Đường bộ

Chuyển đổi số tạo "đòn bẩy" cho doanh nghiệp vận tải phát triển

14/04/2022, 17:02

Chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp vận tải thay "áo mới", tăng giá trị cạnh tranh, mở rộng cơ hội, thị trường phát triển.

Hôm nay (14/4), Tổng cục Đường bộ VN phối hợp với Hiệp hội Vận tải ô tô VN tổ chức Hội nghị đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ.

Ông Đỗ Xuân Hoa, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho biết, khảo sát 87 doanh nghiệp vận tải hành khách, hàng hóa và bến xe cho thấy, sau hơn 2 năm chịu tác động của đại dịch Covid-19, vận tải bị đứt gãy, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng khi doanh thu giảm khoảng 80%.

Đề cập đến các chính sách hỗ trợ của Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ông Hoa cho hay, hầu hết các doanh nghiệp vận tải chỉ tiếp cận được với chính sách giảm phí bảo trì đường bộ. Các chính sách hỗ trợ có tác động lớn đến doanh nghiệp như vốn, giảm thuế, phí, lãi vay ngân hàng vẫn chưa đến được với họ.

img

Đến nay, tỷ lệ chuyển đổi số của doanh nghiệp vận tải vẫn đạt tỷ lệ khá thấp khoảng 20% - Ảnh minh họa

Nguyên nhân được ông Hoa chỉ ra là do các thủ tục để được nhận hỗ trợ phức tạp, mất nhiều thời gian nên doanh nghiệp khó tiếp cận.

Theo ông Hoa, thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh giảm sút khiến nhiều doanh nghiệp đã cắt giảm quy mô sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đã giải thể, phá sản.

Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 song theo các chuyên gia, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách, hàng hóa để nâng cao hiệu quả kinh doanh, phát triển trong và sau dịch.

Đồng quan điểm, song ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho biết, qua khảo sát cho thấy có đến khoảng 75% doanh nghiệp vận tải quy mô nhỏ lẻ, chỉ có một vài xe, thậm chí chủ xe kiêm luôn lái xe, làm ăn chụp giật. Doanh thu giảm, khiến nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động khi xảy ra dịch bệnh và chỉ có khoảng 20% doanh nghiệp vận tải trong cả nước ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số.

"Chỉ có khoảng hơn 40% doanh nghiệp áp dụng hình thức kết nối với khách hàng qua mạng xã hội, gần 30% doanh nghiệp sử dụng website để cung cấp thông tin cho khách hàng. Số còn lại vẫn chủ yếu trao đổi trực tiếp qua điện thoại, gặp mặt", ông Quyền cho biết.

Ông Phạm Văn Thiện, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tư vấn và chuyển giao công nghệ Sơn Phát nhìn nhận, Covid-19 làm thay đổi cách tiêu dùng, phương thức hoạt động, trao đổi thương mại.

Do không có công nghệ kết nối, doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn. Đơn cử, việc quản lý được vé là nguồn thu trọng tâm của doanh nghiệp. Tuy vậy, việc quản lý, tổ chức bán vé hiện nay vẫn thụ động, ngẫu nhiên, chủ yếu bằng công cụ giấy truyền thống như lệnh vận chuyển giấy, vé giấy, gây tốn kém về thời gian, chi phí, nhân lực, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Phương thức này cũng là rào cản chuyến đổi sang vé điện tử.

Bên cạnh đó, thiếu tính đa dạng trong các kênh bán vé, dẫn đến khó tiếp cận được khách hàng. Việc chuyển đổi số sẽ khắc phục được các tồn tại hiện nay trong quản lý, điều hành vận tải.

Khi áp dụng vé điện tử sẽ giúp doanh nghiệp tăng khả năng quảng cáo, thông tin dịch vụ, tăng khả năng tiếp cận đổi với khách hàng, tăng trưởng doanh thu. Bên cạnh đó, giúp doanh nghiệp cải tiến phương pháp quản lý, điều hành theo hướng tự động hóa, cắt giảm các thủ tục giấy tờ, tiết kiệm thời gian, chi phí, nhân lực.

Chuyển đổi số là dữ liệu được số hóa, giúp doanh nghiệp vận tải dự báo được số lượng khách, xây dựng thương hiệu bền vững, có được dữ liệu khách hàng. Doanh nghiệp có đầy đủ thông tin hành khách sẽ tạo ra các chương trình khuyến mại, thúc đẩy khách hàng thân thiết tiếp tục sử dụng dịch vụ.

“Nếu muốn tồn tại, doanh nghiệp phải trang bị cho mình nền tảng công nghệ để tham gia vào chuyển đổi số, tiết kiệm chi phí quản trị, quản lý được doanh thu từ vé của hành khách, doanh thu từ hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút thêm nguồn lực khách hàng”, ông Thiện nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.