Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông), năm 2023 đơn vị đã giải ngân 20.219 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 98% trên tổng số vốn có thể giải ngân (20.587 tỷ đồng), khối lượng này gấp 4 lần khối lượng giải ngân năm 2022.
Nhiều dự án đã được khởi công như xây dựng nút giao thông An Phú, mở rộng QL50, đường nối Trần Quốc Hoàn…, đặc biệt là dự án xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM.
Nối tiếp kết quả của năm 2023, năm 2024 là năm của chất lượng và tiến độ công trình, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Do đó, Ban Giao thông tiếp tục triển khai những dự án giao thông có quy mô lớn, dự án trọng điểm quốc gia (Vành đai 3 TP.HCM, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, Xây dựng đường Vành đai 2 đoạn 1, đoạn 2, xây dựng cầu đường Nguyễn Khoái...).
Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, năm 2024 được xác định là năm nhiều khó khăn thách thức đối với Ban, do khối lượng công việc lớn đòi hỏi nguồn nhân lực, năng lực và sự cố gắng vượt bậc trong công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành dự án của Ban.
Mặt khác, yêu cầu ngày càng cao của lãnh đạo và người dân thành phố đối với việc phát triển hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông về tiến độ, chất lượng công trình. Do đó, Ban sẽ khắc phục những tồn tại trong công tác quản lý dự án, đảm bảo các dự án được triển khai đúng tiến độ, chất lượng và hiệu quả.
Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị Ban Giao thông tổ chức chặt chẽ các ban, phòng, bộ phận làm việc chuyên nghiệp, phối hợp chặt chẽ với các sở ngành; đẩy mạnh ứng dụng phương pháp quản lý mới, công nghệ tiên tiến, hiệu quả để giảm nhân sự nhưng vẫn đảm bảo khối lượng công việc.
Theo ông Mãi, năm 2024, Ban Giao thông cần xác định nhiệm vụ GPMB là quan trọng, rà soát vướng mắc ở đâu, khó khăn giải quyết ra sao để thực hiện ngay từ đầu năm. Các dự án khởi công, đặc biệt các dự án trọng điểm phải hoàn thành trong năm nay yêu cầu từng người phụ trách lên kế hoạch chi tiết để giám sát.
Đồng thời nhanh chóng kết thúc các dự án kéo dài, để có kinh phí quản lý dự án mới nâng cao năng suất, hiệu quả. Những dự án bị kéo dài càng tăng thêm chi phí. Do vậy chậm nhất đến tháng 6/2024 phải xong công tác GPMB đối với các dự án đang bị vướng mặt bằng.
Mục tiêu năm 2024, Ban giao thông tiếp tục triển khai đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án. Cụ thể là trình phê duyệt dự án và điều chỉnh: 24 dự án (9 dự án phê duyệt, 15 dự án phê duyệt điều chỉnh); khởi công 29 gói thầu, dự án với các dự án trọng tâm như: xây dựng cầu đường Nguyễn Khoái (quận 1, 4, 7); xây dựng đường Vành đai 2 đoạn 1 và 2. (phụ thuộc vào tiến độ bàn giao mặt bằng của các địa phương và bố trí bổ sung vốn trung hạn 2021-2025).
Thi công hoàn thành 38 dự án, gói thầu. Với các dự án trọng tâm như: xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa, quận Tân Bình; hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ; xây dựng cầu Nam Lý (thay thế đập Rạch Chiếc); xây dựng cầu Rạch Đỉa, Quận 7 - Huyện Nhà Bè; Mở rộng, nâng cấp đường Dương Quảng Hàm (đoạn từ Quận Bình Thạnh đến Công viên Văn hóa); mở rộng đường Tân Kỳ - Tân Quý, quận Bình Tân; mở rộng đường Đồng Văn Cống (đoạn từ cầu Giồng Ông Tố 2 đến nút giao thông Mỹ Thủy).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận