Lúc nào cũng đeo khẩu trang vì tự ti nám đen mặt
Chỉ đến khi ngồi đối diện với bác sĩ, chị Nguyễn Thị Kh. (Hoàng Mai, Hà Nội) mới bỏ khẩu trang bịt kín mặt ra. Khắp hai bên gò má chị loang lổ đốm trắng, đốm xám. Theo lời chị Kh., gần năm nay đi đâu chị cũng bịt kín khẩu trang vì “không hiểu sao càng chữa thì vết nám lại càng tồi tệ đến thế”.
Sau khi sinh con thứ hai, trên gò má chị Kh. bắt đầu lốm đốm vết nám, nhưng chị cũng không lưu tâm mấy vì bận chăm con. Thế nhưng, khi con tròn năm thì nám má càng sậm màu khiến chị không còn tự tin mỗi khi ra ngoài. Lang thang trên mạng, chị đọc không biết bao nhiêu chỉ dẫn cách chữa nám. “Sản phẩm nào người bán cũng khẳng định chữa khỏi dứt điểm. Mình lựa chọn loại thuốc bôi được quảng cáo làm từ nguyên liệu thiên nhiên như lá trầu không, hay dược liệu đông y. Ban đầu cũng thấy da sáng lên nhưng càng bôi càng không thể ngờ kết quả thế này”, chị Kh. chia sẻ và cho biết, sau một năm bôi nhiều loại kem trị nám có nguồn gốc nguyên liệu thảo dược, chị Kh. đành tìm đến bác sĩ da liễu để thăm khám.
Khác với chị Kh., chị Trần Hương M. (Đống Đa, Hà Nội) sau khi dùng khá nhiều loại kem trị nám kể cả hàng “xịn” xách tay từ Pháp về nhưng không hiệu quả, lại quyết định chữa nám bằng laser tại một cơ sở thẩm mỹ viện. Chị M. chia sẻ, những ngày đầu đốm nám giảm màu hẳn, chị mừng khôn xiết. Thế nhưng, “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, chỉ thời gian ngắn sau đó, những đốm nám lại sậm màu mà tệ hơn là xen kẽ còn có nhiều đốm sẹo trắng như “hoa cà, hoa cải” do đốt laser để lại.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, Ths. BS. Đặng Bích Diệp, BV Da liễu T.Ư cho biết: “Những ca bệnh như trên rất thường gặp ở BV Da liễu T.Ư. Nhiều trường hợp điều trị tại cơ sở ngoài bằng các sản phẩm bôi không rõ nguồn gốc, hoặc laser không phù hợp gây ra tình trạng tăng sắc tố sau viêm, làm mặt sậm màu nặng nề hơn, một số để lại sẹo trắng, mất sắc tố loang lổ khắp mặt”.
Như với bệnh nhân đắp lá trầu không, với hi vọng mờ nám, sáng da, nhưng không ngờ lại làm da tăng sắc tố sau viêm, gây loang lổ khắp vùng má. Bệnh nhân này được bác sĩ chỉ định điều trị kéo dài, tiến triển chậm, cần kiên trì.
Tại đây cũng tiếp nhận không ít bệnh nhân dùng kem trộn nhằm chữa nám nhưng để lại hậu quả như nám mảng sậm màu, da đỏ, phù nề, giãn mạch, nóng rát… “Hầu hết các loại kem trộn đều không rõ nguồn gốc vì khi bệnh nhân đến khám có mang mẫu thuốc bôi đến thì không có bao bì, hoặc có nhãn mác nhưng không ghi rõ thành phần…”, BS. Diệp cho biết.
Nám da khó chữa dứt điểm
Theo BS. Diệp, cần phải hiểu rõ nguyên nhân gây nám má mới có được giải pháp điều trị. Vì mỗi loại nám cần 1 phương án xử trí, điều trị khác nhau.
Nám là bệnh da tăng sắc tố mắc phải với biểu hiện là các dát hoặc mảng màu nâu đen đối xứng ở vùng tiếp xúc với ánh nắng mặt trời như: Hai má, môi trên, cằm, trán. Bệnh lành tính nhưng ảnh hưởng đến tâm lý, thẩm mỹ của người bệnh. Thông thường có 3 thể: Rám má thượng bì với dát màu nâu, vàng nâu; Rám má trung bì với dấu hiệu dát màu xanh, kích thước nhỏ và rám má hỗn hợp: Tổn thương khu trú cả ở thượng bì và trung bì, dát màu không đồng đều, chỗ nâu, đen, xanh đen xen kẽ.
“Nám má thường gặp ở phụ nữ, nước da sáng màu có tỷ lệ cao hơn, 30% có tiền sử gia đình bị rám má. Nguyên nhân thì có nhiều, có thể do ánh sáng mặt trời; hormone: phụ nữ có thai, uống thuốc tránh thai, nội tiết tố; tiếp xúc với một số hóa chất như công nhân ở nhà máy hóa dầu, sản xuất mỹ phẩm…”, BS. Diệp cho biết.
Việc điều trị cũng được chỉ định với từng loại nám, thông thường điều trị nguyên nhân nếu có, điều trị bằng kết hợp phòng tái phát, phối hợp điều trị nội khoa kết hợp với điện di, peel hoặc laser…
"Tùy độ nặng - nhẹ có thể điều trị đơn thuần 1 loại thuốc bôi hoặc kết hợp. Có thể gặp tác dụng phụ cần tư vấn của bác sĩ. Ngay với việc dùng laser để điều trị nám thì việc dùng loại laser nào, bước sóng, tần số ra sao để đạt hiệu quả rất quan trọng và cần được quyết định của bác sĩ có chuyên môn cao. Không phải các loại nám đều xử lý bằng 1 loại máy laser. Nếu không dễ “tiền mất, tật mang” như trường hợp bệnh nhân đã nêu trên”, BS. Diệp khuyến cáo.
Theo cảnh báo của các bác sĩ da liễu, với các phương pháp điều trị chưa được kiểm chứng, có thể gây biến chứng như viêm da tiếp xúc, tăng sắc tố sau viêm, da loang lổ… mất thẩm mỹ.
“Nám là bệnh khó điều trị, dễ tái phát. Ngoài việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ, liên quan như bệnh lý tuyến giáp, tránh thai, viêm nhiễm phần phụ…, tránh nắng tốt để hạn chế tiến triển của bệnh, người bệnh cần đến cơ sở chuyên khoa để thăm khám và tư vấn cụ thể, có thể điều trị bằng nhiều biện pháp như thuốc làm trắng sáng, peel, laser…”, BS. Diệp khẳng định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận