Chiếc xe open tour này “dịch chuyển” vị trí đậu đỗ tiếp nhận hàng hóa và đón trả khách ra giữa bãi đất trống gần Siêu thị BigC, chiều 13/11 |
Gần 2 tuần sau loạt bài “Xe trá hình phá tuyến cố định miền Trung” trên Báo Giao thông, các cơ quan chức năng của Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng đã vào cuộc điều tra, xử lý. Tuy nhiên, tình trạng mới chỉ vãn hồi, chưa thực sự có “thuốc đặc trị” xử lý triệt để.
Xe trá hình vẫn ngang nhiên hoạt động
Những ngày qua, các nhà xe vẫn núp bóng du lịch, ngang nhiên bỏ bến hoạt động trá hình trên địa bàn Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế. Ghi nhận của PV Báo Giao thông trên địa bàn Thừa Thiên - Huế, các nhà xe: Camel, Hưng Thành, Open Tour, Thế Sinh, Hanh Café, xe VIP du lịch 8 chỗ ngồi (tuyến Huế - Đà Nẵng)… hoạt động theo hướng đối phó, tinh vi hơn. Thay vì đón trả khách tại các “điểm nhạy cảm” văn phòng bán vé, các xe này dịch chuyển ra một vài địa chỉ khác tại các khu đất trống, gara- rửa xe, cây xăng dầu nhưng vẫn trong nội đô TP Huế trên các tuyến đường: Bà Triệu, Phong Châu, Phạm Văn Đồng…Một số nhà xe còn “trưng dụng” bãi đất của Trung tâm Thi đấu thể thao thuộc quản lý của Nhà nước.
Ông Lê Thế Bính, Chánh Thanh tra Sở GTVT Thừa Thiên - Huế cho hay, trước đây TTGT vào kiểm tra, xử phạt, họ “trưng” ra hợp đồng được cho thuê sân đậu đỗ. Sau đó, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu Trung tâm Thi đấu thể thao tỉnh chấm dứt hợp đồng nói trên, nhưng rút cuộc xe vẫn vào đậu đỗ. “Các thành viên Ban ATGT vừa rồi cũng đề nghị UBND tỉnh yêu cầu Trung tâm này không cho xe vào đậu đỗ, mà “trả” về Bến xe phía Bắc, Bến xe phía Nam TP Huế…”, ông Bính nói.
Trong khi đó, theo Thiếu tá Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Phòng CSGT (Công an Thừa Thiên - Huế) lực lượng CSGT chủ yếu xử lý vi phạm trên đường. Còn việc xử lý các xe “hợp đồng, du lịch” không vào bến xe theo quy định mà đậu đỗ trong các cây xăng, bãi đất trống, Trung tâm thi đấu thể thao… trước hết là trách nhiệm của chính quyền địa phương, cơ quan quản lý Nhà nước.
Thừa Thiên - Huế được đánh giá khá rốt ráo xử lý vấn nạn xe trá hình thời gian qua với hàng loạt chuyên đề, phối hợp tổng lực, sử dụng nhiều biện pháp như ghi hình, phạt nguội… Tuy nhiên, theo đại diện cơ quan chức năng, nạn xe dù, bến cóc, xe trá hình vẫn núp bóng, ngang nhiên hoạt động. Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng chỉ rõ, dù UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc nhưng tình trạng phương tiện chạy sai luồng tuyến, đón trả khách sai quy định diễn ra phổ biến và công khai, đặc biệt là các loại xe du lịch (open tour) chạy theo hợp đồng nhưng hoạt động như xe chạy tuyến cố định… vẫn tái diễn và ngày càng gia tăng, do công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện chưa được các ngành chức năng quan tâm đúng mức, giải pháp thực hiện chưa đồng bộ.
Xe “hợp đồng, du lịch”… dịch chuyển địa điểm đón trả khách, hàng hóa xuống cây xăng trên đường Phạm Văn Đồng, TP Huế (chụp ngày 11/11) |
Cách nào “đặc trị” xe trá hình?
Lãnh đạo Phòng CSGT Thừa Thiên - Huế mới đây đề xuất tỉnh nên chỉ đạo lực lượng chuyên trách như TTGT lập kế hoạch trinh sát, nếu phát hiện xe nào vi phạm nhiều lần, có căn cứ thì đình chỉ hoạt động. Tuy nhiên, phía Thanh tra Sở lại cho rằng, việc này không khả thi, vì TTGT không có chức năng điều tra mà chỉ thanh, kiểm tra.
Theo ông Bính, đơn vị đang chuẩn bị mở đợt cao điểm theo chỉ đạo của Bộ GTVT và Thanh tra Bộ GTVT, đồng thời đang xây dựng kế hoạch ra quân liên ngành Công an - Giao thông theo chỉ đạo của UBND tỉnh. “Chúng tôi sẽ thanh, kiểm tra sâu hơn chứ không chỉ kiểm tra, xử lý lỗi vi phạm đậu đỗ đón trả khách mà có thể kiểm tra sổ sách, giấy tờ luôn… Thanh tra Sở GTVT Thừa Thiên - Huế cho rằng, khó dẹp xe khách trá hình thời gian qua là do cứ “nhùng nhằng” giữa hai quan điểm đảm bảo TTATGT và phát triển du lịch. Hơn nữa nhiều “thượng đế” không ủng hộ lực lượng chức năng và a dua, tiếp tay cho nhà xe.
“Theo tôi, nên chỉ đạo địa phương, cảnh sát khu vực xử lý các xe này đậu đỗ, đón trả khách gây mất ANTT, ATGT và vệ sinh môi trường. Chỉ cần làm nghiêm ở cơ sở, những nhà xe này sẽ “sợ”, không dám tái phạm”, ông Bính nói.
Sáng 3/12, gọi vào các số điện thoại đặt vé của hai nhà xe Xuân Tùng, Đình Nhân (đều chạy tuyến Đà Nẵng - TP HCM), PV vẫn được hướng dẫn đến bến cóc tại đường Điện Biên Phủ (Q Thanh Khê) lên xe đi, không cần mua vé. Nhà xe Xuân Tùng đăng ký tuyến từ Bến xe Đức Long nhưng không hề lập phòng vé, không vào bến. Xe Đình Nhân đăng ký tuyến tại Bến xe Đà Nẵng, lập phòng vé nhưng gần như bỏ hoang. Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Viết Hoàng, TGĐ Công ty CP Vận tải và quản lý bến xe Đà Nẵng nói: “Chúng tôi biết các xe trên chạy ngoài, nhưng không thể xử lý được. Đơn vị chỉ xử lý các xe vi phạm trong bến. Còn các xe vi phạm ngoài bến thuộc thẩm quyền xử lý của Sở GTVT và TTGT thành phố”. Việt - Nhân |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận