“Có ai thi đâu mà biết đi bộ nhiều nhất nước. Ở đây, cán bộ không đi bộ thì sao vào đến hết các bản làng. Càng đi nhiều, mình càng thấy phải làm sao mở thêm nhiều đường để hỗ trợ người dân, phát triển kinh tế huyện nhà”, ông Briu Liếc, Bí thư Huyện ủy Tây Giang (Quảng Nam) “phân trần” khi người dân gọi ông bằng cái tên trìu mến “Bí thư đi bộ nhiều nhất nước”.
Học từ dân, đi vì dân
Tây Giang là huyện miền núi, biên giới của tỉnh Quảng Nam, cách trung tâm tỉnh lỵ 180km. Trong những năm qua, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện có bước phát triển, đầu tư mạnh, không chỉ góp phần giảm nhẹ thiên tai, bảo đảm quốc phòng an ninh, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, thực hiện hiệu quả công tác xoá đói, giảm nghèo; mà còn giúp huyện Tây Giang rút ngắn khoảng cách giữa các vùng, miền, tạo bộ mặt nông thôn mới Tây Giang ngày càng khang trang. Có được những kết quả này, đó là nhờ sự quyết liệt trong chỉ đạo, dám nghĩ, dám làm của Bí thư Huyện ủy Briu Liếc và cùng sự quyết tâm của Thường vụ Huyện ủy Tây Giang.
Ông A Lăng Đàn, Hội Cựu chiến binh huyện Tây Giang
Chuyện ông Briu Liếc đi bộ đến các bản làng từ cán bộ đến người dân huyện Tây Giang nhiều người biết. Cánh nhà báo mỗi lần lên công tác đều được ông mời “đặc sản” đi bộ. Người viết bài này cũng đã có 2 lần trực tiếp đi bộ cùng ông đến các thôn, bản. Lần thứ nhất, hồi tháng 9/2017, tham gia đoàn công tác Huyện ủy Tây Giang đến ngôi làng Aur (xã A Vương) nằm biệt lập giữa khu rừng bảo tồn Sao La - Vườn quốc gia Bạch Mã, giáp với huyện miền núi Nam Đông (tỉnh Thừa Thiên - Huế) do ông Briu Liếc dẫn đầu.
Từ QL14G, con đường mòn dẫn vào ngôi làng Aur cỡ khoảng 15km nhỏ như sợi chỉ vắt qua các ngọn núi, luồn sâu vào những cánh rừng nguyên sinh. PV cùng nhiều người “ngoại đạo” phải vất vả suốt 10 giờ mới đặt chân đến làng Aur nhưng vị Bí thư huyện chỉ mất chừng 3 tiếng. “Tôi đến đây ăn uống, làm việc ổn định rồi mới thấy các nhà báo tới”, ông cười hiền đón chúng tôi ở cổng làng.
Theo ông Liếc, có đi mới thấy những việc cấp bách lúc này là phải mở đường cho dân. Không còn cảnh lội bộ băng rừng nữa, làm sao xe máy, ô tô có thể vào đến tận làng, dân mới bớt khổ, con em được học hành thuận lợi. Người dân vùng cách biệt như Aur vốn nơm nớp sống trong cảnh “một người đau, cả làng khiêng chạy” vì giao thông chia cách. Chúng tôi nhớ rõ những ấp ủ của vị Bí thư huyện ngày đó. Ông Liếc bảo: Có 2 phương án, một là di dời làng ra gần trung tâm xã, gần tuyến đường QL14G. Hai là giữ nguyên ngôi làng rồi đầu tư xây dựng một tuyến đường to rộng hơn, tạo sự giao thương, kết nối, đi lại của bà con dân bản thuận lợi hơn. Huyện sẽ họp dân, lấy ý kiến. Mở đường cần thiết nhưng khó nhất là nguồn lực.
Bẵng 2 tháng sau chuyến đi bộ cùng Bí thư huyện, chúng tôi được tin Huyện ủy Tây Giang đã chỉ đạo chính quyền huy động lực lượng dân quân, đoàn thanh niên vào giúp thôn làng Aur cải tạo hàng nghìn m2 đất đồi, rừng núi để làm những cánh đồng lúa nước. Toàn bộ diện tích lúa nước được chia đều cho từng hộ dân trong làng. Kỹ thuật trồng, chăm sóc được cán bộ khuyến nông tập huấn, trang bị, hướng dẫn người dân một cách cặn kẽ. Chia sẻ thông tin với PV, ông Liếc bảo: Người dân đều bày tỏ nguyện vọng muốn được ở làng cũ, đề nghị chính quyền mở đường cho dân. “Nguyện vọng dân chính đáng, tập tục gắn liền với bản làng họ sinh sống, rất khó để dời làng đi nơi khác. Vậy là huyện quyết định cải tạo đời sống sản xuất cho người dân, phát triển mô hình canh tác lúa nước, chăn nuôi, dược liệu, kết hợp khai thác mô hình du lịch sinh thái. Đồng thời, tính toán phương án mở đường giữa muôn vàn khó khăn. Mở đường phải có khảo sát, phương án, kinh phí cụ thể. Trong khi Tây Giang đang là một huyện biên giới nghèo”, ông Liếc trăn trở.
Khó khăn, nhưng bằng quyết tâm của vị Bí thư huyện, thường vụ Huyện ủy Tây Giang chỉ đạo quyết liệt, hình hài con đường “động lực” vào làng Aur. Giờ đây, đường mới rộng rãi, đang được “bê tông hóa”, “cứng hóa” để các phương tiện từ xe máy, ô tô ra vào thuận lợi. Ngôi làng nhỏ được ví như “Singapore thu nhỏ” với những nét đặc trưng đang thu hút du lịch, đổi thay đời sống người dân…
Hứa đi đôi với làm
Còn nhớ, chuyến đi bộ thứ 2 đầu năm 2018 vào ngôi làng A Riêu (xã biên giới Tr’hy), ông Liếc trăn trở “2 vấn đề chính”, thứ nhất phải phát triển được hệ thống đường giao thông, các thôn, các bản đều phải có đường ô tô, xe máy vào đến nơi. Thứ hai là phải tạo dựng có mặt bằng xây dựng các khu dân cư mới, gắn với xây dựng các mô hình kinh tế. Mỗi lần đi bộ đến với người dân, ông Liếc thường nán lại 2-3 ngày để cùng ăn ở, tìm hiểu nguyện vọng bà con và tìm cách giải quyết những vấn đề giao thông, kinh tế.
Thống kê UBND huyện Tây Giang, sau hơn 20 năm tách lập, hiện nay, 10/10 xã thuộc huyện Tây Giang có đường ô tô đến trung tâm xã vào mùa nắng, toàn huyện có 427,3km đường bộ; cứng hoá (nhựa, bê tông xi măng) được 243,5km còn lại là đường đất và được phân cấp theo hệ thống quản lý, cụ thể: Đường do Trung ương quản lý (đường Hồ Chí Minh) có 28,3km; đường tỉnh Quảng Nam quản lý (ĐT606) 40,0km; đường do huyện Tây Giang quản lý 116,6km; đường do các xã quản lý 81,3km. Hệ thống đường dân sinh có 161,1km và hơn 30km đường giao thông kết nối lưu thông với địa phương khác. Trên địa bàn huyện Tây Giang đã đầu tư xây dựng hoàn chỉnh 20 cầu cứng bê tông cốt thép.
“Dưới xuôi, việc xã hội hóa nguồn lực cho hạ tầng còn dễ dàng. Nhưng ở đây, dân còn khổ, mình phải tranh thủ các nguồn lực ngân sách, sức dân để có thể mở những con đường mới”, ông Liếc nói. Theo ông Liếc, bài học kinh nghiệm của người cán bộ miền núi chính là gần dân, hiểu dân, “hứa phải đi đôi với làm” để được dân tin tưởng.
Giữa những khó khăn bài toán nguồn lực, lời hứa với dân làng A Riêu được vị Bí thư Huyện ủy Tây Giang quyết tâm thực hiện. Một con đường to rộng xẻ núi, băng rừng nhanh chóng được hoàn thành, con đường không chỉ xe máy, mà ô tô chạy bon bon vào đến tận nơi. Những ngôi nhà sàn đậm nét văn hóa người Cơ Tu cũng đang dần dần hiện hữu trên mặt bằng dân cư mới rộng rãi, vững chắc. Tất cả đều sẵn sàng, dẫn lối, tạo đà cho mô hình du lịch cộng đồng phát triển trong nay mai.
Mới đây, ông Liếc lại điện thoại “rủ” cánh báo chí chúng tôi tháng 9 này tiếp tục đi “đi bộ” cùng ông lên vùng biên giới trước khi con đường nối 2 trạm cửa khẩu Tây Giang - huyện Kà Lừm (tỉnh Sê Kông, Lào) hoàn thiện. Giọng ông sang sảng: “Khi con đường nối 2 trạm cửa khẩu xây dựng xong, đây sẽ là huyết mạch lưu thông, kết nối, tạo thế cho huyện Tây Giang phát triển. Tây Giang sẽ có một hạ tầng giao thông liền mạch, thông thương từ thôn bản, đến huyện xã, kết nối với các địa phương trong nước và nước bạn Lào. Lúc đó, hạ tầng giao thông sẽ làm thay đổi diện mạo cho giáo dục, y tế, tạo thế cho kinh tế - xã hội địa phương phát triển bền vững”.
Với hạ tầng giao thông đang được đầu tư, nâng cấp, giọng ông Liếc vui hẳn: “Tây Giang rồi sẽ cất cánh phát triển, vui vì người dân Tây Giang sẽ bớt nghèo, bớt khổ”. Phẩm chất con người ông lúc nào cũng vậy, vui với niềm hạnh phúc của người dân; buồn với niềm trăn trở, lo lắng của dân. Dẫu cho niềm hạnh phúc, hay sự lo âu hết sức nhỏ nhặt, đời thường. Có lẽ vì thế mà bao năm nắm giữ những chức vụ, vị trí lãnh đạo cao nhất huyện Tây Giang, nhưng trong ông vẫn giữ được tính cách, phẩm chất, cốt cách con người dân tộc Cơ Tu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận