Chuyện dọc đường

Chung cư cao tầng "bức tử" giao thông: Một tiền gà, ba tiền thóc

29/08/2017, 07:25

Nhà đầu tư chung cư, khu đô thị chỉ quan tâm lợi nhuận “khủng”, ùn tắc người dân chịu.

2

Rất nhiều chung cư mọc lên trên đường Lê Văn Lương kéo dài - Ảnh: Tạ Tôn

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến với các địa phương cuối năm 2016 đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề đang rất bức xúc trong dư luận, đó là công tác quản lý đô thị và yêu cầu các địa phương cần chấn chỉnh kịp thời, không để quá muộn.

Người đứng đầu Chính phủ còn cảnh báo, nếu không sớm khắc phục, sau này ngân sách Nhà nước đổ vào không thể đủ giải phóng mặt bằng, làm hạ tầng để chống ùn tắc giao thông. Nếu chúng ta không cấm xây chung cư cao tầng trong nội đô, hàng loạt dự án đô thị ven đô, khu đô thị vệ tinh sẽ không tiếp tục được, bị bỏ hoang.

Những năm gần đây, chung cư, tòa nhà cao tầng mọc lên nhan nhản trong nội đô Hà Nội, TP HCM. Dù ngân sách hạn hẹp, các thành phố này rất nỗ lực thu vén, đầu tư thêm nhiều tuyến giao thông mới. Nhưng đường vừa đưa vào khai thác đã bị chung cư, khu đô thị mới bủa vây và ngày càng quá tải, ùn tắc. Lấy ví dụ tuyến đường 70, trước đây cầu Tó thường xuyên ùn tắc, cũ kỹ chờ sập. TP Hà Nội đã phải bỏ ra hàng trăm tỷ đồng xây dựng mới cầu Tó. Nhưng người dân chưa kịp mừng hết cảnh ùn tắc, hàng chục tòa chung cư chọc trời đã mọc lên, trong đó có Khu đô thị Đại Thanh với hàng vạn dân, khiến khu vực này trở thành điểm đen ùn tắc nghiêm trọng nhất của Thủ đô. Với việc quá tải và ùn tắc nghiêm trọng này, thành phố lại phải tính toán mở rộng đường 70 hoặc đầu tư xây dựng thêm các tuyến đường mới để chia sẻ lưu lượng phương tiện.

Việc quy hoạch và đầu tư các khu đô thị mới, chung cư cao tầng hiện nay đang tồn tại quá nhiều bất cập theo kiểu “mạnh ai nấy chạy”. Nhà đầu tư chung cư, khu đô thị chỉ quan tâm lợi nhuận “khủng”, ùn tắc người dân chịu. Thực tế cho thấy, khi một tòa cao ốc, khu đô thị được xây dựng có thể Nhà nước thu thuế được 1 đồng, nhưng nếu cao ốc, khu đô thị đó mọc lên bất hợp lý, không phù hợp với quy hoạch giao thông đô thị thì Nhà nước phải bỏ ra 3 đồng cũng chưa chắc đã xử lý được ùn tắc giao thông.

Bởi thế, việc luật hóa quy định khi phê duyệt các dự án cao ốc, khu đô thị tại các thành phố lớn, nhất là những vị trí trong nội đô cần có đánh giá tác động giao thông như đánh giá tác động về môi trường. Chỉ có như vậy, mới giải quyết triệt để bài toán ùn tắc giao thông đô thị và hạn chế được tình trạng lãng phí tiền bạc của Nhà nước và xã hội.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.