Thời sự Quốc tế

Chủ tịch Trung Quốc có thể làm điều chưa từng có khi tới thăm Trung Á?

13/09/2022, 08:00

Theo thông báo của chính phủ hai nước Trung Á, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đến Kazakhstan và Uzbekistan trong tháng này.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm Kazakhstan vào ngày 14/9 và tới Uzbekistan để tham dự cuộc họp thường niên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), diễn ra tại Samarkand vào ngày 15-16/9.

Đây được coi là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của nhà lãnh đạo Trung Quốc kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Thông điệp tới trong nước và quốc tế

Đối với tình hình quốc tế, theo báo Financial Times, chuyến thăm này dự kiến là chuyến đi đầu tiên trong một loạt chuyến thăm của ông Tập Cận Bình của năm nay và báo hiệu mong muốn của Bắc Kinh trong việc khẳng định lại ảnh hưởng quốc tế.

Suốt thời gian đại dịch Covid-19 hoành hành và Trung Quốc thực hiện chính sách Zero Covid nghiêm ngặt, ông Tập Cận Bình và các nhân vật cấp cao khác đã không rời Trung Quốc. Trong số 25 ủy viên Bộ Chính trị, chỉ có người đứng đầu bộ máy ngoại giao Dương Khiết Trì công du nước ngoài. Nhưng Bắc Kinh đang ra tín hiệu mới về việc các quan chức hàng đầu nối lại các chuyến công du quốc tế.

img

Chủ tịch Tập Cận Bình gặp nhà lãnh đạo Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev tháng 2 vừa qua tại Bắc Kinh.

Tháng trước, Ủy viên trưởng Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Lật Chiến Thư đã bắt đầu chuyến công du 11 ngày với điểm đến đầu tiên là Nga. Và sau chuyến thăm tới Trung Á lần này, Chủ tịch Tập Cận Bình được cho là cũng sẽ thăm Bali, Indonesia để dự hội nghị thượng đỉnh Nhóm G20 vào tháng 11 tới, theo tuyên bố của Tổng thống Indonesia Joko Widodo gần đây.

Đối với tình hình trong nước, chuyến đi này diễn ra chỉ vài tuần trước khi Trung Quốc diễn ra Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 20 bắt đầu vào ngày 16/10 tới và ông Tập được cho là sẽ tiếp tục được bầu giữ cương vị lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc và người đứng đầu Quân ủy Trung ương.

Ông Steve Tsang, Giám đốc Viện nghiên cứu SOAS Trung Quốc ở London, cho biết quyết định công du ngay trước thềm Đại hội Đảng của ông Tập là "một sự thể hiện rõ ràng rằng ông Tập tự tin với vị trí của mình, dập tắt mọi suy đoán trong nước rằng vị trí của ông Tập có thể bị thách thức”, ông Tsang nhận định.

Lợi ích của Trung Quốc tại Trung Á

Nhận định về điểm đến của ông Tập trong chuyến thăm lần này, ông Temur Umarov, một chuyên gia về Trung Quốc và Trung Á tại Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế, cho rằng việc chọn khu vực này trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau đại dịch nhấn mạnh tham vọng của Bắc Kinh trong việc mở rộng ảnh hưởng ở khu vực Trung Á và cũng là một lời nhắc nhở về vai trò quan trọng của khu vực này trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc.

“Năm tới sẽ là năm kỷ niệm 10 năm Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường và tôi nghĩ ngay bây giờ, Trung Á là một vùng lãnh thổ thể hiện tốt vị thế của Trung Quốc trên thế giới”, ông Umarov nói.

Theo Hindustimes, một điều thú vị là chuyến thăm Kazakhstan của ông Tập trùng với chuyến thăm của Giáo hoàng Francis tới đất nước này. Hiện có những đồn đoán về một cuộc gặp có thể xảy ra giữa ông Tập với Giáo hoàng mặc dù đây là điều chưa có tiền lệ. Trung Quốc và Vatican cũng đang đàm phán để gia hạn một thỏa thuận tạm thời về việc bổ nhiệm các giám mục tại nước này.

Chuyên gia này nói thêm: “Trước đó, Trung Quốc đã rất bất ngờ với việc Nga có thể gia tăng ảnh hưởng sau khi Kazakhstan xảy ra bất ổn dân sự hồi tháng Giêng năm nay. Vào thời điểm đó, sự hiện diện của Trung Quốc ở Trung Á còn mờ nhạt trong khi hình ảnh của Nga đã mạnh mẽ. Và đó là thời điểm quan trọng khiến Trung Quốc nhận ra rằng họ cần phải hành động để mở rộng ảnh hưởng tại Trung Á, tăng cường năng lực dự báo những gì đang và sẽ xảy ra ở Trung Á”.

Bên cạnh đó, tháng 7 vừa qua, sau 20 năm đàm phán, Bắc Kinh đã thống nhất với cả Bishkek và Tashkent về việc bắt đầu xây dựng tuyến đường sắt Trung Quốc - Kyrgyzstan - Uzbekistan vào năm tới. Dự án này sẽ giúp Trung Quốc có thêm một tuyến đường sắt mới đi vào Trung Á, ngoài những con đường hiện có với Kazakhstan.

Bản thân Kazakhstan cũng có vai trò quan trọng với Trung Quốc khi nước này đang cung cấp khoáng sản, kim loại và năng lượng cho Trung Quốc và trung chuyển hàng hóa giữa Bắc Kinh với châu Âu.

Kazakhstan còn nắm giữ khoảng 40% trữ lượng uranium được biết đến của thế giới, một nguồn tài nguyên ngày càng quan trọng khi các nước phát triển chuyển sang sử dụng năng lượng nguyên tử như một nguồn năng lượng lâu dài hơn. Nước này cũng giáp với Tân Cương, nơi Bắc Kinh đang bị phương Tây cáo buộc có các chính sách cứng rắn đối các nhóm dân tộc thiểu số.

Theo tờ The Diplomat, đối với mối quan hệ Trung Quốc - Nga, khu vực Trung Á cũng đóng vai trò là vùng đệm quan trọng trong khi có một số người lo ngại việc Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng ngày càng tăng tại Trung Á có thể là mối đe dọa đối với Nga. Song, trước mắt, khu vực Trung Á đủ lớn và lợi ích của Moscow - Bắc Kinh đủ phù hợp để họ chưa phải đọ sức với nhau trong khu vực này.

Đối với phương Tây, chuyến đi tới Uzbekistan dự thượng đỉnh SCO sẽ nhấn mạnh mục tiêu của ông Tập là vun đắp mối quan hệ an ninh chặt chẽ hơn với các nước không phải là đồng minh của Mỹ như một bức tường thành đối trọng những nỗ lực của phương Tây nhằm kiềm chế Trung Quốc, tờ Wall Street Journal (WSJ) dẫn nhận định của nhiều quan chức Trung Quốc cho hay.

Như vậy, qua phân tích của nhiều chuyên gia, có thể thấy, chuyến công du tới Trung Á lần này của Chủ tịch Tập Cận Bình vừa gia tăng được lợi ích của Bắc Kinh tại khu vực và vừa nhằm gửi đi nhiều tín hiệu với cả nội bộ Trung Quốc cũng như cộng đồng quốc tế.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.