Một rừng phòng hộ bị chặt phá để trồng cỏ. Ảnh Thế Lập- TTXVN. |
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ, môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, có ý kiến đề nghị không nên quy định thẩm quyền của Quốc hội quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích sử dụng khác mà nên giao cho Thủ tướng Chính phủ, HĐND cấp tỉnh thực hiện tùy theo loại rừng và diện tích rừng chuyển đổi; cần quy định rõ thẩm quyền của các cơ quan này trong việc quyết định chủ trương chuyển đổi. Tuy nhiên, theo ông Dũng, rừng là tài nguyên quan trọng của quốc gia, do vậy, đối với những dự án chuyển đổi diện tích rừng đặc dụng, phòng hộ quy mô lớn cần phải có sự quyết định chủ trương của Quốc hội.
Chiều cùng ngày, Thường vụ Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi). Báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo luật cho biết, hiện còn có ý kiến khác nhau, đó là thành lập kiểm ngư tại tất cả 28 tỉnh, thành phố ven biển (phương án Chính phủ trình) hay chỉ thành lập kiểm ngư ở một số tỉnh, thành phố ven biển có tính đặc thù. Theo ông Phan Xuân Dũng, việc tổ chức lực lượng kiểm ngư ở tỉnh, thành phố ven biển là cần thiết và quan điểm của cơ quan thẩm tra thiên về phương án chỉ thành lập kiểm ngư tại một số tỉnh có tính đặc thù, đáp ứng đủ tiêu chí quy định.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đánh giá lực lượng kiểm ngư là rất quan trọng, nếu không có lực lượng này trên biển thì việc quản lý biển và bảo đảm thực thi pháp luật về thủy sản rất khó khăn. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt cho rằng, nên có Kiểm ngư cấp tỉnh và không phân biệt tỉnh lớn hay tỉnh nhỏ, vì lực lượng này có vai trò rất quan trọng.
Kết luận phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng do chưa tổng kết cụ thể về hoạt động, mặt khác lực lượng kiểm ngư còn mỏng nên tổ chức thế nào cho hợp lý cần tính thêm. Dự thảo luật quy định theo hướng nguyên tắc còn sau này giao Chính phủ quy định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận