Sau khi có hàng nghìn người đi theo “làn sóng” xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở nước ngoài, Cương Gián trở thành xã giàu có nhất nhì huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Tuy nhiên, phía sau những chuyến XKLĐ đó là cả trăm nỗi niềm cơ cực của kẻ ở, người đi.
Mỗi năm 20 cặp vợ chồng ly hôn
Cuối tháng 10/2019, PV Báo Giao thông có mặt tại xã Cương Gián, nơi được mệnh danh “làng XKLĐ”.
Toàn xã Cương Gián có hơn 3.000 hộ với hơn 15.000 người dân, thì có khoảng 2.500 người đi XKLĐ hợp pháp ở nước ngoài. Còn số lượng người đi XKLĐ bất hợp pháp thì chưa thể thống kê, vì hầu hết những trường hợp này đều tự rời quê hương, không thông báo gì cho chính quyền.
Ở xã Cương Gián, những dãy biệt thự, nhà cao tầng nằm san sát bên những con đường bê tông, láng nhựa phẳng lỳ.
Trước sân nhà, ven đường, thấp thoáng những chiếc ô tô tiền tỷ. Thu nhập bình quân đầu người ở xã Cương Gián là 38 triệu đồng/người/năm, thuộc tốp đầu của huyện Nghi Xuân.
Ông Hoàng Văn Hà, Phó chủ tịch xã Cương Gián cho biết, xã có nhiều lần hỏi về số tiền mà những người đi XKLĐ gửi về hàng năm để tiện thống kê, song người dân giấu, không thông tin.
“Hầu hết nhà to đẹp ở đây đều có người đi XKLĐ, chứ đây vốn là làng chài, trước nghèo lắm…”, ông H.T. (60 tuổi, trú ở thôn Nam Mới) cho hay.
Tuy nhiên, theo ông T., đi XKLĐ cũng đem lại nhiều hệ luỵ. Chỉ trong thôn Nam Mới, có khoảng hơn 10 cặp vợ chồng ly hôn cũng vì nguyên nhân vợ chồng xa nhau để đi XKLĐ. Vợ chồng con trai đầu của ông cũng vậy.
“Chúng nó cưới nhau năm 2013, con dâu cũng ở cùng thôn. Sau khi sinh con gái đầu lòng được 3 tháng, chúng nó để cháu nội cho tôi chăm sóc, rồi sang Singapore làm thuê.
Công ty của con trai làm ăn thua lỗ, nên phải về nhà làm giấy tờ đi XKLĐ sang Hàn Quốc. Chồng sang nước khác thì con dâu cũng có người khác, chúng nó ly hôn năm 2017”, ông T. tâm sự.
Nhiều gia đình bố mẹ đi XKLĐ, con ở nhà không ai quản lý, nuôi dạy nên ăn chơi, hư hỏng. Như em N.H.H. (15 tuổi, ở thôn Bắc Sơn), bố mẹ đều ở Anh, chị gái ở Hàn Quốc, nên ở nhà H. rất phá phách, nghịch ngợm. Bố mẹ H. quyết định đưa em sang Anh, nhưng dọc đường thì mất liên lạc.
Bà Lê Thị Lý, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Cương Gián cho biết: Có những thời điểm như năm 2015 - 2016, mỗi năm toàn xã có 20 cặp vợ chồng ly hôn, phần lớn xảy ra ở các gia đình có vợ hoặc chồng, hoặc hai vợ chồng đi XKLĐ. “Vợ chồng xa nhau lâu ngày, dễ nảy sinh tình cảm “ngoài luồng”.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của lối sống tự do ở nước ngoài nên khi về quê hương, nhiều người thấy không còn phù hợp với cuộc sống gia đình thực tại”, bà Lý phân tích.
Giết vợ vì đi XKLĐ mãi không về (!?)
Đã hơn 9 tháng qua, nhưng người dân thôn Ngư Tịnh - nơi được mệnh danh là “xóm Hàn Quốc” ở mảnh đất Cương Gián vẫn chưa hết bàng hoàng mỗi khi nhắc lại vụ án chồng giết vợ đúng ngày rằm tháng Giêng.
Sáng sớm 19/2/2019 (nhằm ngày Rằm tháng Giêng năm Kỷ Hợi), khi nhà nhà đang quây quần bên nhau chuẩn bị mâm cỗ cho ngày Tết Nguyên tiêu thì họ hốt hoảng, giật mình bởi tiếng la hét thất thanh từ ngôi nhà của vợ chồng ông L.H.C. (SN 1958) và bà C.T.H. (SN 1963).
Khi người dân chạy đến thì bàng hoàng phát hiện bà C. đã tử vong với nhiều vết chém do chính ông C. gây ra. Sau khi chém vợ, ông C. đã đi xuống biển với ý định tự tử nhưng bị phát hiện, bắt giữ.
Bà H. đi Hàn Quốc lao động đã gần 20 năm nay, chỉ về nhà vài lần, lần nào cũng “vội vàng, chớp nhoáng”. Lần này, có đám cưới con trai nên bà H. về lâu hơn và vụ án mạng chỉ xảy ra sau đám cưới vài ngày.
Trước ngày đám cưới, hàng xóm có nghe vợ chồng bà H. to tiếng, cãi vã… Kết quả điều tra bước đầu cho thấy, nguyên nhân án mạng do mâu thuẫn gia đình.
“Nguyên nhân sâu xa cũng là vì bà H. ở nước ngoài quá lâu. Chia cách lâu ngày khiến tình cảm vợ chồng không còn mặn nồng; không được sẻ chia cùng nhau vui buồn cuộc sống. Đến khi bà C. về quê thì mâu thuẫn đạt đến đỉnh điểm mà không thể hòa giải được”, một cán bộ điều tra Công an huyện Nghi Xuân cho hay.
Thủ tướng gửi lời chia buồn sâu sắc
Ngày 3/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình các nạn nhân người Việt, chưa xác định danh tính cụ thể trong vụ 39 người thiệt mạng trong xe container tại Anh. Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an và Bộ Ngoại giao cử ngay các đoàn công tác do lãnh đạo Bộ làm trưởng đoàn trực tiếp sang Anh để làm việc với nhà chức trách Anh, xử lý các công việc có liên quan. Thủ tướng cũng yêu cầu chính quyền các địa phương có gia đình nạn nhân có các biện pháp phù hợp, quan tâm chia sẻ động viên để họ sớm vượt qua những đau thương, mất mát to lớn này.
Trước đó, ngày 2/11, theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Anh, cảnh sát hạt Essex đã thông báo có nạn nhân người Việt, chưa xác định danh tính cụ thể trong vụ 39 người thiệt mạng trong xe container ở Anh.
Nhiều gia đình nhận tin con gặp nạn
Sau khi cảnh sát Anh phát hiện 39 người tử vong trong thùng container (ngày 23/10), nhiều gia đình ở Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình và Thừa Thiên - Huế đã trình báo người thân bị mất liên lạc trên đường sang Anh, trong đó, tại Hà Tĩnh, đã có 9 gia đình ở Can Lộc, Hồng Lĩnh trình báo mất liên lạc với người thân.
Tối 2/11, gia đình ông Phạm Văn Thìn (thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc) nhận được điện thoại từ Anh hỏi về con gái Phạm Thị Trà My (26 tuổi, bị mất tích trên đường sang Anh). Thông qua người phiên dịch, cảnh sát Anh thông báo nhiều khả năng Trà My là nạn nhân tử vong trong container. Tương tự, ông Nguyễn Đình Gia (trú xã Thanh Lộc, huyện Can Lộc), bố anh Nguyễn Đình Lượng (21 tuổi) cũng cho biết, cảnh sát Anh đã liên hệ qua điện thoại để xác minh các thông tin, những dấu hiệu nhận dạng anh Lượng. Ông Võ Nhân Quế (trú xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc), bố anh Võ Nhân Du (21 tuổi) cũng đã nhận được điện thoại từ Anh thông báo Du là nạn nhân tử vong trong xe container tại Anh.
Liên quan vụ việc, hiện Công an tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam 1 đối tượng; bắt khẩn cấp 1 đối tượng liên quan đến hành vi “Tổ chức, môi giới người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận