Đó là các dự án giao thông quy mô lớn sử dụng vốn ODA gồm: Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc, dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên, dự án phát triển GTVT khu vực Đồng bằng Bắc bộ, dự án xây dựng tuyến nối QL91 và tuyến tránh TP Long Xuyên.
Khởi công kênh nối Đáy - Ninh Cơ trong tháng 10/2020
Công trình sẽ khởi công đầu tiên, dự kiến ngay trong tháng 10/2020 là dự án phát triển GTVT khu vực Đồng bằng Bắc bộ (dự án WB6) - hạng mục kênh nối Đáy - Ninh Cơ trên địa bàn tỉnh Nam Định do Ban quản lý dự án (QLDA) Đường thủy làm đại diện chủ đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 1.837 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới (WB) và vốn đối ứng trong nước.
Thông tin với Báo Giao thông, ông Trần Quốc Bảo, Phó giám đốc Ban QLDA Đường thủy cho biết, công tác GPMB của dự án đã cơ bản hoàn thành.
Hiện nay, đơn vị đang hoàn thiện công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu xây lắp. “Cả 4 gói thầu xây lắp đã được Ban QLDA Đường thủy trình Bộ GTVT thẩm định, phê duyệt. Đến nay, dự án đã có kết quả lựa chọn nhà thầu của 2 gói thầu xây lắp. Dự kiến, các gói thầu đầu tiên sẽ khởi công xây dựng ngay trong trong tháng 10/2020”, ông Bảo nói.
Theo ông Bảo, dự án WB6 - hạng mục kênh nối Đáy - Ninh Cơ dự kiến thi công trong khoảng 3 năm với mục tiêu xây dựng kênh, âu tàu, cầu vượt âu tàu và đường dẫn nhằm kết nối sông Đáy với tuyến vận tải thủy ven biển qua cửa Lạch Giang (sông Ninh Cơ, Nam Định), phục vụ tàu pha sông biển trọng tải từ 2.000 DWT đầy tải đến 3.000 DWT giảm tải đi qua, góp phần phát triển vận tải thủy ven biển trên trục Bắc - Nam.
Ngược lên phía Bắc, dự án kết nối giao thông miền núi phía Bắc (tổng mức đầu tư hơn 5.300 tỷ đồng) sử dụng vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), vốn viện trợ của Chính phủ Úc và vốn đối ứng trong nước do Ban QLDA 2 triển khai cũng đang chuẩn bị hoàn thành công tác thiết kế kỹ thuật, tiến tới đấu thầu lựa chọn nhà thầu xây lắp để khởi công xây dựng.
Ông Lưu Việt Khoa, Phó giám đốc Ban QLDA2 cho biết, dự án có tổng chiều dài gần 200km, gồm 2 tuyến: Tuyến kết nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai dài khoảng 147km và tuyến kết nối Nghĩa Lộ (Yên Bái) với cao tốc Nội Bài - Lào Cai dài hơn 51km.
Công tác thiết kế kỹ thuật của dự án sử dụng nguồn vốn tài trợ của Chính phủ Úc được khởi động từ tháng 12/2019, đến nay, tư vấn thiết kế đã hoàn thiện hồ sơ thiết kế các yếu tố cơ bản của 2 gói thầu số 8 và 9.
“Ban QLDA2 đã rà soát hồ sơ và Bộ GTVT đã có văn bản chấp thuận, làm cơ sở triển khai cắm cọc GPMB và mốc lộ giới ngoài thực địa”, ông Khoa nói và cho biết, dự án có 11 gói thầu xây lắp, dự kiến các gói thầu xây lắp đầu tiên sẽ khởi công xây dựng vào cuối tháng 12/2020”, ông Khoa thông tin và cho biết, một công trình quy mô lớn khác do Ban QLDA2 thực hiện là dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (tổng mức đầu tư 3.600 tỷ đồng) sử dụng vốn vay WB cũng đang được gấp rút hoàn thiện thiết kế kỹ thuật để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu xây lắp.
“Dự án có 8 gói thầu xây lắp. Dự kiến, các gói thầu đầu tiên sẽ khởi công vào đầu năm 2021. Cả hai dự án của chúng tôi sẽ kết thúc thi công vào cuối năm 2022”, ông Khoa nhấn mạnh.
Thêm dự án giao thông lớn ở Tây Nam bộ
Đại diện Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT) cho biết, tại khu vực phía Nam, một dự án ODA lớn khác sử dụng vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đang được Tổng công ty Cửu Long gấp rút hoàn thiện thủ tục để chuẩn bị khởi công là dự án xây dựng tuyến nối QL91 và tuyến tránh TP Long Xuyên (tổng mức đầu tư 2.106 tỷ đồng) đi qua hai tỉnh An Giang và TP Cần Thơ.
Theo đại diện Cục QLXD&CLCTGT, về công tác GPMB, các địa phương đang chủ động triển khai công tác kiểm đếm, đo đạc trên cơ sở hồ sơ thiết kế cơ sở đã phê duyệt. Hiện tại, chính quyền các địa phương đã thu hồi đất được khoảng 16,4/17km (đạt 95%).
“Dự án đang triển khai công tác lựa chọn nhà thầu khảo sát, lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, dự kiến hoàn thành trong quý IV/2020 để khởi công xây dựng dự án trong quý I/2021 và hoàn thành trong năm 2023”, đại diện QLXD&CLCTGT thông tin.
Đánh giá về dự án này, ông Trần Văn Thi, Tổng giám đốc Tổng công ty Cửu Long cho biết, dự kiến cuối năm 2020, khi tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi được đưa vào khai thác thì tuyến nối QL91 và tuyến tránh TP Long Xuyên được xem là một mảnh ghép quan trọng để góp phần hoàn thiện bức tranh mạng lưới giao thông hiện hữu, thúc đẩy phát triển KT-XH và củng cố an ninh quốc phòng của An Giang, Cần Thơ nói riêng và khu vực Tây Nam bộ nói chung.
Đồng thời, dự án đầu tư tuyến QL91 và tuyến tránh TP Long Xuyên còn đáp ứng niềm mong mỏi bấy lâu của người dân tỉnh An Giang nói chung và TP Long Xuyên nói riêng nhằm giảm ùn tắc và TNGT trên QL91 đoạn qua TP Long Xuyên.
“Tổng công ty Cửu Long sẽ nỗ lực hết sức, phối hợp với tổ chức tư vấn, nhà thầu thi công để quản lý dự án đảm bảo an toàn, chất lượng và hoàn thành đúng tiến độ, để dự án sớm đưa vào khai thác và sử dụng, góp phần thúc đẩy và phát triển KT-XH và giao thông khu vực”, ông Thi nhấn mạnh.
Nỗ lực tối đa để khởi công sớm nhất
Tại cuộc họp mới đây về tình hình triển khai các dự án giao thông trọng điểm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã chỉ đạo Ban QLDA 2, Ban QLDA Đường thủy, Tổng công ty Cửu Long phải nỗ lực tối đa hoàn chỉnh các thủ tục để sớm khởi công xây dựng 4 dự án: Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc, dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên, dự án xây dựng tuyến nối QL91 và tuyến tránh TP Long Xuyên, dự án phát triển GTVT khu vực Đồng bằng Bắc bộ (WB6) hạng mục kênh nối Đáy - Ninh Cơ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận