Y tế

Chưa hết sốt xuất huyết lại sang tay chân miệng, cha mẹ cần lưu ý điều này

13/05/2022, 09:50

Hiện sốt xuất huyết và tay chân miệng cùng bùng phát, các phụ huynh cần phân biệt rõ, để có hướng xử trí tốt nhất, tránh biến chứng cho trẻ nhỏ.

Tăng mạnh sốt xuất huyết và tay chân miệng ở trẻ nhỏ

Theo Sở Y tế TP.HCM, tính từ đầu năm đến nay, trong số hơn 7 nghìn ca sốt xuất huyết có 158 ca nặng (tăng gấp 5 lần) và 6 ca tử vong (tăng gấp 2 lần) so với cùng kỳ năm 2021. Còn số ca mắc tay chân miệng trong 1 tuần gần đây đã ghi nhận tăng gấp 4 lần so với 4 tuần trước đó.

BS. Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (Bình Chánh, TP.HCM), ngoài các ca sốt xuất huyết, gần đây, bệnh viện mỗi ngày tiếp nhận từ 30-40, cao điểm có ngày lên 50 ca khám và điều trị tay chân miệng.

Nguyên do là các cháu đi học trở lại, khả năng lây bệnh tại trường lớp tăng, kéo theo số ca nhập viện cũng tăng theo, tỷ lệ chiếm khoảng 15%; Có ca nặng phải dùng thuốc chống viêm, hỗ trợ hô hấp và điều trị tích cực mới cứu sống được trẻ.

img

Gia tăng sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ, có nhiều ca trở nặng

Do có nhiều dấu hiệu lâm sàng khá tương đồng, lại diễn ra đồng thời, đặc biệt là ở trẻ nhỏ nên bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết có thể khiến phụ huynh nhầm lẫn, bối rối khi nhận biết.

Theo BS. Tiến, sốt xuất huyết hay tay chân miệng đều là bệnh truyền nhiễm, do vậy biểu hiện đầu tiên ở người bệnh là sốt, sau đó là phát ban. Tuy nhiên, sốt xuất huyết thì sốt kèm theo nổi ban màu đỏ, còn bệnh tay chân miệng thường nổi hồng ban rải rác trong miệng, trong lòng bàn tay, bàn chân. Khi trẻ mắc bệnh thường quấy khóc.

Điều kiện bùng phát dịch sốt xuất huyết và dịch tay chân miệng cũng có nét tương đồng, đều vào mùa mưa nắng đan xen thất thường. Vì dịch bệnh diễn ra đồng thời nên mọi người cần chú ý phân biệt rõ hai bệnh này, để có hướng xử trí tốt nhất và tránh biến chứng cho bệnh nhân, đặc biệt là trẻ nhỏ.

Khi nào trẻ cần ngay lập tức nhập viện?

BS. Nguyễn Minh Tiến lưu ý, với bệnh tay chân miệng, nếu trẻ vẫn sốt cao kéo dài sang ngày thứ 2 nên đi khám bác sĩ, định bệnh thích hợp. Biến chứng tay chân miệng bao gồm biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp, thường xuất hiện sớm khoảng từ ngày 2 đến ngày 5 của bệnh.

Các biến chứng thần kinh thường sớm và có các biểu hiện như: Giật mình chới với (thường khi bắt đầu thiu thiu ngủ), ngủ nhiều, li bì, run tứ chi, đi đứng loạng choạng, yếu tay, yếu chân… Đây là những dấu hiệu báo động trẻ trở nặng, cha mẹ ngay lập tức đưa trẻ nhập viện ngay cả trong đêm, luôn có bác sĩ trực 24/24 h tại các khoa Nhi.

img

Dấu hiệu nhận biết trẻ mắc tay chân miệng

Còn với trẻ mắc sốt xuất huyết, biểu hiện sốc thường xảy ra từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 từ lúc bệnh bắt đầu khởi phát, các triệu chứng sốc, bao gồm: trẻ từ trạng thái tỉnh táo bỗng trở nên lừ đừ, vật vã; trẻ có những cơn đau bụng dữ dội; tay, chân lạnh; da trẻ đổi màu, trở nên bầm bầm, môi xám lại. Trẻ tiểu ít hoặc không tiểu chút nào. Trẻ bắt đầu có biểu hiện khát nước, đây là hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp, nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Chăm sóc trẻ sốt xuất huyết hoặc tay chân miệng ở nhà, cần lưu ý điều gì?

Theo các bác sĩ Nhi khoa, vì bệnh tay chân miệng ở trẻ em hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị và vaccine phòng ngừa, nên bác sĩ có thể kê đơn paracetamon hoặc ibuprofen hạ sốt cho bệnh nhi. Trong quá trình chăm sóc bé, thân nhân nên lưu ý đến chế độ dinh dưỡng hợp lý vì bệnh nhi đang có các vết loét trong miệng nên dễ biếng ăn.

Theo đó, cha mẹ nên lựa chọn những thực phẩm kích thích sự ngon miệng, có tính mát, chứa nhiều vitamin như rau dền đỏ, rau mồng tơi...; Bổ sung thực phẩm giàu kẽm giúp tăng sức đề kháng và mau lành các vết loét trong miệng như: hải sản, các loại đậu, lòng đỏ trứng gà, thịt nạc...; Cho trẻ uống thêm vitamin và khoáng chất theo chỉ định của bác sĩ.

Cha mẹ không nên kiêng khem để đề phòng suy dinh dưỡng mà cho trẻ ăn uống theo nhu cầu, sau khi ăn bệnh nhi cũng cần súc miệng thật sạch. Đối với trẻ còn nhũ nhi thì cho vẫn bú như bình thường, có thể tăng số lần vì mỗi cữ trẻ bú không được nhiều.

Với chăm sóc trẻ mắc sốt xuất huyết, BS. Tiến đặc biệt lưu ý cha mẹ không nên cạo gió, cắt lể vì sẽ làm đau và có thể gây chảy máu, nhiễm trùng cho trẻ; Không cho trẻ uống những loại nước có màu, có ga, nước ngọt vì có thể gây nhầm lẫn với tình trạng xuất huyết tiêu hóa ở trẻ.

Bên cạnh đó, cha mẹ không cho trẻ sốt xuất huyết truyền dịch tại các phòng khám tư hoặc cơ sở y tế không đủ điều kiện, vì đã có nhiều trường hợp truyền dịch không đúng làm bệnh trở nặng và kéo dài, dễ gây phù nề, suy tim nặng... khi chuyển đến bệnh viện thì đã quá trễ không thể cứu sống được trẻ.

Tuyệt đối không được tự ý dùng kháng sinh vì sốt xuất huyết là sốt do virus nên kháng sinh không có tác dụng. Chỉ được dùng kháng sinh khi có bội nhiễm và do bác sĩ chẩn đoán và chỉ định dùng thuốc. Đồng thời, không dùng aspirin hạ sốt vì chất này sẽ làm rối loạn đông máu gây chảy máu kéo dài rất nguy hiểm cho người bị sốt xuất huyết, đặc biệt là trẻ em.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.