ý kiến các chuyên gia trong và ngoài nước, các sở ngành, địa phương và tổ chức 5 tọa đàm chuyên đề để chuẩn bị cho báo cáo lần 3.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận