Theo ông Khuất Việt Hùng, người đi bộ phớt lờ hầm đường bộ do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu do chưa hình thành thói quen đi bộ an toàn, ngại xuống hầm vì lo không đảm bảo an ninh, vệ sinh. “Hôm qua, Ủy ban ATGT Quốc gia đã tổ chức phát động Tháng hành động đi bộ đến trường an toàn cho trẻ em. Đây là việc làm để khởi động cho chương trình Đi bộ an toàn 2014 - 2016. Tới đây Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lĩnh vực này để người tham gia giao thông nhận thức rõ tầm quan trọng trong việc sử dụng hầm đường bộ và tham gia giao thông an toàn”, ông nói.
Theo Điều 9 Nghị định 171 năm 2013, nếu người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ với các hành vi không đi đúng phần đường quy định, vượt qua dải phân cách; đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn sẽ bị xử phạt hành chính, cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50 nghìn đồng đến 80 nghìn. Còn theo Điều 203 Bộ luật Hình sự 1999, nếu người đi bộ sai luật mà gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt tương ứng với mức độ vi phạm.
Dù đã có quy định rõ trong luật, tuy nhiên, thực tế gần như các lực lượng tuần tra, kiểm soát trên đường không xử phạt mà chỉ áp dụng biện pháp nhắc nhở người đi bộ không đúng quy định.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, Thượng uý Đào Việt Long - Đội trưởng Đội CSGT số 6, Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (Công an Hà Nội), cho biết: “Hành vi người đi bộ băng qua đường ở những nơi có hầm đường bộ, theo Luật GTĐB đã có chế tài quy định cụ thể. Tuy nhiên, quá trình tuần tra kiểm soát, chúng tôi chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở, tuyên truyền chứ chưa xử phạt”.
Lý giải về điều này, Thượng úy Long cho rằng, đối với người đi bộ, ngoài chứng minh nhân dân ra họ không có giấy tờ nào khác, khiến việc xử lý rất khó khăn.
Lê Tươi
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận