Xử lý vi phạm không có vùng cấm, ngoại lệ
Hôm nay (23/5), Cục Đường bộ VN đã tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ trong tình hình mới và Kế hoạch 4485/2023 của Bộ GTVT về thực hiện Chỉ thị số 10.
Ông Lê Hồng Điệp, Trưởng phòng quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, Cục Đường bộ VN cho hay, kế hoạch thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GTVT của Cục Đường bộ được cụ thể hóa thông qua việc yêu cầu các cơ quan, đơn vị, nhà thầu tư, doanh nghiệp thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong quản lý nhà nước và các nhiệm vụ về bảo đảm ATGT.
Cục Đường bộ sẽ có các đợt kiểm tra chuyên sâu về chất lượng bảo trì đường bộ (Ảnh minh họa)
Người đứng đầu cấp uỷ, thủ trưởng cơ quan, đơn vị các cấp chịu trách nhiệm toàn diện về bảo đảm ATGT trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ; Nếu để tình hình ATGT xảy ra phức tạp trên địa bàn, tuyến đường, công trình và lĩnh vực phụ trách do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc không thực hiện đầy đủ trách nhiệm được giao, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị sẽ bị xem xét, xử lý trách nhiệm.
"Cục Đường bộ VN cũng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, sai phạm, tiêu cực của các cơ quan, đơn vị trực thuộc, lực lượng thực thi pháp luật về giao thông; Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, nhà thầu và các lực lượng khác có liên đến đầu tư xây dựng, sửa chữa công trình và các hoạt động bảo trì có tính chất đầu tư, quản lý bảo vệ hành lang an toàn đường bộ.
Quá trình xử lý tuyệt đối thượng tôn pháp luật, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, tất cả các hành vi vi phạm về ATGT phải được xử lý theo quy định. Nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ; nghiêm cấm cơ quan, đơn vị và lực lượng chức năng bỏ qua vi phạm không xử lý, xử lý “xuê xoa” chiếu lệ", ông Điệp nhấn mạnh.
Đề cập đến khó khăn, vướng mắc khi thực hiện kế hoạch của Cục Đường bộ, ông Trần Quang Thanh, Giám đốc Khu Quản lý đường bộ II cho biết, việc xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT nằm trong sửa chữa đột xuất.
Tuy nhiên, việc xử lý đang gặp vướng mắc về kế hoạch chi hàng năm. Trong năm kế hoạch chỉ cho phép điều chỉnh 2 lần. Nếu việc xử lý các điểm bất cập triển khai từ đầu năm phải chờ đến tháng 6, tháng 7 mới lựa chọn được nhà thầu.
"Trong khoảng thời gian ấy, nguy cơ TNGT là rất lớn. Đây là vướng mắc chung mà các Khu Quản lý đường bộ, Sở GTVT mong được tháo gỡ", ông Thanh nói.
Từ thực tế kiểm tra hai địa phương là Khánh Hòa và Đắk Lắk, tình trạng vi phạm tràn lan, tiềm ẩn TNGT nhưng địa phương không vào cuộc, ông Võ Trường Giang, Giám đốc Khu Quản lý đường bộ III cho rằng, cần xem xét trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương trong quản lý hành lang ATGT và đấu nối.
“Trong khi tuyến đường được đầu tư với số tiền lớn thì người dân và doanh nghiệp lại phá hàng rào, hộ lan để đấu nối trái phép. Khu Quản lý đường bộ III đã làm việc với tỉnh Khánh Hòa đề nghị quy rõ trách nhiệm của Chủ tịch huyện, xã. Thậm chí, có thể khởi tố một đơn vị nào đó vi phạm làm điểm.
Một cây xăng rất lớn, sau vài tháng thi công lại yêu cầu Khu phải mở đường đấu nối là không ổn. Địa bàn của Khu quản lý có 16 điểm đấu nối trái phép đều là các doanh nghiệp lớn vi phạm. Cần có chế tài đối với người đứng đầu cấp phép kinh doanh cho các doanh nghiệp này”, ông Giang chia sẻ.
Đề nghị chuyển cơ quan điều tra xử lý trường hợp đấu nối trái phép nghiêm trọng
Kết luận hội nghị, ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ VN cho hay, thời gian qua, Cục Đường bộ VN đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số ở hầu hết các lĩnh vực của ngành, nhất là trong đào tạo, sát hạch, cấp GPLX. Nhờ đó, chất lượng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu của người học, đưa ra cho xã hội những người lái xe tốt.
Cũng trong đảm bảo ATGT, Cục đã thực hiện tốt các giải pháp trong bảo trì đường bộ, xử lý điểm đen TNGT, kiểm soát tải trọng xe, góp phần giảm sâu TNGT cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương.
Tuy vậy, ông Cường cho rằng, vận tải đường bộ chiếm tới 95% thị phần vận tải hành khách và 75% vận tải hàng hóa nên ATGT còn diễn biến phức tạp, TNGT vẫn còn ở mức cao. Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 10/2023 với các giải pháp đưa ra nhằm đảm bảo ATGT và tiếp tục giảm sâu TNGT.
Cục đang hoàn thiện đề án chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó có áp dụng nghệ với độ thông minh cao, tự động phát hiện xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, rà soát sửa, đổi chương trình đào tạo và văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với thực tế để nâng cao chất lượng.
“Chỉ thị của Thủ tướng đã quy định trách nhiệm cụ thể, các nhiệm vụ Cục đường bộ VN phải triển khai.
Trên tinh thần ấy, Cục sẽ ban hành kế hoạch để thực hiện thắng lợi chỉ đạo của Thủ tướng.
Trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị thuộc Cục, các Sở GTVT, các doanh nghiệp bảo trì, các trung tâm đào tạo sát hạch lái xe trong đảm bảo ATGT sẽ được xác định rõ, từ đó góp phần giảm TNGT”, ông Cường nói.
Đưa ra những chỉ đạo cụ thể hơn, ông Cường yêu cầu các đơn vị liên quan phải thay đổi tư duy, không chờ vốn hay đầy đủ hồ sơ thủ tục mới triển khai.
"Những hạng mục không phức tạp như thiếu vạch sơn, biển báo, gờ giảm tốc phải xử lý ngay bằng nguồn kinh phí sửa chữa thường xuyên. Các điểm đen TNGT có quy mô, kinh phí lớn áp dụng hình thức phân kỳ đầu tư. Đối với các điểm đen TNGT đã được phê duyệt phải hoàn thành trước 30/6", ông Cường đề nghị.
Về hành lang ATGT đường bộ, đấu nối, ông Cường yêu cầu các Khu Quản lý đường bộ, Sở GTVT kịp thời phát hiện và có thái độ kiên quyết với vi phạm, không làm chiếu lệ, xong thủ tục để khép hồ sơ. Các trường hợp vi phạm cần phải có văn bản đề xuất UBND tỉnh, thành phố cưỡng chế, giải tỏa.
Riêng các trường hợp đấu nối trái phép, vi phạm nghiêm trọng cần thống kê, đề nghị chuyển sang cơ quan điều tra xử lý nghiêm.
Cho biết trong sửa chữa thường xuyên đường bộ đang thực hiện nghiệm thu theo tiêu chí chất lượng thực hiện, ông Cường yêu cầu các đơn vị quản lý nghiêm túc thực hiện giám sát chặt chẽ trong nghiệm thu, thanh toán. Việc nghiệm thu phải đúng theo khối lượng thực hiện, nhà thầu nào thực hiện dưới 70% tháng điểm phải chấm dứt hợp đồng.
“Để tránh nhà thầu đi thuê, đi mượn thiết bị và đẩy mạnh cơ giới hóa công tác duy tu, bảo dưỡng. Cục Đường bộ sẽ nghiên cứu quy định nhà thầu bảo trì phải có máy móc thiết bị hiện đại vào hồ sơ mời thầu; Đồng thời, tổ chức các đợt kiểm tra chuyên sâu về chất lượng sửa chữa định kỳ”, ông Cường cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận