Tăng trưởng điện đạt 14,5%
Theo Báo cáo từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hai tháng đầu năm, tăng trưởng điện thương phẩm toàn quốc đã đạt 14,5%, cao gấp ba lần năm ngoái. Đáng chú ý, 2 nhóm khách hàng công nghiệp và khách hàng thương mại dịch vụ - nhóm tác động trực tiếp đến kinh tế xã hội, đều tăng trưởng 2 con số.
Mức tăng này ở thời điểm chưa vào cao điểm tiêu thụ điện mùa nắng nóng khiến lãnh đạo tập đoàn này lo lắng và cho rằng "vấn đề cung ứng, sử dụng điện trong năm 2024 trở nên cấp bách".
Số liệu từ Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công thương) cũng cho thấy, có những thời điểm, công suất tiêu thụ cực đại trong tuần đạt hơn 43.000 MW - cao nhất từ trước đến nay và lớn hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái (giai đoạn từ đầu năm 2023 đến 10/3/2023 đạt 38.753 MW).
Có ba nhóm nguồn năng lượng chính đối với hệ thống điện quốc gia là thủy điện, nhiệt điện và năng lượng tái tạo.
Thế nhưng, từ đầu năm, phần lớn các hồ thủy điện khu vực miền Bắc có lưu lượng nước về thấp, chỉ đạt khoảng 25-96% trung bình nhiều năm.
Các hồ thuỷ điện ở miền Trung và miền Nam cũng diễn biến tương tự. Tại miền Trung, có tới 19/27 hồ có lượng nước về chỉ đạt 17-94% trung bình nhiều năm; còn miền Nam, ngoại trừ Đồng Nai 2, Hàm Thuận và Đa Nhim, thì các hồ thủy điện còn lại đều có lượng nước về chỉ đạt 29-70% trung bình nhiều năm.
Đây là lý do các nhà máy Thủy điện phải hạn chế phát để chuẩn bị cho cung ứng điện mùa khô, và phục vụ sản xuất. Cũng vì thế, ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN cho biết, so với 2023, hiện nay EVN tập trung huy động lớn nguồn nhiệt điện, với mục tiêu vừa đảm bảo điện cho kinh tế xã hội, vừa đảm bảo nguồn nước cho sinh hoạt, sản xuất bởi dự kiến mùa khô năm nay kéo dài. Theo kế hoạch, nguồn nhiệt điện sẽ huy động với mức tăng trưởng 145% so với 2023.
Còn đối với năng lượng tái tạo, EVN sẽ huy động tối đa nguồn năng lượng này vào các ngày trong tuần, trừ các ngày thứ 7, chủ nhật và ngày lễ.
"Năm nay ngành điện sẽ huy động nguồn điện gió cao hơn năm ngoái 25% trong khi đó, nguồn điện mặt trời cũng sẽ được huy động cao hơn năm ngoái 19%", ông Lâm nói.
Giải pháp nào cho cung ứng điện mùa nắng nóng?
Trước thực tế này, Bộ Công thương đánh giá hệ thống điện vẫn phải đối mặt với nhiều nguy cơ nếu xảy ra các diễn biến bất thường như sự cố các nhà máy điện lớn dẫn đến sụt giảm công suất khả dụng, sự cố lưới điện 500-220kV... Dẫn báo cáo từ Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), theo Bộ Công thương, trong thời gian qua vẫn xảy ra hiện tượng thiếu hụt tổng sản lượng do sự cố và suy giảm công suất tại một số nhà máy nhiệt điện than do nguyên nhân nhân sự cố thiết bị như chạm đất rotor máy phát, lủng ống lò, sự cố hệ thống thải xỉ đáy lò...
Vì thế, để đảm bảo cung ứng điện mùa khô, Bộ Công thương yêu cầu các nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu khu vực phía Bắc (NMĐ Hòa Bình, NMĐ Sơn La, NMĐ Lai Châu) bám sát tình hình thủy văn, cập nhật thông tin từ nhiều nguồn như Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, các nhà máy thủy điện tại thượng nguồn phía Trung Quốc… để đề xuất và chủ động triển khai phương án vận hành phù hợp.
Đối với vấn đề điều tiết mực nước, các nhà máy cần tổng hợp báo cáo về tình hình thực tiễn, đảm bảo tính đa mục tiêu của các hồ thủy điện như Sơn La, Hòa Bình và nhiều hồ chứa lớn khác trong bối cảnh công tác cung ứng điện năm 2024 đối diện nhiều khó khăn.
"Các nhà máy thực hiện đúng kế hoạch sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị, tập trung vào tháng 3 và tháng 4 - trước cao điểm lũ, giúp các tổ máy duy trì trạng thái sẵn sàng cao nhất để đáp ứng cho công tác cung cấp điện mùa khô", Bộ Công thương lưu ý.
Các công ty điện lực được yêu cầu chủ động làm việc với các khách hàng sử dụng điện lớn, đặc biệt là các khách hàng thuộc các khu-cụm công nghiệp để kịp thời, thường xuyên cung cấp thông tin về tình hình cung ứng điện trên địa bàn để khách hàng chủ động kế hoạch sản xuất kinh doanh.
"Khẩn trương rà soát công tác bảo dưỡng, sửa chữa, chuẩn bị tốt các điều kiện để vận hành an toàn, ổn định; thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế tối đa sự cố; nâng cao chất lượng sửa chữa, bảo dưỡng", Bộ Công thương chỉ đạo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận