Chuyện dọc đường

Chuyện cái cân hành lý ở sân bay

17/07/2020, 06:41

Cao điểm hè, nhà nhà đi nghỉ mát, mạng xã hội nóng lên chuyện đi tàu bay, nhất là việc quá cân bị phạt tiền.

img
Nhân viên Vietjet cân hành lý ký gửi cho khách. (Ảnh minh họa)

Bọn trẻ nghỉ hè, nhà nhà đi du lịch và thế là câu chuyện chất lượng dịch vụ hàng không thành đề tài nóng trên mạng xã hội. Hầu như ngày nào cũng có phản ánh, tranh luận quanh chuyện đi tàu bay, nhất là việc quá cân bị phạt tiền.

Nhiều người bức xúc: “Cân lúc làm thủ tục không cân, đợi ra cửa tàu bay, lúc khách quýnh lên vì sợ trễ chuyến thì phạt 500 nghìn khi va li quá 1 - 2kg. Nếu vali không quá cân thì nhân viên bắt cân cả túi nhỏ đeo bên người, lúc ấy chắc chắn quá 7kg và “a lê hấp”, mời nộp phạt. Cuối cùng, cái vé giá rẻ đắt bằng vé thường. Quá là lừa đảo. Phải tẩy chay hãng này. Tây không bao giờ nó làm thế”.

Lại nói chuyện ở Tây, chuyện để cái cân tại các cửa ra sân bay như Vietjet thì tất cả các sân bay châu Âu đều áp dụng. Có cái khác là cân để khắp nơi cho hành khách tự cân và tự bỏ đồ ra trước khi nhân viên hàng không yêu cầu.

Nhiều năm trước, ai hay đi nước ngoài đều có thể thấy, người Việt ngồi la liệt bỏ bớt đồ ra khỏi va li quanh các bàn cân này.

Điều khác nữa là ở Tây, như ở Anh, vali quá 30kg là băng chuyền vận chuyển đứng yên không nhúc nhích, từ chối nhận kiện hàng. Quá 1kg “gọi giời” cũng không thể giúp, vì máy đã được cài đặt như vậy rồi. Tuy nhiên, với hành lý xách tay, quá 1kg có thể gãi đầu gãi tai và thường thì đều được cho qua.

Hành khách bay giá rẻ thì ta với Tây chả khác gì nhau. Có ông Tây để giảm cân hành lý khoác luôn 4 - 5 cái áo lên người hoặc để nhét được vali vào khung đo thể tích thì tháo luôn bánh xe kéo.

Chuyện cãi nhau giữa hành khách và hãng bay vẫn đây đó xuất hiện, chỉ có điều an ninh sân bay Tây xử lý rất nghiêm. Không có chuyện làm náo loạn hay hành hung nhân viên như ở ta.

Và đặc biệt, chuyện bỏ bớt đồ ra để cân ở khu làm thủ tục rồi vào phòng chờ lại nhét đồ vào thì tôi chưa từng thấy.

Có người lại nói, bán cái vé giá rẻ rồi tận thu đủ thứ trên đời thì chẳng khác nào lừa khách.

Tôi nhớ, có một trào lưu phản đối chuyện Jetstar hay hãng nào đó bắt hành khách muốn có chỗ đẹp phải trả thêm tiền. Nhưng những người bạn tôi bay thường xuyên đi châu Âu chỉ cười, họ nói RyanAir - hãng giá rẻ nổi tiếng châu Âu còn chả ghi số ghế ngồi của hành khách trên thẻ lên tàu bay.

Muốn có chỗ đẹp thì xin mời cốp thêm 20 - 30 euro. Đó là lựa chọn của khách hàng.

Cũng hãng hàng không này, khoảng 24h trước khi bay sẽ mở thủ tục check-in online giống như các hãng ở Việt Nam, nhưng điều khác là nếu quên mà ra sân bay mới check-in thì xin mời nộp 40 euro, không nói nhiều. Kiểu này mà áp dụng ở Việt Nam kiểu gì cũng bị tế là “hãng bay hành dân”.

Câu chuyện cuối cùng trở về nguyên tắc thuận mua vừa bán. Khách sạn có loại bình dân, 4 sao, 5 sao thì máy bay cũng có nhiều loại tương tự. Trả tiền hạng nào thì phải dùng dịch vụ của hạng ấy.

Đi hãng nào thì tuân thủ quy định của hãng ấy.

Anh mua vé giá rẻ chỉ có hành lý xách tay 7kg, biết thừa chỉ được mang 7kg sao cứ mang quá lên, không xin bỏ qua được thì đóng phí theo quy định, không thể nói người ta lừa đảo rồi lại chém “Tây nó thế nọ thế kia” được.

Ngay cả Vietnam Airlines, dù vé có 20kg hành lý ký gửi nhưng cũng chỉ được đóng trong 1 kiện hàng. Nếu đã có một vali ký gửi lại muốn mua thêm thùng hải sản tươi sống về làm quà thì dù chưa quá cước cũng mời nộp thêm tiền.

Dịch vụ trên máy bay cũng vậy, bay dài thì nhiều đồ ăn, bay ngắn thì cái bánh ngọt là xong. Có bác bay Vietnam Airlines tuyến nội địa, giờ bay không vào giờ ăn, người ta cho cái bánh thì đăng ngay lên Facebook kêu hãng “ăn chặn tiền khách hàng”.

Mọi thứ theo quy luật thị trường, dịch vụ hãng này không tốt thì sử dụng dịch vụ hãng khác, còn hãng bay thấy giảm khách thì phải tự điều chỉnh nếu không muốn mất thị phần.

So với 5 năm trước, giá vé đã giảm nhiều, số người được đi máy bay thay vì đi ô tô, tàu hỏa cũng tăng gấp bội. Có thể thấy, chính sách vé linh hoạt theo điều kiện phục vụ đã khiến thị trường hàng không tăng trưởng tốt.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.