Chuyện dọc đường

Chuyện bị hack Facebook

18/03/2022, 05:00

Sau khi bị hack Facebook, tôi lúc nào cũng nơm nớp nỗi lo… bị lừa.

Các chiêu trò hack tài khoản Facebook rồi nhắn tin mạo danh mượn tiền tưởng đã cũ rích, vậy mà tôi và những người bạn vẫn... “sập bẫy” chỉ vì đôi phút lơ đãng.

img

Nhiều người dùng Facebook bị các đối tượng hack tài khoản để lừa đảo. Minh họa: Nguyễn Tường

Một buổi sáng cách đây gần 3 tháng, một tin nhắn từ nick của cậu bạn thân bỗng hiện lên màn hình với nội dung “cháu tôi đi thi Giọng hát Việt nhí, bà vào bình chọn cho tôi với” cùng một đường link.

Vốn cảnh giác với các link lạ, tôi cẩn thận nhìn lại tên miền trước khi click. Thấy tên miền đúng từ khóa, có đuôi “.vn”, tôi tự tin bấm vào, lại còn gõ mật khẩu vào ô trống. Chỉ trong nháy mắt, tôi không thể vào Facebook của mình.

Ngay lập tức tôi gọi điện cho 2 người bạn - chỗ tôi thi thoảng vay mượn khi có việc gấp. Rồi vào các tài khoản Zalo và Facebook dự phòng gõ bài cảnh báo, nhờ mọi người report nick cũ.

Vậy mà, chỉ 1 tiếng sau đó, một người chị làm cùng hốt hoảng thông báo “chị Nh. gửi cho bọn nó 10 triệu rồi”. Lý do là “từ sáng đến giờ bận quá, thấy nó nhắn tin rồi lại gọi video có ảnh đại diện của em để giục nên chị gửi tiền luôn rồi làm việc khác”.

Cả ngày hôm đó điện thoại của tôi rung liên hồi vì điện thoại hỏi thăm “em có việc gì gấp mà nhắn tin vay tiền?”.

Cuối ngày, tiếp tục một cô bạn thân nhắn “tớ bị lừa, gửi cho bọn hack nick cậu 15 triệu rồi”, “đơn giản vì tớ nghĩ cậu cần gấp lắm nên giúp”. Tôi chỉ biết nhắn tin xin lỗi rồi gửi một chuỗi icon tuôn nước mắt.

Sau hơn 24 tiếng bị cướp nick, bạn bè gửi report liên tục trên hệ thống quản trị của Facebook nhưng “kẻ mạo danh” vẫn sống khỏe.

Tôi đành thuê người “đánh sập” và tạm yên tâm bọn lừa đảo không giả mạo tôi đi lừa được nữa. Lúc đó mới biết, nhiều người quen khác từng bị lừa qua mạng cả trăm triệu đồng với đủ chiêu trò.

Nào là giả mạo công an thông báo lệnh truy nã, giả mạo ngân hàng, giả mạo điện lực, nhà mạng yêu cầu cung cấp thông tin, chuyển tiền qua tài khoản v.v...

Chúng tôi đành an ủi nhau, thôi “của đi thay người” và cảnh báo trong nhóm bạn bè từ nay tuyệt đối không tin vào các tin nhắn lạ, các cuộc gọi có đầu số lạ yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân.

Bất ngờ 1 tuần sau, có người điện thoại xưng là công an tỉnh A. thông báo đã bắt được bọn hack nick, lừa tiền.

Tôi vui mừng bao nhiêu thì đến khi nghe “người lạ” yêu cầu cung cấp thông tin các nạn nhân liên quan lại giật mình lo sợ bấy nhiêu. Hay mình lại bị lừa nữa?

Tôi đành nhờ đồng nghiệp thường trú tại tỉnh A. check xem người và số điện thoại gọi đến có đúng là công an không. Khoảng 5 phút sau, đồng nghiệp gọi lại xác nhận tôi mới thở phào, yên tâm cung cấp thông tin.

Mới đây, lại một số điện thoại lạ gọi, xưng là công an tỉnh A. (không phải số lần trước) thông báo đã vận động được gia đình nhóm hack nick lừa đảo trả lại 10 triệu đồng cho chị Nh. và hẹn mấy ngày tới ra Hà Nội trả lại.

Hôm Chủ nhật vừa rồi, chị bạn tôi đã nhận lại 10 triệu đồng. Còn tôi, sau khi ký vào tờ trình báo do đồng chí công an tỉnh A. soạn sẵn, trong lòng vẫn lo lắng, sợ… lại bị lừa.

Trước khi đặt bút ký tên, tôi đọc thật kỹ nội dung và hỏi “vì sao các anh phải ra tận đây để làm việc này?” và “tại sao không phối hợp với công an địa phương để làm việc với các nạn nhân tại trụ sở cơ quan công an trên địa bàn?”.

Việc linh động làm việc trực tiếp với nạn nhân ngoài trụ sở không hiểu có đúng quy định của ngành công an hay không.

Cá nhân tôi dù rất cảm ơn các “ân nhân” đã nhanh chóng truy tìm được nhóm lừa đảo nhưng vẫn băn khoăn vì cách làm việc linh động như thế này có thể tạo tiền lệ, khiến nhiều người bị kẻ xấu lợi dụng mạo danh công an để lừa đảo.

Ngọc Anh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.