Thị trường chứng khoán 14/4 được dự báo có thể đối mặt với áp lực điều chỉnh (ảnh minh họa)
Bước sang phiên chiều 14/4, VN-Index nhanh chóng lấy lại sắc xanh sau gần 30 phút giao dịch. Bên mua chiếm được ưu thế đã giúp chỉ số “leo” một mạch lên mức cao nhất ngày, đồng thời thiết lập đỉnh lịch sử mới. Kết phiên, VN-Index tăng 7,54 điểm (tương đương 0,6%) lên 1.255,87 điểm. Tổng KLGD đạt hơn 861,954 triệu đơn vị, giá trị hơn 19.345 tỷ đồng.
Những cổ phiếu tác động tích cực nhất tới chỉ số thuộc về HPG tăng 5,79%, MSN tăng trần 6,9%, VCB tăng 1,23%, NVL tăng 3,62%, CTG tăng 1,66%, EIB tăng trần 6,99%, BID tăng 0,8%, VPB tăng 0,8%, GAS tăng 0,58%...
Ở chiều ngược lại, “ông lớn” VIC sau 2 phiên “bùng nổ” đã quay đầu điều chỉnh giảm 0,5% xuống 140.000 đồng/CP. Hai cổ phiếu họ “Vin” khác là VHM, VRE cũng lần lượt giảm 1,95% và 0,85%.
Ngoài ra, hiện sắc đỏ còn VNM, SAB, GVR, BVH… nhưng mức giảm không quá lớn. Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index cũng có diễn biến khởi sắc và đóng cửa tăng 2,64 điểm (tương đương 0,9%) lên 294,83 điểm. Đóng vai trò chính hỗ trợ cho chỉ số của sàn phải nhắc đến SHB tăng 1,18%, VCS tăng 3,05%, PVS tăng 2,16%, SHS tăng 1,92%, THD tăng 0,93%, PVI tăng 0,6%... Còn chỉ số UPCoM-Index tăng 0,27 điểm (tương đương 0,32%) lên 83,4 điểm.
Trước đó, mở cửa phiên sáng ngày 14/4, chỉ số sàn HOSE nhập cuộc với nhịp giảm mạnh xuống gần ngưỡng 1.230 điểm cùng sắc đỏ bao trùm thị trường. Những phút tiếp theo, lực cầu gia tăng đã giúp VN-Index thu hẹp đà giảm, thậm chí có thời điểm vượt lên trên tham chiếu.
Mặc dù vậy, chỉ số lại “đuối sức” về cuối phiên sáng và tạm nghỉ giảm 4,76 điểm (tương đương 0,38%) xuống 1.243,57 điểm. Trên HNX, chỉ số HNX-Index liên tục trồi sụt, chốt phiên sáng giảm 0,79 điểm (tương đương 0,27%) xuống 291,4 điểm. Chỉ số UPCoM-Index giảm 0,3 điểm (tương đương 0,37%) xuống 82,83 điểm.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 13/4, chỉ số VN-Index giảm 4,12 điểm (tương đương 0,33%) xuống 1.248,33 điểm. Tổng KLGD đạt hơn 1,027 tỷ đơn vị, giá trị hơn 23.470 tỷ đồng.
Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index giảm 3,35 điểm (tương đương 1,13%) xuống 292,19 điểm. Chỉ số UPCoM-Index giảm 0,97 điểm (tương đương 1,16%) xuống 83,13 điểm.
Bản tin phân tích của Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, sau động thái tăng mạnh vượt vùng cản 1.245-1.250 điểm, VN-Index rơi vào trạng thái tranh chấp với áp lực chốt lời ngắn hạn tăng đáng kể.
Mặc dù áp lực chốt lời khá lớn nhưng mức giảm của chỉ số trong phiên ngày 13/4 chỉ dừng ở mức thấp, cho thấy dòng tiền vẫn đang hỗ trợ thị trường và động thái lùi bước hiện tại mang tính chất kiểm tra lại vùng 1.245-1.250 điểm.
Nhà đầu tư được khuyến nghị tạm thời nên chậm lại, quan sát động thái giao dịch của thị trường, tránh rơi vào trạng thái quá mua sớm và chờ tín hiệu hỗ trợ cụ thể tại vùng 1.245-1.250 điểm.
Còn theo dự báo của Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), VN-Index có thể đối mặt với áp lực điều chỉnh trong một vài phiên trước khi quay lại đà tăng điểm ngắn hạn.
Về tổng thể, chỉ số vẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng điểm và hướng đến thử thách vùng kháng cự 1.275-1.300 điểm trong ngắn hạn.
Ngoài ra, dòng tiền nội vẫn là động lực chính hỗ trợ cho diễn biến thị trường trong giai đoạn này. Dòng cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là các cổ phiếu dẫn dắt sẽ luân phiên tăng điểm để hỗ trợ thị trường.
Chiến lược đầu tư được đưa ra là duy trì tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu trong danh mục ở mức 65-80% cổ phiếu. Các nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt lớn có thể xem xét mở các vị thế mua nâng tỷ trọng cổ phiếu trong các phiên thị trường điều chỉnh.
Đối với các nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao có thể tiếp tục canh bán trading giảm tỷ trọng các vị thế ngắn hạn khi thị trường tiếp cận vùng kháng cự 1.250-1.265 điểm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận