Đường sắt

Chuyện chưa kể về nghề “khám bệnh” tàu hỏa

28/08/2016, 07:35

Người làm công tác kiểm định tàu hỏa phải “ăn xưởng, ngủ xưởng” như những kỹ sư, công nhân của đơn vị sửa chữa.

9

Đầu máy, toa xe đường sắt được kiểm định định kỳ từng chi tiết kỹ thuậtngay tại xưởng sửa chữa

Người làm công tác kiểm định tàu hỏa phải “ăn xưởng, ngủ xưởng” như những kỹ sư, công nhân của đơn vị sửa chữa đầu máy, toa tàu để đảm bảo từng bộ phận dù nhỏ nhất trước khi lắp đặt đều phải đạt tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Như “bóng với hình” cùng công nhân sửa chữa

Đón tôi tại xưởng máy của Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội trong tiếng máy móc rầm rập và nặng mùi dầu mỡ, đăng kiểm viên (ĐKV) đường sắt kỳ cựu Tạ Hồng Quang tranh thủ kể về công việc thường ngày của mình. “Đây là một đầu máy đã được đơn vị giải thể (tháo dỡ), mỗi đầu máy tàu hỏa có hai giá chuyển. Khi họ tháo ra mình phải đo đạc từng thông số xem có cong vênh, lõm không; Kiểm tra xà chịu lực có bị nứt, từng bộ giảm chấn trung ương có bị bong tróc, biến dạng. Đầu đấm có bị nứt, lưỡi móc thế nào”.

Ông Quang kể, có những chi tiết phải dùng máy siêu âm để đo dò khuyết tật của chi tiết máy. Việc giám sát các chi tiết được thực hiện từ lúc máy giải thể đến khi sửa chữa đưa vào lắp đặt.

"Để trở thành ĐKV đường sắt phải có bằng kỹ sư, sau phải mất gần 4 năm học nghiệp vụ đăng kiểm, tập sự và vượt qua kỳ sát hạch. Để nhận biết hết các chi biết, bộ phận của đầu máy, toa tàu cũng phải mất hơn một năm. Kiến thức, kỹ thuật liên quan luôn luôn cập nhật, cần phải học tập, trau dồi."

Anh Đặng Quý Dương
ĐKV đường sắt

Anh Trần Văn Vân - công nhân đang làm vệ sinh bộ phận đầu đấm và lưỡi móc của đầu máy, dừng tay nói: “Dù là ĐKV, nhưng chú Quang ngày nào cũng ở xưởng nên ai cũng quen mặt, quen tên. Mọi người quý như người cùng đơn vị vì chú rất nhiệt tâm, chỉ bảo anh em từng chi tiết nhỏ”.

Ông Quang kể, là ĐKV hiện trường nên công việc quanh năm, suốt tháng gắn liền với đơn vị sản xuất, làm theo giờ giấc của các kỹ sư, công nhân nơi đây. Họ nghỉ sớm ông cũng được nghỉ sớm, họ làm tăng ca, thêm giờ, ông cũng như vậy. “Khi phát hiện chi tiết, bộ phận nào không đạt kỹ thuật mình nhắc nhở mà đơn vị không khắc phục, dứt khoát không có chuyện châm chước hay bỏ qua. Hạng mục kiểm tra nào cũng được ghi biên bản. Tất cả đều giấy trắng, mực đen nên dù ĐKV và người của đơn vị quen biết nhau đến đâu và được đơn vị bố trí cho phòng làm việc, trách nhiệm công việc vẫn đặt lên trên hết”, ông Quang nói.

Dẫn tôi đến xưởng sửa chữa động cơ, xưởng cơ khí của xí nghiệp, ông Quang nói thêm: “Cùng với việc giám sát từng chi tiết, bộ phận của phương tiện, ĐKV còn phải giám sát quy trình thực hiện của đơn vị, xem có tuân thủ theo quy trình sửa chữa lâm tu, đại tu không. Nếu không tuân thủ quy trình cũng phải “tuýt còi”.

“Trung bình mỗi tháng hai ĐKV chúng tôi kiểm định 30 toa xe. Việc kiểm định cũng gắn liền với thời gian sản xuất của đơn vị, vì chỉ cần dừng một bước là làm chậm cả thời gian sửa chữa toa xe. Toa tàu nằm xưởng 10 ngày, ĐKV cũng nằm xưởng 10 ngày để thực hiện theo quy trình kiểm tra từ khi toa tàu tháo dỡ đến khi lên bệ thử, lắp đặt tổng thành, thử nghiệm”, ĐKV Đặng Quý Dương đang làm việc cùng ĐKV Nguyễn Trọng Nghĩa tại xưởng sửa chữa toa xe khách của Chi nhánh Toa xe Hà Nội (Công ty CP Vận tải khách Hà Nội) chia sẻ.

Làm việc độc lập, chịu giám sát đa chiều

Ông Nguyễn Duy Tân, Phó trưởng Phòng Đường sắt (Cục Đăng kiểm VN) cho biết, trên toàn quốc có 15 cơ sở đăng kiểm đường sắt đặt thường trú tại các đơn vị trong ngành Đường sắt. Dù liên tục làm việc trong môi trường có hóa chất, độc hại nhưng ĐKV đường sắt không có chế độ phụ cấp độc hại. ĐKV hiện trường có sự gắn bó trực tiếp với các đơn vị nên một số cơ sở được đơn vị bố trí văn phòng làm việc ngay tại đơn vị để đáp ứng tiến độ chung.

“Đường sắt khai thác vận tải tính từng giờ, từng phút nên phương tiện phải sẵn sàng và công tác kiểm định cũng phải đáp ứng theo nhu cầu của các đơn vị. ĐKV hiện trường thường phải làm thêm ngày thứ bảy và làm ngoài giờ nhiều nhất là vào dịp cao điểm mùa hè”, ông Tân cho biết. Ông cũng khẳng định, các ĐKV hiện trường gắn bó, tiếp xúc hàng ngày với đơn vị, nhưng không bao giờ xảy ra chuyện bỏ qua tiêu chuẩn chất lượng phương tiện.

Dù hoạt động độc lập (có đơn vị thường xuyên chỉ có một ĐKV hiện trường) nhưng việc giám sát chất lượng được thông qua cơ chế giám sát đa chiều: Từ việc chụp ảnh lại các thông số kỹ thuật đến quản lý hồ sơ kiểm định bằng phần mềm trực tuyến, soát xét qua nhiều cấp trước khi cấp chứng nhận phương tiện, hậu kiểm và từ dư luận phía đơn vị có phương tiện kiểm định. Điều này phần nào cho thấy, với việc độc lập trong kiểm tra hàng nghìn chi tiết của phương tiện, ĐKV đường sắt luôn chịu sự giám sát chặt chẽ về chất lượng kiểm định của mình.

Nói về ĐKV đường sắt, Phó giám đốc Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội Nguyễn Văn Thủy chia sẻ: “Trong quy trình sản xuất của đơn vị có các cấp kiểm tra, giám sát nội bộ, nhưng với “chốt chặn” kỹ thuật cuối cùng là các ĐKV đường sắt, chúng tôi rất yên tâm với chất lượng an toàn kỹ thuật của phương tiện khi đưa vào vận hành. ĐKV đường sắt là những người có tay nghề cao, trách nhiệm, uy tín và luôn sẵn sàng lăn lộn làm ngoài giờ để đáp ứng tiến độ của đơn vị”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.