Lực lượng TKCN tàu SAR 412 |
Vượt bão cứu ngư dân
Thống kê những năm gần đây cho thấy, số vụ yêu cầu cứu nạn trên biển nói chung và khu vực Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng có chiều hướng tăng. “Những năm 2011-2012 trở về trước, mỗi năm khoảng vài trăm trường hợp báo nạn, 200 - 300 người được cứu; Năm 2015, Trung tâm Phối hợp TKCN Hàng hải Việt Nam đã cứu trên 800 người”, ông Nguyễn Anh Vũ, Tổng giám đốc trung tâm nói và tự hào cho biết thêm: “136 cán bộ của Trung tâm đều là những anh em dày dạn kinh nghiệm, thực thi công vụ rất mẫn cán. Khi anh em đã có mặt thì dứt khoát bà con ngư dân mình không bị nguy hiểm. Tại những khu vực đang có tranh chấp với phía Trung Quốc, anh em đã dũng cảm, khôn khéo đấu tranh để tiếp cận cứu chữa cho ngư dân mình đang bị nạn”.
Thuyền trưởng Phan Xuân Sơn của tàu SAR 412 (chuyên thực hiện các chuyến cứu nạn tại khu vực miền Trung và quần đảo Hoàng Sa) gọi tàu SAR 412 của mình là “Con tàu may mắn”. Được biết, chỉ riêng năm 2015, con tàu này đã thực hiện 21 vụ cứu nạn, trong đó có 13 vụ cứu nạn tại sâu trung tâm quần đảo Hoàng Sa.
Toàn bộ vùng biển Việt Nam rộng trên 1 triệu km2 thuộc trách nhiệm đáp ứng của Trung tâm Phối hợp TKCN Hàng hải Việt Nam. Đây là nơi có mật độ tàu, thuyền đông đúc hàng đầu khu vực, do có tuyến hàng hải quốc tế đi qua và thường xuyên có 1 triệu ngư dân với trên 130.000 tàu, thuyền hoạt động đánh bắt hải sản. |
Còn Thuyền trưởng tàu SAR 411 Nguyễn Mạnh Dũng nhớ lại, ngay khi chưa kết thúc đợt diễn tập TKCN tại Cửa Lò (Nghệ An) cuối tháng 10 vừa rồi, anh nhận được tin tàu cá BĐ 95906 báo nạn ở vị trí đường phân định Vịnh Bắc bộ trong điều kiện thời tiết bắt đầu xấu, gió mùa về. Anh em lập tức từ khu vực diễn tập điều tàu đi thẳng ra vị trí tàu BĐ 95906 gặp nạn. Khi tiếp cận gần tàu cá đã gần nửa đêm, trời tối mà sóng nổi lên rất lớn, liên lạc qua ICOM rất khó. Lúc đó, trên tàu SAR 411 đang sẵn chiếc loa công suất rất lớn vừa dùng để điều phối hàng chục tàu diễn tập cứu nạn, anh em tàu SAR 411 lúc đó đã lấy loa ra thay nhau hô gọi, không ngờ tác dụng rất lớn. Một lúc sau, ngư dân trên tàu bị nạn nghe thấy tiếng loa gọi đã dùng đèn làm hiệu cho tàu cứu nạn xác định rõ vị trí, nhờ đó đã cứu được cả 6 ngư dân và lai dắt được tàu BĐ 95906 về bờ tại Đà Nẵng an toàn.
Cũng như vậy, thuyền trưởng Phan Xuân Sơn không ít lần vượt bão cứu nạn. Có lần, vừa khi có cơn bão lớn đang tràn tới, trung tâm nhận được tin báo có tàu ngư dân bị nạn. Vị trí tàu bị nạn cách tâm bão chưa tới 60 hải lý, gần như đã lọt vào khu vực bão. Anh em trên tàu đang băn khoăn liệu có vào kịp để cứu thuyền dân không thì thuyền trưởng Sơn quả quyết: “Phải vào, vào để cứu người chứ”.
Cũng nhờ sự quyết đoán này mà tàu SAR 412 cứu được 8 mạng người, đưa về bờ an toàn. Chia sẻ kinh nghiệm cứu nạn trong bão, thuyền trưởng Phan Xuân Sơn nói, căn cứ vị trí tâm bão lúc đó, đưa tàu vào cứu nạn, nếu đi theo bán vòng trái cơn bão và ở 1/4 phía sau thì ít nguy hiểm. “Hơn nữa vào lúc đó, tàu ngư dân như thế mà vẫn chịu được bão, thì tàu cứu nạn sao không vào được”, anh Sơn chia sẻ thêm.
Cờ đỏ sao vàng trên biển Hoàng Sa
Cần phải nói rằng, cả 7 con tàu của Trung tâm Phối hợp TKCN Hàng hải VN đều không lớn, thậm chí nhỏ hơn khá nhiều so với tàu của lực lượng Kiểm ngư, Cảnh sát biển. SAR 412 là con tàu lớn nhất, tàu chủ lực của trung tâm, chiều dài 43,8 m, rộng 7,15 m, mớn nước 2,35 m.
Trước nhu cầu phải vươn ra xa hơn, TKCN phải bao quát được cả toàn bộ khu vực Hoàng Sa, Trường Sa, đầu năm 2014, Tổng giám đốc Nguyễn Anh Vũ đã làm việc với Nhà máy đóng tàu Damen (Hà Lan) đề nghị giúp nâng cấp, cải tạo con tàu lớn nhất của Trung tâm là tàu SAR 412 vốn do Damen thiết kế, chế tạo. Song phương án của Damen là phải cắt đôi thân tàu để bổ sung thêm két chứa nhiên liệu và kinh phí là 10 triệu USD, là khoản tiền lớn mà trung tâm rất khó để có được.
Trước tình huống đó, anh em tàu SAR 412 mà đứng đầu là thuyền trưởng Phan Xuân Sơn và máy trưởng Nguyễn Tùng Sơn đã nghiên cứu, nâng cao tầm hoạt động của loại tàu TKCN SAR 412 bằng việc hoán cải két chứa nước thải sinh hoạt thành két chứa nhiên liệu. Thể tích chứa nhiên liệu tàu SAR 412 được nâng từ 28 m3 thành 34 m3 và tầm hoạt động nâng từ 250 lên 300 hải lý (600 hải lý cả đi và về). Điều này có nghĩa, tàu TKCN của trung tâm có thể hoạt động TKCN tới khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và toàn bộ vùng trách nhiệm của Việt Nam.
Từ khi tàu SAR 412 được cải tiến két chứa nhiên liệu giữa năm 2014 đến nay, tàu đã cứu nạn 31 vụ, cứu sống và hỗ trợ được 145 người, lai dắt về bờ an toàn 21 tàu, thuyền. Riêng khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, tàu SAR 412 đã thực hiện 15 vụ cứu nạn, cứu được 47 người.
Anh em TKCN tàu SAR 412 còn nhớ như in sự kiện ngày 11/2/2015 khi đi cứu nạn 6 thuyền viên tàu BĐ 95569TS bị chìm tại khu vực đảo chìm Chim Yến - nằm giữa trung tâm quần đảo Hoàng Sa nơi hai tàu quân sự và một máy bay Trung Quốc quần thảo nhiều giờ. Tàu hải quân Trung Quốc thậm chí đã mở bạt che pháo, pháo thủ ngồi vào mâm pháo, quay nòng pháo về tàu SAR 412 đe dọa. Trước tình hình đó, tàu SAR 412 vẫn bình tĩnh hạ xuồng tiếp cận tàu cá bị nạn cứu các ngư dân.
6 ngư dân được cứu hôm đó, trước khi rời con tàu đánh cá BĐ 95569TS đã hư hỏng nặng mắc kẹt giữa đảo Chim Yến, còn treo lên cột buồm cao nhất phía mũi tàu BĐ 95569TS một lá cờ đỏ sao vàng đỏ rực rồi mới rời lên tàu cứu nạn. Lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong nắng gió giữa quần đảo Hoàng Sa là một kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời các thủy thủ tàu cứu nạn SAR 412..
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận