Khu du lịch tuyệt đẹp này được hình thành một phần nhờ "công" của thủy điện Đồng Nai 3 và Đồng Nai 4.
Bỏ dự án vì địa hình quá hiểm trở
QL28 mở ra cơ hội giao thương, phát triển kinh tế cho huyện Đắk Glong.
Năm 2010, khi thủy điện chặn dòng tích nước vô tình tạo nên một "Hạ Long trên núi". Nhưng ngược lại, nó cũng "nuốt chửng" hàng chục km quốc lộ 28 đi qua địa bàn.
Từ đó, người dân TP Gia Nghĩa (Đắk Nông) muốn qua TP Đà Lạt lại phải vòng ngược tỉnh lộ 725 của Lâm Đồng, xuống TP Bảo Lộc rồi ngược lên Đà Lạt. Cung đường đi hình chữ V nên xa hơn tuyến đường bị ngập đến 50km.
Tất cả chỉ được khắc phục sau khi dự án quốc lộ 28 đoạn tránh ngập thủy điện Đồng Nai 3, 4 đi qua địa phận tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông được Bộ GTVT phê duyệt, triển khai từ nguồn trái phiếu Chính phủ cùng vốn đền bù của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Ông Võ Văn Hùm, nguyên Giám đốc Sở GTVT Đắk Nông cho biết, đây là con đường mới hoàn toàn, toàn tuyến đi trên lưng chừng núi, vòng quanh bên hồ thủy điện. Dự án được khởi công năm 2009, nhưng 2010 nước hồ dâng, không thể nào chuyển vật liệu thi công được. Tiến độ thi công bị đình trệ, không đảm bảo.
Đến năm 2013, Bộ GTVT và tỉnh Lâm Đồng thống nhất chính thức đổi một số nhà thầu từ Hà Nội và các tỉnh khác chuyển giao cho những nhà thầu địa phương thi công.
"Thực tế các nhà thầu tự bỏ dự án do ngán ngẩm, không có cách nào vận chuyển vật liệu thi công. Theo quy trình, những con đường mới, nhà thầu thường thi công theo kiểu cuốn chiếu.
Nhưng với tuyến đường này, phải mua vật liệu từ địa bàn Lâm Đồng, chở về Đắk Nông. Mà tuyến đường quốc lộ 28 bên Lâm Đồng cũng đang thi công và bị chậm tiến độ. Khó nhất là không có đường để đưa vật liệu thi công cho 7 chiếc cầu và đoạn được giáp ranh giữa Đắk Nông - Lâm Đồng", ông Hùm nhớ lại.
Ngâm mình dưới nước chuyển vật liệu
Hồ Tà Đùng nhìn từ trên cao.
Ông Nguyễn Văn Hào, xã Đắk P’lao kể: "Gia đình tôi di cư từ Nam Định vào đây đầu những năm 2000. Đùng một cái thủy điện nước dâng, nhà tôi và nhiều hộ dân trong xã bị chia cắt hoàn toàn. Đến lúc chính quyền họp dân vận động giúp nhà thầu vận chuyển vật liệu để làm đường, tất cả đàn ông, trai tráng ai cũng xung phong.
Hồi đó xã tôi có 2 con thuyền lớn đều được huy động, nhà thầu thuê thêm một số thuyền nữa, thế là cả năm trời chúng tôi ngâm mình dưới dòng sông Đồng Nai để chuyển vật liệu đi hàng chục cây số".
Nhớ lại những ngày gian khổ, ông Võ Văn Hùm cho biết thêm, con đường nằm trên lưng chừng núi. Bởi vậy, khi chuyển vật liệu bằng thuyền đã khó, lúc vận chuyển từ dưới sông lên đến dự án đang thi công lại là một thử thách mới.
Đoạn dễ phải dùng xe cày (công nông) chở lên, đoạn khó phải dùng trâu bò kéo xe tải chở vật liệu. Có một số địa điểm không có cách nào khác mà phải dùng sức người cõng vật liệu.
"Mùa khô thì đỡ, đến mùa mưa, ngồi nhìn vật liệu tập kết sát dòng sông rồi nhìn mưa mà bất lực. Vì vậy mà suốt mấy năm trời công trình bị chậm tiến độ. Một số nhà thầu đã bỏ dự án, mặc cho cơ quan quản lý thúc giục", ông Hùm hồi tưởng.
Đến năm 2014, Bộ GTVT và chính quyền tỉnh Đắk Nông chỉ đạo bằng mọi giá đến đầu mùa mưa năm 2015 phải hoàn thành con đường, mà sản lượng thi công mới đạt khoảng 50%.
Khi ấy, lúc nào các nhà thầu cũng trình bày hàng trăm khó khăn, vướng mắc, tiến độ luôn chậm. Ban lãnh đạo Sở GTVT Đắk Nông phải họp bàn, tìm giải pháp thay nhà thầu.
"Năm 2014, khi đó tôi đang là phó giám đốc Sở GTVT, được cử ở tại công trường làm tổng chỉ huy. Nhà thầu không tìm được nhân lực vận chuyển vật liệu, lãnh đạo Sở phải làm việc với chính quyền địa phương nhờ huy động người dân.
Chúng tôi phải đến từng mỏ đá, đến từng nhà cung cấp vật liệu thuyết phục họ ưu tiên cho dự án này trước", ông Hùm nói và cho biết thêm, giai đoạn đó, quốc lộ 20 qua Lâm Đồng và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên cũng đang đẩy nhanh tiến độ, nên vật liệu khan hiếm vô cùng.
"Lãnh đạo Sở GTVT không trực tiếp đi ngoại giao mà cứ để nhà thầu đi làm việc chắc chắn không bao giờ bảo đảm tiến độ hoàn thành vào tháng 4/2015", ông Hùm quả quyết.
Mở đường thoát nghèo
Mở đường gian khổ nhưng ít ai nghĩ đến tuyến quốc lộ 28 khi hoàn thành đã góp phần thay đổi diện mạo cho tỉnh Đắk Nông.
Hồ Tà Đùng và một ví dụ điển hình. Hồ được hình thành từ khi thủy điện Đồng Nai 3 tích nước, nhưng khi ấy đường đến với hồ Tà Đùng chưa có vì quốc lộ 28 cũ bị chìm dưới lòng hồ.
Từ năm 2015, tuyến quốc lộ 28 mới như dải lụa quanh co trên lưng chừng núi, lượn quanh hồ Tà Đùng, giúp nơi đây trở thành điểm đến của đông đảo du khách.
Dịp lễ 2/9 vừa qua, anh Trần Đình Quyền cùng gia đình vượt 200km từ tỉnh Bình Phước đến khu vực hồ Tà Đùng. Anh Quyền nói rất ấn tượng với vẻ đẹp của nơi đây, từng nhiều lần đặt chân tới nhưng mỗi lần lại đem đến cảm giác khác nhau.
Cũng trong dịp lễ 2/9, anh Trương Minh Toàn thậm chí đưa cả gia đình từ Hà Nội vào Đắk Nông với mong muốn một lần được tận mắt chứng kiến "Hạ Long trên núi": "Thực sự tôi rất ấn tượng với cảnh quan nơi đây, vừa hùng vĩ nhưng cũng rất nên thơ, trữ tình. Chắc chắn có điều kiện tôi sẽ quay lại Tà Đùng".
Không chỉ phục vụ du lịch, quốc lộ 28 còn là huyết mạch kinh tế, từng bước giúp huyện Đắk Glong (Đắk Nông) thoát nghèo. Nằm cách trung tâm huyện Đắk Glong 20km về phía đông nam, Đắk Som là xã vùng 3 đặc biệt khó khăn với hơn 2.200 hộ dân, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 78%.
Tuyến quốc lộ 28 đi qua, thông thương buôn bán của người dân được kết nối với tỉnh Lâm Đồng mà trực tiếp là huyện Di Linh nên cuối năm 2022, Đắk Som chỉ còn 839 hộ nghèo, đạt tỷ lệ 37,32%, vượt kế hoạch đề ra. Tương tự, xã Đắk P’lao nằm bên quốc lộ 28 năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 22%, trước đó là hơn 50%...
Dự án quốc lộ 28 đoạn tránh ngập thủy điện Đồng Nai 3 và 4 đi qua địa phận tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông có tổng chiều dài 37,7km, với nguồn vốn trên 1.045 tỷ đồng, theo quy mô đường cấp 4 miền núi.
Điểm đầu dự án nối từ xã Tân Lâm, huyện Di Linh đến huyện Đắk Glong (Đắk Nông), có nền đường rộng 7,5m, mặt đường rộng 6,5m; Kết cấu mặt đường bê tông nhựa kết hợp đá dăm láng nhựa. Toàn dự án có 7 cầu qua địa phận hai tỉnh. Dự án được khởi công từ năm 2009 với 21 gói thầu, tới tháng 4/2015 thông tuyến.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận