Thấm cảnh qua sông lụy đò
Chúng tôi trở lại cầu phao BOT của 5 lão nông Quảng Trị những ngày trung tuần tháng 4/2023. Từ sáng sớm, cầu phao dài gần 300m nối đôi bờ sông Thạch Hãn đã rộn rã tiếng xe qua. Ở đầu cầu phía xã Triệu Độ, ông Lê Đình Uynh cầm sẵn trên tay xấp tiền lẻ, chốc chốc đứng dậy thu tiền, thối lại tiền cho khách và hỏi han rôm rả.
Hơn 70 tuổi, 20 năm thu phí ở cầu phao BOT, đa phần khách qua cầu là các học sinh, người dân địa phương nên hầu như ông Uynh đều quen mặt.
Ông Uynh thu phí qua cầu phao
Sinh ra và lớn lên phía bên kia sông Thạch Hãn, ông Uynh cũng như bao cư dân Triệu Độ và các xã phía Đông huyện Triệu Phong muốn sang trung tâm huyện, hay TP Đông Hà học hành, làm việc... đều phải phụ thuộc đò ngang.
Trước khi có cầu phao, riêng đoạn sông Thạch Hãn từ xã Triệu Độ lên xã Triệu Thuận chưa đầy 3km đã có 3 bến đò ngang.
Người dân cũng như địa phương đánh giá rất cao vai trò của cầu phao, những người đã nối nhịp cầu phao Triệu Độ trong hơn 20 năm qua. Không chỉ phục vụ dân sinh, giúp người dân và các cháu học sinh đi lại thuận tiện và an toàn, cầu phao còn giúp bà con các xã lân cận có thêm điều kiện thuận lợi trong buôn bán, thông thương.
Ông Nguyễn Hữu Phận, Phó chủ tịch UBND xã Triệu Độ
“Hồi đó phải qua đò ngang vất vả và nguy hiểm lắm nhưng nếu không qua đò thì phải đi xe máy, đạp xe đạp vào phía thị xã Quảng Trị rồi ra TP Đông Hà xa hơn hàng chục cây số.
Có lần trên chuyến đò qua sông cùng với anh Lê Văn Diện, tôi nói với anh Diện rằng mình phải có cách chi chứ chẳng lẽ cứ mãi như ri?
Thế mà phải lâu sau đó, đến khi xem tivi tình cờ thấy ngoài Bắc người ta làm cầu phao thì câu trả lời mới được gợi mở”, ông Uynh kể.
Ngay sau đó, các nông dân Triệu Độ bàn bạc, ra tận nơi tham khảo, rồi về tự mày mò vẽ thiết kế để làm cầu phao. Khổ nỗi, cầu phao ngoài đó khá ngắn và được lắp ghép bằng gỗ. Còn sông Thạch Hãn rộng và sâu, đoạn hẹp nhất cũng hơn 180m, mùa lũ nước đổ về hung dữ nên không thể lắp ghép bằng gỗ mà phải làm bằng sắt.
“Chi phí tính toán sơ bộ tốn rất nhiều tiền nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm làm. Khi bản tự thiết kế cầu trình lên Sở GTVT Quảng Trị, mặc dù rất ủng hộ nhưng chỉ với bản vẽ thô như thế chưa đảm bảo quy định. Sở hướng dẫn chúng tôi ra Cục Đường thủy nội địa trình bày ý tưởng. Thế là chúng tôi bắt xe ra Hà Nội, sau đó ngoài Cục họ cử cán bộ vào để đi khảo sát thực địa và thiết kế cây cầu phao phù hợp”, ông Uynh kể.
Bán vàng, vay mượn để làm cầu
Cầu phao Triệu Độ ngày nay
Thông tin 5 nông dân Lê Văn Diện, Lê Đình Uynh, Trương Đăng Duệ, Phan Khắc Minh và Lê Quý bắc cầu phao qua sông Thạch Hãn lúc đó khiến nhiều người “bán tín, bán nghi”. Đích thân ông Vũ Trọng Kim (Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị thời đó) đã gọi điện hỏi, rồi về Triệu Độ gặp họ, chỉ thị cho các sở, ngành tạo điều kiện cho ý tưởng sớm triển khai, đảm bảo tuyệt đối an toàn.
“Hồi đó không ít người cho rằng bỏ ra số tiền hơn 750 triệu làm cầu phao là điên rồ... Vợ tôi cũng bảo nhà có được hơn cây vàng tích cóp đem bán, rồi còn vay mượn làm cầu như thế, lỡ may đau ốm phải làm sao...”, ông Uynh chia sẻ.
Từ quyết định làm cầu phao cuốinăm 2001, qua năm 2002 các công việc chuẩn bị cơ bản, gần 1.000 thùng phuy nhựa loại 200 lít được các nông dân Triệu Độ mua ngoài Hà Nội rồi thuê xe ô tô chở vào.
Đến tháng 7/2003, cầu phao Triệu Độ dài 185m - cây cầu phao BOT đầu tiên do 5 nông dân Quảng Trị bỏ vốn làm đã hoàn thành và 1 tháng sau đó được tổ chức khánh thành đưa vào sử dụng.
5 “cổ đông” góp vốn cũng đã thành lập HTX cầu phao Triệu Độ. Mức phí qua cầu tùy thuộc vào từng loại xe, cụ thể như xe máy 2.000 đồng/lượt, xe đạp và người đi bộ là 1.000 đồng/lượt, còn học sinh chỉ thu mỗi cháu 15.000 đồng/tháng. 5 gia đình luân phiên nhau đứng ra thu phí, mỗi gia đình 1 ngày, còn kinh phí sửa sang, tu bổ cây cầu hàng năm do 5 gia đình góp lại.
“Hồi đó ước tính số tiền góp vốn hơn 700 triệu, nhưng khi hoàn thành đội lên rất nhiều, mỗi người phải góp 270 triệu đồng”, ông Minh chia sẻ.
Cầu phao sắp hoàn thành sứ mệnh
Sau hơn 7 năm cầu phao Triệu Độ được đưa vào phục vụ việc qua lại của hàng nghìn người dân, đến năm 2010, cầu Đại Lộc có tổng mức đầu tư hơn 60 tỷ đồng khởi công, cách cầu phao hơn 2km về phía thượng lưu.
3 năm sau đó, cầu Đại Lộc dài hơn 266m, nối đôi bờ sông Thạch Hãn từ phía xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong qua phường Đông Lương, TP Đông Hà chính thức đưa vào sử dụng, nhưng lưu lượng xe máy qua cầu phao Triệu Độ vẫn không giảm đi nhiều.
Đến năm 2016, cầu phao Triệu Độ được 5 gia đình góp hơn 200 triệu mua vật liệu thay thế khung phao và các phao bị hư hỏng, ván mặt cầu cũng được thay thế bằng ván sắt chống trượt... Gần 4 năm sau, cầu phao Triệu Độ bị những trận lũ lịch sử tháng 10/2020 cuốn trôi gần như hoàn toàn.
Cả một đoạn đường bê tông cùng khu vực “nhà thu phí” cũng bị xé toang. Người dân và các cháu học sinh qua Đông Hà lại tiếp tục hành trình... đi vòng vào Triệu Thuận để qua cầu Đại Lộc xa hơn cả chục cây số.
“Trước mong mỏi của người dân, chúng tôi bàn nhau làm lại cây cầu phao, nhưng ông Lê Văn Diện - một trong những người lớn tuổi nhất đã góp vốn làm cầu phao xin rút lui, sau đó ông Trương Văn Dũng vào thay thế”, ông Minh chia sẻ.
Khoảng 7 tháng sau khi bị cuốn trôi, cầu phao Triệu Độ nối nhịp lại đôi bờ trong niềm vui phấn khởi của người dân nơi đây.
“Cầu phao giúp bà con qua lại rất thuận tiện, như phụ nữ chúng tôi phần đông lên chợ bằng xe đạp, nếu đi đường vòng rất cực”, bà Hoàng Thị Giá, một người dân xã Triệu Độ cho hay.
Theo ông Uynh, số tiền làm lại cầu phao tại vị trí cũ ước tính khoảng 2,8 tỷ đồng. Cùng lúc này, họ nghe thông tin cầu dây văng bắc qua sông Thạch Hãn đã được tỉnh Quảng Trị quyết định đầu tư nên cũng khá băn khoăn.
Tuy nhiên, sau khi lên tỉnh hỏi, 5 nông dân Triệu Độ mới biết thông tin cỡ 2 - 3 năm nữa cây cầu trên mới xây dựng, nên họ vẫn quyết định làm lại cầu phao.
“Nói thiệt, số tiền đầu tư làm lại cầu rất lớn nên cũng có chút lưỡng lự. Trong 5 gia đình góp vốn làm lại cầu phao, nhà vay 400 triệu, có nhà vay 500 triệu”, ông Uynh chia sẻ.
Ông Uynh chỉ tay về phía thượng lưu cách cầu phao gần 1km, nơi cây cầu dây văng thuộc dự án đường ven biển kết nối hành lang kinh tế Đông Tây, tỉnh Quảng Trị - giai đoạn 1 đang đóng những cọc nhồi đầu tiên và nói: “Không lâu nữa cây cầu trên sẽ hoàn thành và đó cũng sẽ là thời điểm cầu phao Triệu Độ khép lại hành trình dài phục vụ dân sinh đầy ý nghĩa”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận