Rút ngắn 50km đường thủy
Những ngày cuối tháng 8/2023, PV Báo Giao thông có dịp trở lại âu tàu Rạch Chanh thuộc ấp Rạch Chanh, xã Lợi Bình Nhơn, TP Tân An, tỉnh Long An.
Nhiều ghe tàu từ hướng hạ nguồn vào khoang âu neo đậu.
Đứng trên cầu nhìn xa về phía hạ lưu và thượng lưu, lúc này khoảng 14h chiều đã có gần 20 tàu gỗ, tàu sắt… loại từ 10-100 tấn đang neo đậu chờ mở cửa âu tàu để tiếp tục hành trình đi các tỉnh miền Tây.
Vài phút sau, đèn tín hiệu trên hai đầu trụ của cửa âu tàu số 1, số 2 từ đó chuyển sang xanh. Đây cũng là lúc cửa số 1 được kéo lên, nước từ phía thượng nguồn chảy vào khu vực bên trong âu. Khi mực nước cân bằng, các ghe tàu từ hướng miền Tây di chuyển vào khu vực neo đậu để chuẩn bị ra cửa số 2 đi TP.HCM. Quy trình này sau đó được lặp lại để các ghe tàu từ hướng TP.HCM đi các tỉnh miền Tây.
Âu tàu Rạch Chanh được đưa vào khai thác từ cuối năm 2016, có tổng mức đầu tư 650 tỷ đồng, tạo thuận lợi cho giao thông vận tải đường thủy nội địa, rút ngắn quãng đường 50km (khoảng 6-8 tiếng) di chuyển từ TP.HCM đi các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Âu tàu còn có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xả lũ vào mùa mưa, ngăn mặn trong mùa khô, điều tiết nước ngọt vùng Đồng Tháp Mười.
Trung bình một tháng có khoảng có 1.100 phương tiện qua âu, trong đó có cả các phương tiện tải trọng 1.000 tấn. Tính từ năm 2016 đến nay, âu tàu Rạch Chanh phục vụ khoảng hơn 93.000 phương tiện.
Theo ông Nguyễn Văn Khuyến, Phó giám đốc Trung tâm Điều hành âu tàu Rạch Chanh, quy trình đóng mở cửa âu tàu mất khoảng 45 phút đến 1 giờ.
Đang neo đậu trong âu, ông Trần Chí Thiện (55 tuổi, ngụ huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang), thuyền trưởng tàu sắt 120 tấn, có thâm niên 30 năm chạy tàu chia sẻ, từ khi âu tàu Rạch Chanh đi vào hoạt động, việc lưu thông của các phương tiện thuận lợi hơn rất nhiều.
"Mỗi tuần tôi điều khiển từ hai đến ba chuyến tàu qua âu Rạch Chanh an toàn, nhanh chóng. So với việc đi theo tuyến kênh Chợ Gạo, đi qua âu tàu Rạch Chanh rút ngắn hơn khoảng 50km", ông Thiện nói và kể lại, âu Rạch Chanh cũ trước đây nhỏ hẹp. Mỗi khi lưu thông qua cống Rạch Chanh cũ gặp nước chảy xiết dễ xảy ra lật tàu.
Mặt khác, khoang thông thuyền ngang của cống nhỏ hẹp, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông bất cứ lúc nào.
"Tàu của tôi bị va đập vào chân cầu thường xuyên, gây hư hỏng phải sửa chữa tốn kém nhiều tiền. Giờ qua âu tàu này không còn tình trạng đó", ông Thiện chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Tiên (72 tuổi, ngụ huyện Thủ Thừa, Long An) cho biết: "Từ khi âu tàu Rạch Chanh được đầu tư xây dựng, nhiều đoạn kênh được nạo vét, kè chống sạt lở… mỗi ngày có hàng trăm phương tiện từ sông Tiền qua kênh Nguyễn Văn Tiếp đến âu Rạch Chanh qua sông Vàm Cỏ Tây, Vàm Cỏ Đông rất thuận lợi, rút ngắn thời gian từ 6-8 giờ so với đi tuyến kênh Chợ Gạo", ông Tiên nói.
Vừa làm vừa lo vỡ đập
Rất đông ghe tàu chở hàng hóa vào khu vực neo đậu chuẩn bị rời âu.
Có hai tuyến đường thủy từ các tỉnh miền Tây đi TP.HCM là tuyến số 1 (qua kênh Chợ Gạo, Tiền Giang) và tuyến số 2 (qua cống Rạch Chanh, TP Tân An).
Tuyến số 2 từ vùng Tứ Giác Long Xuyên qua Đồng Tháp Mười theo kênh Nguyễn Văn Tiếp, đến Thủ Thừa, Rạch Chanh, sông Vàm Cỏ Tây, đi TP.HCM. Tuyến có chiều dài hơn 253km. Đây là tuyến đường thủy nhộn nhịp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long để ghe tàu chở nông sản, lúa gạo lên TP.HCM và chở vật liệu xây dựng ngược về lại.
Ông Phạm Văn Cảnh, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An nhớ lại, năm 1993, để chống xâm nhập mặn, Bộ NN&PTNT đã xây dựng cống Rạch Chanh khiến giao thông thủy trên tuyến kênh này bị tắc.
Để khơi thông lại tuyến, được sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới, Bộ GTVT đã thực hiện dự án phát triển cơ sở hạ tầng Đồng bằng sông Cửu Long (dự án WB5), xây dựng âu tàu Rạch Chanh mới, nạo vét toàn bộ 253km đường thủy, nâng cấp 18 cầu để đảm bảo tĩnh không thông thuyền.
Âu tàu Rạch Chanh đã được đầu tư với quy mô hiện đại, buồng âu dài 140m, rộng 19,5m. Cầu vượt âu Rạch Chanh được xây dựng bằng bê tông cốt thép bề rộng 11,5m, khoang thông thuyền 6,5x30m.
Thuyền viên lai dắt, hướng dẫn tàu ghe neo đậu an toàn.
Ông Lê Đình Vũ, Trưởng phòng Quản lý dự án 3, Ban Quản lý dự án các tuyến đường thủy phía Nam (trực tiếp điều hành hạng mục thi công âu Rạch Chanh) kể lại, khó khăn nhất của việc thi công âu Rạch Chanh là đắp hai đập hai đầu để thi công âu tàu ở giữa.
Hai đập này chỉ đóng cừ tràm, đắp đất chứ không được thi công kiên cố, vì sau đó phải phá bỏ để khơi thông âu tàu. Nhưng cứ đắp đất lên là bị sụt xuống. Mỗi lần thủy triều lên là sóng từ sông Vàm Cỏ Tây đập vào đê, rất nguy hiểm. Hay mùa lũ, nước từ thượng nguồn đổ về kênh Nguyễn Văn Tiếp cũng rất lớn, trong khi phía trong âu đang thi công.
"Chỉ cần một sự cố vỡ đập là hỏng hết công trình, ai trực tiếp thi công ở đó đều rất hồi hộp và lo lắng", ông Vũ kể và cho biết, ban quản lý và nhà thầu phải cho đắp rất nhiều đất, mỗi lớp đất đắp đều lu lèn cẩn thận, tạo thành chân đế vững chắc. Đồng thời, các nhà thầu thi công móng âu phải cật lực làm ngày đêm để đẩy nhanh tiến độ.
Thi công âu tàu đã khó, đòi hỏi nhanh, trong khi việc giải phóng mặt bằng lại gặp vướng mắc. Ở phía đầu kênh Nguyễn Văn Tiếp có một nhà máy xay xát do ông Đinh Văn Phú làm giám đốc. Nhà máy này hoạt động từ lâu, sát ngay mặt sông.
"Để thi công âu thuyền, phải giải phóng sâu vào 30m, chiều dài gần 100m. Khó khăn nhất là khi giải phóng, doanh nghiệp phải di dời hệ thống nhà máy, ảnh hưởng đến hoạt động xay xát.
Cuối cùng, Bộ GTVT phối hợp với địa phương, tạo điều kiện cấp tạm một bến thủy nội địa cho nhà máy trên. Nhờ vậy, dự án được đảm bảo đúng tiến độ. Không chỉ nạo vét kênh, dự án WB5 còn đầu tư một đoạn kè ở thị trấn Thủ Thừa để đảm bảo môi trường, chống sạt lở", ông Vũ kể.
Ông Đinh Văn Sáu, Chủ tịch UBND huyện Thủ Thừa nhớ lại, thời điểm triển khai dự án, dù gặp khá nhiều khó khăn về giải phóng mặt bằng nhưng cuối cùng, với sự đồng lòng của người dân, bờ kè đã được xây dựng, tạo cảnh quan xanh, sạch đẹp hai bên đoạn kênh, ghe tàu qua lại an toàn.
Cơ chế vận hành theo hai mùa
Theo ông Nguyễn Văn Khuyến, Phó giám đốc Trung tâm Điều hành âu tàu Rạch Chanh, vào mùa lũ, nước từ kênh Nguyễn Văn Tiếp chảy về hạ nguồn, hệ thống cửa âu sẽ được mở 24/24h. Các phương tiện khi lưu thông đến âu sẽ neo đậu chờ tại các vị trí cụ thể. Lực lượng chức năng sẽ điều tiết cho từng phương tiện qua âu theo một chiều. Sau khi phương tiện từ bên này qua hết, sẽ điều tiết cho phía bên kia qua.
Vào mùa khô, do nước mặn từ sông Vàm Cỏ Tây (hạ nguồn) lên cao, hệ thống cửa âu sẽ được vận hành theo sự điều tiết. Khi cửa âu phía hạ nguồn mở, phương tiện được lưu thông vào buồng âu, cửa hạ nguồn sẽ đóng lại. Sau đó, cửa âu phía thượng nguồn mở ra để phương tiện đi qua kênh Nguyễn Văn Tiếp (thượng nguồn). Cứ như vậy lần lượt các phương tiện sẽ được lưu thông qua âu một cách nhịp nhàng và tránh tình trạng xâm nhập mặn làm ảnh hưởng đến mùa màng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận