Doanh nghiệp

Chung cư không đảm bảo PCCC, xử lý thế nào?

02/08/2016, 07:10

Không đảm bảo điều kiện phòng cháy chữa cháy (PCCC) song chủ đầu tư vẫn tự ý đưa dân vào ở.

10

Kiểm tra thiết bị PCCC tại tòa nhà Sông Đà, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội - Ảnh: K.Linh

Không đảm bảo điều kiện PCCC đã đưa dân vào ở

Cảnh sát PCCC TP Hà Nội vừa công bố danh sách 38 công trình nhà ở cao tầng trên địa bàn không đảm bảo điều kiện PCCC song đã đưa dân vào ở. Theo đó, các chủ đầu tư không thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về PCCC, cũng không tổ chức khắc phục các nội dung còn tồn tại, thiếu sót đã được cơ quan này kiến nghị.

"Cần có chế tài mạnh hơn nữa để ngăn ngừa tình trạng chủ đầu tư bất chấp công trình chưa đủ các điều kiện về an toàn PCCC đã đưa vào sử dụng như: Đình chỉ, tạm đình chỉ, kiên quyết không cấp điện, cấp nước sinh hoạt khi công trình chưa được nghiệm thu về PCCC”.

Bà Phạm Thị Hòa 
Phó chủ tịch UBND quận Hà Đông, Hà Nội

Khi biết chung cư nơi mình ở nằm trong danh sách trên, chị Nguyễn Thị Liên (Tòa CT1, Khu đô thị Xa La, Phường Phúc La, Hà Đông) bức xúc: “Tại sao chưa được cấp phép đã bàn giao cho người dân sống? “. Qua đây, dư luận cũng đặt câu hỏi chủ đầu tư vi phạm sẽ bị xử lý ra sao: “Nếu chung cư nào chưa được nghiệm thu về PCCC, mà chủ đầu tư đã đưa dân vào ở, phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Chứ với quy định hiện hành, chỉ phạt khoảng 50-80 triệu đồng, trong khi chi phí hoàn thiện hệ thống PCCC lên tới hàng tỷ đồng thì chủ đầu tư thà chịu phạt còn hơn”, anh Nguyễn Bảo Nam, cư dân tại Chung cư Ngọc Khánh, Q Ba Đình chia sẻ.

Thừa nhận tình trạng chủ đầu tư “nhờn luật”, chấp nhận chịu phạt để tồn tại, Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Phó giám đốc Cảnh sát PCCC TP Hà Nội cho biết, dù đã xử phạt chủ đầu tư ở mức cao nhất song vẫn rất khó để giải quyết triệt để khi không thể di dân. Về nguyên tắc, công trình phải được nghiệm thu đảm bảo điều kiện PCCC mới được đưa dân vào ở, song thực tế khó có thể kiểm soát khi chủ đầu tư tự ý bàn giao nhà mà không báo cáo.

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục công khai các công trình vi phạm. Hướng xử lý trước mắt vẫn là yêu cầu chủ đầu tư nhanh chóng thực hiện tất cả những kiến nghị tồn đọng của cơ quan chức năng, tăng cường trang bị phương tiện để kiểm soát tình trạng cháy nổ. Phải báo cáo phương án thi công cụ thể với cơ quan chức năng, thông báo cụ thể tới từng hộ dân để họ biết và phối hợp thực hiện nhằm đảm bảo an toàn”, Đại tá Sơn cho biết.

Trước câu hỏi thời hạn khắc phục có ban hành kèm theo quyết định xử phạt, Đại tá Sơn thông tin: “Chắc chắn phải ra thời hạn với chủ đầu tư, song trong bao lâu thì còn tùy thuộc vào công trình cụ thể”.

Quy trình kiểm tra phức tạp?

Trong danh sách 38 nhà cao tầng không đảm bảo điều kiện PCCC, có tới 15 công trình thuộc chủ đầu tư của Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên. Khi được hỏi, đại diện doanh nghiệp này chia sẻ ngắn gọn: “Cố hoàn thiện để nghiệm thu nhưng không được phải chịu thôi(!?)”.

Một chủ đầu tư khác, Công ty CP Đầu tư Hải Phát cũng có hai công trình nằm trong danh sách là tòa nhà chung cư The Pride (Khu đô thị An Hưng, phường La Khê, Hà Đông) và tòa CT02 AB (Khu đô thị Tân Tây Đô, Đan Phượng). Về nguyên nhân, đại diện công ty cho biết: “Cả 2 dự án đều làm dưới dạng cuốn chiếu, khi bàn giao chỉ còn một số hạng mục chưa hoàn thiện. Trong khi đó, thời gian chờ kết quả nghiệm thu của cơ quan chức năng PCCC cũng khá lâu. Tới thời điểm này, hai dự án đều đã qua một đợt nghiệm thu từ tháng 9/2015. Từ đó cho tới nay cũng đã qua hai lần kiểm tra. Hiện, những yêu cầu của lực lượng chức năng chúng tôi vừa đáp ứng xong. Trong tháng 8 sẽ tiếp tục mời cơ quan PCCC nghiệm thu lại”.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Hà Nội thừa nhận, trước sức ép của khách hàng, chủ đầu tư không thể đợi kết quả nghiệm thu PCCC buộc phải bàn giao đưa vào sử dụng. Theo ông Cường, hiện các chủ đầu tư cũng đang gặp khó khi hoàn thiện quy trình thủ tục nghiệm thu PCCC. “Hành lang pháp lý chưa rõ ràng, rất khó cho chủ đầu tư biết thế nào là đầy đủ hồ sơ pháp lý... Thực tế có câu chuyện - nếu chủ đầu tư có tình cảm quan hệ tốt sẽ được cán bộ PCCC kiểm tra nhẹ nhàng, thậm chí có thể bỏ qua một số khâu. Ngược lại, nếu chủ đầu tư không tận tình chu đáo, quy trình kiểm tra rất khó khăn”, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Hà Nội chia sẻ.

Nói về chất lượng hệ thống PCCC tại chung cư hiện nay, ông Cường nhận định: “Thời gian vừa qua, sự cố cháy nổ tại chung cư đều do chất lượng thiết bị cảnh báo cháy không đảm bảo, nên khi đám cháy bùng to, lan rộng, lực lượng cứu hỏa tới thì cũng đã muộn. Vậy mà khi quyết định danh mục đầu tư, vì lợi nhuận, một số chủ đầu tư vẫn lựa chọn thiết bị PCCC không có nguồn gốc xuất xứ, hoặc có nguồn gốc nhưng là loại rẻ tiền gây khó cho cơ quan thẩm định”. Qua đây, ông Cường kiến nghị: “Cơ quan chức năng cần quy định cụ thể rõ ràng về chỉ tiêu kỹ thuật, nguồn gốc đối với các thiết bị PCCC áp dụng cho các loại công trình xây dựng”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.