Thông tin doanh nghiệp

Chuyển đổi số trong quản lý hoạt động GTVT ở Thanh Hóa

02/12/2021, 14:08

Ngành GTVT Thanh Hóa đang từng bước hoàn thiện hạ tầng cơ sở dữ liệu, kết nối liên thông trong việc thực hiện "số hóa" trên lĩnh vực quản lý.

Là một trong những đơn vị được đánh giá tiên phong “mở đường”, đổi mới, sáng tạo trong hoạt động, điều hành, hoạt động chuyển đổi số giúp ngành GTVT phát triển cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại, bảo vệ môi trường, bảo đảm TTATGT...

img

Sở GTVT Thanh Hóa đã triển khai việc đổi GPLX qua mạng Internet

Ông Phạm Hoài Nam - Chánh Văn phòng Sở GTVT Thanh Hóa cho biết: Từ ngày 22/5/2020, 100% văn bản, hồ sơ công việc của Sở được trao đổi, tạo lập, xử lý, ký số trên môi trường điện tử (trừ văn bản mật theo quy định). Tại cơ quan Sở, đã xây dựng hệ thống phòng họp không giấy tờ; hệ thống phòng họp trực tuyến; triển khai ứng dụng CNTT hiệu quả, toàn diện, bảo đảm khả năng kết nối hệ thống thông tin tại bộ phận một cửa với cổng thông tin điện tử, tạo điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp qua mạng internet, bảo đảm tính liên thông giữa các đơn vị trong quy trình xử lý thủ tục hành chính.

Theo ông Nam, hiện nay, ngành GTVT Thanh Hóa đang cung cấp 16 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; 36 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Bắt đầu từ ngày 27/9/2021, Sở GTVT Thanh Hóa đã thử nghiệm cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 về việc đổi giấy phép lái xe trên cổng dịch vụ công quốc gia. Việc này áp dụng cho tất cả các hạng GPLX ô tô do ngành GTVT cấp.

Cụ thể, người dân không phải đi xa, đi lại nhiều lần đến Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh Thanh Hóa nhưng vẫn thực hiện đổi được GPLX do ngành GTVT cấp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia bằng cách sử dụng điện thoại Smart Phone hoặc vi tính có kết nối Internet đăng nhập vào địa chỉ: http://dichvucong.gov.vn và thực hiện theo hướng dẫn (lưu ý là thành phần hồ sơ nộp trực tuyến không thay đổi so với hồ sơ nộp trực tiếp). Sau đó, người dân có thể chọn hình thức nhận GPLX qua dịch vụ bưu chính công ích để nhận tại nhà hoặc nhận trực tiếp tại cơ quan tiếp nhận hồ sơ. Thời gian trả GPLX là 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.

img

Trong tương lai không xa, các phương tiện ô tô đều sử dụng tài khoản thu phí điện tử, xóa bỏ giao dịch tiền mặt

Đối với công tác quản lý vận tải trên địa bàn, Sở GTVT Thanh Hóa đã áp dụng hệ thống giám sát hành trình trong công tác quản lý xe ô tô tại phòng quản lý vận tải. Qua kết quả phân tích từ dữ liệu giám sát hành trình để kịp thời có các biện pháp xử lý đối với xe ô tô vi phạm.

Về quản lý hạ tầng, công trình giao thông thì sẽ thực hiện áp dụng hệ thống phần mềm GovOne - đây là giải pháp ứng dụng công nghệ bản đồ số (GIS), công nghệ di động và công nghệ điện toán đám mây nhằm hiện đại hóa công tác quản lý, giám sát hoạt động bảo trì đường bộ theo xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Việc áp dụng công nghệ này nhằm tạo ra môi trường làm việc điện tử, giúp cơ quan quản lý đường bộ giám sát tập trung, trực tuyến, chủ động, khách quan công việc ngoài hiện trường của tuần đường, tuần kiểm... Cho phép sử dụng thiết bị di động thay thế các công cụ truyền thống như: sổ nhật ký tuần đường, máy ảnh, thiết bị định vị... để thu thập, cập nhật cơ sở dữ liệu, hiện trạng tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ ngoài hiện trường phục vụ công tác quản lý, bảo trì, bảo vệ đường bộ, giúp giảm nhân công và tăng cường hiệu quả công việc.

img

Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh của tỉnh Thanh Hóa

Bên cạnh đó, trang thông tin điện tử của Sở GTVT Thanh Hóa luôn được cập nhật đầy đủ, kịp thời, đúng các quy định của pháp luật, phục vụ tích cực cho công tác quản lý, điều hành của lãnh đạo sở và nhu cầu tìm hiểu, cập nhật thông tin liên quan đến hoạt động của ngành GTVT cho cá nhân, tổ chức và cán bộ, công chức trong cơ quan.

Ông Nguyễn Văn Khiên - Giám đốc Sở GTVT Thanh Hóa cho biết, để góp phần trong việc hoàn thiện chuyển đổi số, trước hết phải tuyên truyền nâng cao nhận thức của lãnh đạo, cán bộ, người dân và doanh nghiệp, phát triển chính phủ số, kinh tế số trong ngành GTVT. Người đứng đầu chịu trách nhiệm trực tiếp về hoạt động chuyển đổi số trong cơ quan, tổ chức, lĩnh vực được phụ trách gắn các mục tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số với chương trình hành động, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển của từng cơ quan, tổ chức.

Song hành với đó, các thiết bị viễn thông, công nghệ thông tin phục vụ cho hệ thống giao thông thông minh được bảo đảm đầu tư đồng bộ trong các dự án xây dựng về kết cấu hạ tầng giao thông. Ứng dụng nền tảng công nghệ Io trong quản lý, vận hành các thiết bị đầu, cuối của hệ thống giao thông thông minh để hướng tới khả năng hỗ trợ điều khiển và tự động hóa từ xa trên môi trường mạng máy tính.

Mặt khác, phát triển các nền tảng tích hợp, kết nối liên thông dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên dùng để hình thành nên hệ sinh thái trong giao thông thông minh. Ứng dụng các nền tảng công nghệ thanh toán điện tử hiện đại vào hoạt động thu phí để tăng cường sự thông suốt, ATGT như: thu phí điện tử không dừng đối với các phương tiện tham gia giao thông đường bộ; kiểm soát thẻ vé, thu phí liên thông trong mạng lưới giao thông công cộng; quản lý thu phí tự động tại các bãi đỗ xe; thu phí, lệ phí hàng hải điện tử cho tàu thuyền vào, rời cảng biển…

Cũng theo ông Khiên, trong thời gian tới, yêu cầu 100% chế độ báo cáo trong GTVT được chuẩn hóa và quản lý bằng hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin có kết nối liên thông với Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia. 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phấn đấu đạt chỉ tiêu của tỉnh về thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, đáp ứng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp; 100% các tuyến đường bộ cao tốc có triển khai lắp đặt hệ thống quản lý, điều hành giao thông thông minh (ITS); hình thành được các trung tâm tích hợp quản lý, điều hành giao thông của đô thị thông minh tại các thành phố trực thuộc Trung ương và địa phương có nhu cầu… Xóa bỏ hoàn toàn các giao dịch sử dụng tiền mặt trong hoạt động GTVT; 100% phương tiện ô tô sử dụng tài khoản thu phí điện tử để thanh toán đa mục đích cho các dịch vụ giao thông đường bộ. Nền kinh tế vận tải được vận hành chủ yếu trên phương thức số; mô hình kinh tế chia sẻ được triển khai rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực vận tải.

Được biết, theo thống kê từ Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thanh Hóa thì hiện nay, Thanh Hóa là một trong những tỉnh nằm trong top đầu của cả nước triển khai hiệu quả xử lý văn bản trên môi trường điện tử và chữ ký số, mỗi năm tiết kiệm trên 60 tỷ đồng chi phí hành chính (đến thời điểm hiện tại), của các cơ quan nhà nước.

Ngoài ra, tỉnh Thanh Hóa cũng đang triển khai hiệu quả hệ thống phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc tại 100% các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã. Cung cấp 831 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4, trong đó đã tích hợp 703 dịch vụ công trực tuyến lên trên Cổng dịch vụ công quốc gia.Thanh Hoá là tỉnh có hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến thuộc diện lớn nhất trong cả nước với 348 điểm cầu tại các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và cấp xã.

Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2025 sẽ cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, các doanh nghiệp. Người dân được hưởng thụ các dịch vụ, tiện ích từ công cuộc chuyển đổi số, kinh tế số chiếm 20% GRDP; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.