Phiên giao dịch cuối tuần ngày 27/3 khép lại ghi nhận nhịp tăng 3 phiên liên tiếp của chỉ số sàn HOSE. Cụ thể, VN-Index đóng cửa tăng 1,85 điểm (tương đương 0,27%) lên 696,06 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 327,993 triệu đơn vị, giá trị hơn 4.420 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt hơn 115,654 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.542 tỷ đồng.
Trong khi đó, chỉ số HNX-Index vẫn chưa thể quay trở về tham chiếu sau nhịp rớt mạnh vào đầu phiên chiều và đóng cửa giảm 0,46 điểm (tương đương 0,47%) xuống 97,35 điểm. Chỉ số UPCoM-Index cũng giảm 0,18 điểm (tương đương 0,38%) xuống 48,82 điểm.
Phiên hôm nay, dù gặp phải những rung lắc nhưng VN-Index vẫn giữ được sắc xanh cho tới phút cuối nhờ vào lực đỡ của một số “ông lớn” mà “đầu tàu” chính là VIC khi cổ phiếu này tiếp tục hồi phục mạnh mẽ với mức tăng tốt 6,11% lên 86.800 đồng/CP.
Ngoài ra, hỗ trợ cho chỉ số phải nhắc tới VCB tăng 1,42%, SAB tăng 3,68%, VRE tăng 2%, CTG tăng 1,06%, MSN tăng 0,61%...
Ở chiều ngược lại, gây sức ép không nhỏ thuộc về VHM giảm 1,64%, MWG giảm sàn 6,91%, HPG giảm 4,42%, HDB giảm sàn 6,89%, BID giảm 0,9%, BVH giảm 3,8%, PNJ giảm 3,53%...
Trên sàn Hà Nội, SHB vẫn còn giảm 0,8%, NVB giảm 1,19%... qua đó kìm hãm nhịp đi lên của HNX-Index.
Theo nhận định của Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), bất chấp sự tăng điểm trên diện rộng từ thị trường chứng khoán thế giới, chứng khoán Việt Nam vẫn có phiên giao dịch mang màu sắc u ám ngay cả khi tăng trưởng GDP quý I được công bố ở mức 3,82%.
Một số cổ phiếu vốn hóa lớn tiếp tục được đẩy lên giúp thị trường phần nào được bình ổn. Trạng thái này có thể sẽ còn tiếp diễn trong ngắn hạn. Nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục tập trung vào việc quản trị rủi ro.
Còn theo dự báo của Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), tuần tới, VN-Index sẽ dao động với các nhịp tăng giảm đan xen trong vùng 653-720 điểm. Thị trường có thể chịu biến động mạnh trong những một vài phiên đầu tuần và lùi về kiểm định vùng hỗ trợ 653-673 điểm.
Điểm tiêu cực hiện tại vẫn là những diễn biến bất ngờ của dịch Covid-19, áp lực bán ròng liên tục của khối ngoại và biến động khó lường của thị trường thế giới. Ngoài ra, rủi ro đối với diễn biến thị trường trong thời gian tới có thể sẽ còn đến từ các thông tin về kết quả kinh doanh quý I của các doanh nghiệp và các số liệu vĩ mô sẽ dần được công bố trong tháng 4. Ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19 có thể khiến cho lợi nhuận quý I của các doanh nghiệp niêm yết không đạt như kỳ vọng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận